TG&VN - Sự việc Giáo sư Trương Nguyện Thành không đáp ứng tiêu chuẩn làm hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen dù được tín nhiệm 16/18 phiếu của thành viên lãnh đạo nhà trường vừa qua đặt ra một câu hỏi lớn: Có hay không sự tự chủ của các nhà trường?
Về mặt lý thuyết, nền giáo dục Việt Nam đã được cởi trói từ 20 năm trước, khi khối tư nhân được đường đường chính chính bước chân vào thị trường giáo dục, với sự xuất hiện của hệ thống trường dân lập, tư thục và sau này là các trường quốc tế. Tuy nhiên, khi trường hợp của Giáo sư Trương Nguyện Thành xảy ra, người ta mới ngỡ ngàng vì hoá ra vẫn có những quy định khiến các trường tư không thể tự quyết định được nhân sự phù hợp cho mình.
Trong thị trường giáo dục, các ngôi trường hoạt động, tồn tại, phát triển với những quy luật của thị trường. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất, hồn cốt của những ngôi trường, là nhân sự quản trị, là những người thầy… thì phụ thuộc vào các tiêu chuẩn cứng nhắc, rập khuôn cho tất cả các ngôi trường khác nhau. Khả năng cạnh tranh trong thị trường giáo dục của các ngôi trường bị hạn chế bởi những rào cản hành chính. Đó là một bi kịch.
Bi kịch của trường Hoa Sen không phải là cá biệt. Ngành giáo dục Hà Nội mới đây đưa ra quy định tất cả các trường công lập và tư thục đều phải tuyển sinh đầu cấp cùng một thời điểm. Đó là một quy định không chỉ bóp nghẹt sự sáng tạo, chủ động của các trường, mà còn hạn chế cơ hội lựa chọn của học sinh và phụ huynh. Nhưng những quy định như thế vẫn được đưa ra, chỉ đơn thuần để thể hiện quyền lực của nhà quản lý.
Những ngôi trường thiếu tự chủ, hàng vạn giáo viên cũng không thể tự chủ với các quy định bị thay đổi liên tục, được gọi là đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới hình thức thi cử. Có lẽ, không ở đâu trên thế giới này, đội ngũ giáo viên phải tập huấn nhiều như ở Việt Nam. Với mỗi chỉ thị, nghị quyết, mỗi chủ trương đổi mới, đội ngũ giáo viên lại phải tập huấn để làm quen và thay đổi. Điều đó khiến cho họ mất đi sự chủ động, không thể xây dựng và duy trì phong cách chuyên môn của bản thân.
Đổi mới giáo dục, theo quan điểm của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đương nhiệm, là một nhu cầu bắt buộc. Tháng 9 năm ngoái, ông nói: “Không đổi mới thì còn gì là giáo dục”.
Nhưng đổi mới giáo dục để làm gì? Mục đích chính phải tạo động lực cho thị trường giáo dục, tăng khả năng cạnh tranh cho các cơ sở giáo dục, phát huy được sự sáng tạo của nhân lực ngành. Muốn đạt được mục đích đó, điều đầu tiên phải làm là ngành giáo dục cần cởi trói, tăng quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục và đội ngũ giáo viên.
Đổi mới giáo dục không phải là thay đổi các kỳ thi khiến cả giáo viên lẫn học sinh phải loay hoay đối phó. Đổi mới giáo dục đúng nghĩa là khiến cho các cơ sở giáo dục, giáo viên, học sinh có nhu cầu đổi mới. Từ đó, họ cùng sáng tạo ra những phương pháp quản trị, phương pháp dạy và học sao cho phù hợp nhất với điều kiện của mình, để đạt được kết quả tốt nhất.
Muốn có được một môi trường sáng tạo như vậy, Luật giáo dục, đã đến lúc cần gỡ bỏ các quy định quá chi tiết, cụ thể nhằm điều chỉnh tổ chức, nhân sự của các nhà trường. Đã đến lúc, chúng ta cần bỏ đi các quy định cứng nhắc về giáo trình, phương pháp giảng dạy buộc tất cả các cơ sở giáo dục phải giống nhau, buộc tất cả các thầy cô áp dụng chung một cách thức dạy và học trò chung một cách học.
Chỉ khi đó, đổi mới giáo dục mới mang lại những kết quả thực chất, thay vì làm khó nhau bằng những sự thay đổi mang tính hình thức.