Chủ Nhật, 11 tháng 6, 2017

Đà Nẵng có đáng sống không?

FB Le Trong Vu

Về mặt hành chính, Đà nẵng gần như đang tê liệt, không quyết sách hệ trọng nào được thông qua, thậm chí nhiều công văn cũng không được trình ký, giới công chức chỉ xì xầm về chuyện hậu trường còn lãnh đạo thì không ai còn lớn tiếng hô hào nữa.

Nhưng cũng chẳng cần đến khi vụ "biển xanh" nổ ra, lúc 2 phe bắt đầu "tuốt gươm", Đà Nẵng mới bộc lộ là một thành phố chán sống đến như vậy. 

Khi năm 2015 được chọn là năm Văn hoá, Văn minh Đô thị, Đà Nẵng mới bắt đầu quan tâm đến các "thiết chế văn hoá". 160 tỷ đồng được quyết dự chi cho văn hoá trong 05 năm tới. Nhiều phong trào đã được phát động, nhiều bộ tiêu chí được đề ra và nhiều công trình được cải tạo, nâng cấp lên. Nhưng văn hoá không phải là lớp sơn bên ngoài viện bảo tàng, mà là hệ thống các giá trị bên trong. Càng không phải là số lượng các gia đình đạt chuẩn này kia, văn hoá là đời sống tinh thần của mỗi công dân. Quản lý văn hoá, vì vậy khác "chia lô, bán nền" rất nhiều. Sau 2 năm được phát động rầm rộ, Đà Nẵng được nhắc đến vẫn chỉ có bờ biển và ...đất cát. Ở đây quá thiếu không gian cho trẻ con lại thừa "sân chơi" cho người lớn. Không cần nhìn bảng đóng góp ngân sách hay cách thành phố vinh danh Tập đoàn Bia rượu VBL hàng năm, bằng mắt thường cũng có thể cảm nhận được sự "năng động" của "thành phố trẻ" này khi công sở tan tầm.

Là thành phố lớn thứ ba VN nhưng thật kỳ lạ, mức chi cho văn hoá lại luôn nằm trong nhóm thấp nhất cả nước. Năm 2010-2013, mức đầu tư cho văn hóa của Đà Nẵng mỗi năm chỉ từ 15-25 tỉ, đến năm 2013 thì tụt xuống còn 8,4 tỉ đồng, trong khi chi cho xây dựng cơ bản là gần 10 ngàn tỷ đồng. Với tỷ lệ quá thấp và mất cân đối như vậy, thành phố không có bất kỳ hoạt động văn hoá nào tương xứng trong suốt nhiều năm qua, không buổi giới thiệu sách mới nào được tổ chức, không liên hoan phim ảnh nào được giao lưu, không bộ sưu tập nghệ thuật nào được trưng bày. Khách đến Bảo tàng Mỹ thuật chỉ để uống cafe còn nhà hát luôn sống dựa vào ngân sách thành phố và chỉ thật sự có "không khí nghệ thuật" khi băng rôn mang tên Trường Giang hay Trấn Thành được treo lên.

Thiếu các thiết chế văn hoá đúng nghĩa, đô thị

chỉ là những khối bê tông vô hồn. Không có một đời sống thị dân đích thực, mọi chỉ số phát triển đạt được đều trở nên vô nghĩa. Vậy nên, cái ĐN cần làm bây giờ không phải là đầu tư vào hạ tầng giao thông mà là gia cố lại thật chắc những nền móng văn hoá. Cái ĐN cần không phải là hầm chui, cái phải làm ngay bây giờ, là xây những cây cầu để kết nối các giá trị tinh thần trong cộng đồng lại.

Không chỉ tê liệt về mặt hành chính, các "thị dân" cũng thờ ơ cả các biến động trong đời sống quanh mình. 11 nghìn người ký tên bảo vệ Sơn Trà tưởng lớn (có bao người ĐN trong này?) nhưng lại rất khiêm tốn nếu so với dân số 1 triệu người đang hít thở, hưởng lợi trực tiếp từ "lá phổi xanh" này. Mấy ngày trước, cả thành phố dõi theo hình ảnh ông Đam đi bộ lên Sơn Trà và chờ đợi thông tin tốt lành từ Trung ương. Ba tháng tạm dừng để rà soát lại qui hoạch Sơn Trà có thể là tín hiệu khả quan, nhưng, một xã hội chỉ biết im lặng, khoanh tay trông chờ vào sự tử tế của quan chức thì liệu nên vui hay buồn, nhỉ?