MTG - Thật khó hiểu khi chính quyền Đà Nẵng từ chối cho phép dịch vụ Grab hoạt động tại TP này, nơi được cho là “TP đáng sống”.
Khó hiểu bởi luật Đầu tư 2014 (có hiệu lực từ ngày 1.7.2015) đã nêu rõ: “Nhà đầu tư được quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà luật này không cấm”. Còn loại hình hoạt động của Grab, nếu xem là vận tải hành khách kiểu taxi hay cung cấp phần mềm kết nối, thì đều không nằm trong danh mục bị cấm. Hơn nữa, Thủ tướng đã giao Bộ GTVT triển khai thí điểm Grab ở 5 tỉnh thành, trong đó có Đà Nẵng.
Lý do mà chính quyền TP này đưa ra để ngăn cản Grab thí điểm là: khi đưa vào hoạt động sẽ cạnh tranh trực tiếp với loại hình taxi đang được cấp phép, theo quy hoạch của TP là 1.700 xe; làm vỡ quy hoạch phát triển mạng lưới taxi đã được UBND TP phê duyệt, gây nên kẹt xe, ùn tắc giao thông càng nghiêm trọng trên địa bàn. Thật khó hiểu bởi trách nhiệm của một chính quyền là nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp của địa phương, chứ chẳng phải “bảo kê” theo kiểu cục bộ. Nếu muốn hỗ trợ doanh nghiệp địa phương, chính quyền Đà Nẵng có thể sử dụng các hàng rào kỹ thuật chứ không thể đóng cửa với nhà đầu tư bên ngoài. Về quy hoạch taxi thì đâu chỉ Đà Nẵng, Hà Nội, TP.HCM cũng có một quy hoạch nhưng vẫn cho Grab thí điểm.
Bên cạnh đó, việc Đà Nẵng nói không với Grab còn mâu thuẫn với tham vọng xây dựng chính quyền điện tử, bao gồm quản lý mạng lưới giao thông bằng số hóa thì tại sao không nhân cơ hội thí điểm Grab để tham khảo phương thức này.
TP đáng sống thì sao lại ngăn cản quyền lựa chọn chính đáng của người dân, bằng chứng là nhiều người dân Đà Nẵng đang “lén lút” sử dụng dịch vụ này vì những tiện ích mà nó mang lại. Và thực tế, dù chính quyền Đà Nẵng muốn “cắt” Grab bằng biện pháp kỹ thuật thì cũng không hề dễ dàng, khi ứng dụng Grab chủ yếu hoạt động thông qua hệ thống định vị GPS và mạng di động. Ở tầm mức tỉnh thành, việc ngăn cản như vậy là nan giải khi mạng di động đang xuyên suốt cả nước.
Hơn thế nữa, một thực tế mà chính quyền Đà Nẵng cần hiểu rõ là “kinh tế chia sẻ” (sharing economy) - mô hình mà Grab áp dụng - đang trở thành xu hướng phát triển mạnh mẽ trên khắp thế giới. Chỉ riêng dịch vụ taxi, xe ôm kiểu kinh tế chia sẻ cũng đã có hàng loạt dịch vụ như Grab, Uber, Lyft... Người ta đang thông qua internet để chia sẻ từ mảnh vườn cho người khác trồng trọt chung, chia sẻ căn phòng dư cho du khách xa lạ... cho đến chuyên cơ, du thuyền của cá nhân. Thậm chí, cách Đà Nẵng chỉ vài giờ bay là Singapore còn đang thử nghiệm cả taxi không người lái cho phép đặt xe qua thiết bị di động như Grab, Uber.
Nói thế để hiểu rằng việc chính quyền Đà Nẵng cấm Grab thí điểm chẳng khác nào sự lỗi thời, đi ngược lại xu hướng tiến bộ, và đi ngược cả lợi ích của người dân. Thay vì đi ngược, chính quyền Đà Nẵng nên tìm cách tiếp cận phù hợp, giúp các doanh nghiệp taxi địa phương nâng cao chất lượng dịch vụ, bởi chính Grab và Uber đã khiến cho nhiều hãng taxi ở TP.HCM buộc phải đổi mới hay là chết.