LĐO - Hiện trên cả nước đang có khoảng 1.600 Giáo sư, 10.000 Phó giáo sư, trong đó có nhiều người đã mất hoặc về hưu. Tuy nhiên, số lượng Giáo sư và Phó Giáo sư còn nghiên cứu chỉ còn chiếm khoảng 1/4.
Thông tin này được Giáo sư Trần Văn Nhung - Tổng thư ký Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước chia sẻ tại lễ trao danh hiệu chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư tại Trường Đại học Thủy lợi mới đây.
GS Trần Văn Nhung cho biết thêm, hiện trên cả nước đang có khoảng 1.600 Giáo sư, 10.000 Phó Giáo sư, trong đó có nhiều người đã mất hoặc về hưu.
Vì thế, thực thế số lượng Giáo sư và Phó Giáo sư còn nghiên cứu chiếm khoảng 1/4. Trong số 1.600 Giáo sư chỉ có khoảng 200-300 Giáo sư còn đang làm việc, còn nghiên cứu.
GS Nhung so sánh, theo tính toán bình quân trên 1 vạn dân thì số Giáo sư Trung Quốc gấp 8 lần chúng ta, đó là chưa nói về chất lượng. Ở Đức con số này gấp 3 lần chúng ta.
"Để nâng cao chất lượng khoa học thì thời gian tới, chúng ta cần bổ sung thêm vào đội ngũ những người tinh túy nhất”, GS Trần Văn Nhung cho biết.
Thời gian qua, dư luận cũng những tranh luận, đề xuất nên quy định thời gian bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư tại Việt Nam. Bởi nhiều người khi lên đến các chức danh này thì không còn hoạt động nghiên cứu đóng góp cho khoa học.
GS.TSKH Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng Giáo sư là những người thực hiện nhiệm vụ đào tạo cho đất nước, là nhà giáo có trình độ cao nhất thuộc lĩnh vực nào đó. Nếu không còn đào tạo hay giảng dạy, Giáo sư nên dành lại chức danh cho người khác. Đến khi không đủ sức tham gia đào tạo, nghiên cứu, GS Dong cũng sẽ trả lại chức danh này.