NLĐO - Những ngày này, Đà Nẵng vốn đã nổi tiếng bởi danh hiệu “Thành phố đáng sống” lại càng được chú ý nhiều hơn bởi sau vụ Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng trả lại ô tô trị giá 1,3 tỉ đồng do một doanh nghiệp tặng thì đến trường hợp dự án hầm chui qua sông Hàn tạm thời chờ xem xét.
Cụ thể, hôm 6-3, Thủ tướng Chính phủ và các bộ - ngành hữu quan đã nghe lãnh đạo TP Đà Nẵng trình bày báo cáo chi tiết về dự án xây hầm chui qua sông Hàn với tổng vốn đầu tư 4.700 tỉ đồng, huy động từ nguồn ngân sách và khai thác quỹ đất của TP; dự kiến khởi công vào đầu năm 2018. Tại buổi làm việc, Thủ tướng yêu cầu Đà Nẵng và các bộ - ngành đánh giá lại thật kỹ quy hoạch cầu qua sông Hàn, trình Thủ tướng quyết định.
Qua quan sát từ mạng xã hội và phần ý kiến phản hồi của các báo điện tử có đăng thông tin nói trên, bên cạnh số ít tỏ ra không vui, rất nhiều người bày tỏ sự đồng tình với quyết định tạm gác dự án, thậm chí lắm người hoan hỉ. Trái ngược với giới đầu cơ nhà đất ở bờ Đông sông Hàn, nhiều người Đà Nẵng muốn dừng hẳn dự án này.
Từ đó, một lần nữa thấy rằng quyết định xây hầm chui 4.700 tỉ đồng của ban lãnh đạo đương nhiệm chưa nhận được sự đồng thuận của người dân. Rất nhiều ý kiến của người dân, chuyên gia lẫn cựu lãnh đạo TP đã được đưa ra, theo hướng không nên xây hoặc chưa nên xây vào thời điểm này, dù khá xác đáng song lãnh đạo TP vẫn bảo lưu quan điểm của mình. Nay, khi ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đứng về phía số đông, người dân hoan nghênh là dễ hiểu.
Phải thừa nhận rằng nhờ vào sự quyết đoán của các lãnh đạo địa phương qua nhiều thời kỳ liên tục mà Đà Nẵng mới có được như hôm nay. Nhưng công bằng mà nói, trong sự thành công ấy có đóng góp rất lớn của người dân. Không ai yêu Đà Nẵng hơn người dân Đà Nẵng. Họ có lên tiếng phản biện một chủ trương, chính sách nào đó liên quan đến TP cũng chính là để tỏ bày tình yêu ấy.
Và, cũng như vậy, lãnh đạo Đà Nẵng càng phải hiểu thực tế của địa phương mình hơn bất cứ ai từ ngoài nhìn vào. Diện tích gần 1.300 km2, dân số chỉ hơn 1 triệu người, còn sông Hàn chỉ rộng từ 900-1.200 m, dài 7.200 m và đặc biệt là đã có 9 cây cầu hiện đại, kiên cố bắc qua (Thuận Phước, Sông Hàn, Rồng, Tiên Sơn, Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Lý, Nguyễn Tri Phương, Cẩm Lệ, Hòa Xuân), việc xây thêm hầm chui qua sông không thể nói là không lãng phí. Khoản đầu tư 4.700 tỉ đồng khó tránh sẽ đội lên thêm do thời giá và các yếu tố thời tiết, thổ nhưỡng, hoàn toàn chưa phù hợp với một TP thu ngân sách khoảng 18.000 tỉ đồng/năm (2016) và quỹ đất chẳng còn là bao, lại phải trả nợ vay phát hành trái phiếu địa phương như Đà Nẵng.
Cũng khó đem lý do “tầm nhìn” để bảo vệ cho dự án này bởi theo quy hoạch đến năm 2030, dân số Đà Nẵng cũng chỉ 2,5 triệu người. Lưu lượng giao thông từ phía bờ Đông sang bên bờ Tây sông Hàn còn khiêm tốn, hướng ngược lại cũng như thế, lẽ nào sử dụng tới 9 cây cầu và 1 hầm chui chỉ để qua Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn tắm biển, ngắm mây... rồi về!?
Nói chung, hiện đại hóa đô thị luôn cần thiết đối với mọi TP nhưng với Đà Nẵng, đánh đổi tới 1/4 tổng thu ngân sách vào lúc này là chưa nên. Chưa có hầm chui, Đà Nẵng vẫn đáng sống, vẫn là trung tâm của miền Trung và Tây Nguyên rồi. Có thêm hầm chui, bộ mặt đô thị có thể tinh tươm nhưng đời sống người dân chưa chắc khá hơn bởi gánh nặng thuế má, nợ nần. Sự thịnh vượng phải cân đong đo đếm được bằng những con số chứ không phải bằng cảm nhận chủ quan. Chẳng ai muốn phồn vinh giả tạo cả!.