Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2016

"Không biết El Nino và nấu canh cua": Hiếm và kỳ quặc

Sơn Ca

Đất Việt - Cứ mỗi lần có việc gì tranh cãi giống thế này là bao nhiêu tính xấu của người Việt cứ lộ sáng hết cả.

Xứng đáng nhận được những tràng cười của người xem

Liên quan đến câu chuyện người chơi trong chương trình Ai là triệu phú, phát sóng tối 21/11, nữ kỹ sư Phạm Thị Quyên không biết hiện tượng El Nino là gì? Không biết canh cua thường nấu với loại rau gì, bên cạnh những ý kiến chê bai cô, thì rất nhiều nhà báo, nhà văn, các nhà trí thức bênh vực cô.

Trên trang cá nhân của nhiếp ảnh gia Nguyễn Sơn, anh có đưa ra quan điểm: "Trên mạng đang rộn rã chuyện một cô gái đã tốt nghiệp đại học, biết tận 2 ngoại ngữ lại không hề biết 2 câu hỏi đầu tiên rất dễ dàng của gameshow "Ai là triệu phú" trên TV. Cô phải viện đến 2 quyền trợ giúp để vượt qua. Chắc đây cũng là trường hợp độc nhất vô nhị của gameshow này từ trước đến giờ?.

Phe chê hẳn là rất đông rồi, nào là "buồn cho thế hệ trẻ", "buồn cho nền giáo dục nước nhà".

Phe bênh, sau nửa ngày bắt đầu phản pháo kịch liệt. Nào là không cần biết El Nino là gì mà vẫn kiếm đầy tiền, rồi là không ăn canh cua, quan trọng là có kiến thức chuyên môn. Các phe lên tiếng tranh luận rất kỳ quặc".

Theo bản thân anh Sơn, thực ra cô gái kia là 1 ca rất kỳ quặc và hiếm. Không biết nhiều kiến thức phổ thông mà vẫn đăng ký thi một cuộc thi về kiến thức phổ thông thì cũng lạ. Hơn nữa, vấn đề là ở tư duy logic. Cả 2 câu hỏi kia đều có các đáp án khác mà hoàn toàn có thể dùng phương pháp loại trừ để nhanh chóng có câu trả lời nhưng không hiểu sao cô ấy không làm?! Tóm lại ca này hiếm gặp.

Và như thế, cũng không thể quy nạp chuyện to tát về ngành giáo dục hay thế hệ gì đấy. Nhưng những lỗ hổng kiến thức rất phổ thông của cô cũng xứng đáng nhận được những tràng cười của người xem.

"Cứ mỗi lần có việc gì tranh cãi giống thế này là bao nhiêu tính xấu của chúng ta cứ lộ sáng hết cả. Cãi lấy được, bỏ qua lý luận, ngụy biện, mạt sát nhau luôn được lấy ra dùng.

Cuộc sống xung quanh có nhiều thứ khác biệt mà chúng ta nên công nhận chúng và nhìn một cách nhân ái hơn. Người ta dốt hơn, kỳ quặc hơn thì cũng là một phần của cuộc sống. Đầy chuyện ngoài kia quan trọng đáng để quan tâm, tranh cãi, phản biện hơn là chuyện một cô gái có phần dị lạ hơn đám đông", anh Sơn phân tích.

Cô gái chỉ là nạn nhân của cộng đồng thèm khát mục tiêu để chế giễu

Trong khi đó, cũng đưa ra quan điểm của mình, nhà báo Hoàng Hương viết trên trang cá nhân: Ai thiếu hụt và thiếu hụt của ai?

Nhà báo viết: "Cô gái không biết canh cua rau đay không phải nạn nhân đầu tiên và chắc chắn không phải nạn nhân cuối cùng của cộng đồng mạng luôn thèm khát các mục tiêu tấn công chế giễu. Cô chỉ là “nhân vật trong tuần” hoặc “nhân vật trong ngày” trước khi có mục tiêu mới xuất hiện mà thôi.

Thiếu hụt kiến thức của cô cũng giống như thiếu hụt của bất kỳ người nào, người giỏi A có thể ngớ ngẩn B; người rành C có thể không thèm quan tâm đến D. Nhân vật thám tử Sherlock Holmes cũng không (thèm) biết (điều gì ấy nhỉ, tớ đọc lâu quá quên mất). Ông giải thích với đồng sự John Watson “bộ não giống như một căn phòng, đồ gì cũng để vào thì chẳng còn chỗ cho những thứ khác”.

Người ta chỉ có thể tập trung trí lực cho việc họ thực sự quan tâm và đam mê. Nếu Ngọc Trinh cặm cụi nghiên cứu Toán cao cấp thì cô có thể bỏ lỡ các xu hướng thời trang, nếu GS Ngô Bảo Châu chạy theo các kiểu nhuộm tóc mới nhất thì anh có thể nhỡ các hội thảo khoa học. Cô gái không ăn rau đay thì cô không cần biết. Tớ không đi ô tô nên tớ cho rằng phân biệt được ô tô với xe máy là giỏi rồi.

Tất nhiên bỗng dưng chúng ta có động lực tìm hiểu/học hỏi thì tốt quá, nhưng sẽ là thảm họa khi ai đó mặc định ta phải biết điều gì đó kiểu cứ là con trai phải biết sửa xe, lắp bóng điện; con gái phải giỏi may vá, nấu ăn".

Bản thân nhà báo Hoàng Hương thấy rằng, những trường hợp công kích cá nhân thể hiện sự thiếu hụt xã hội:

''... Người ta công kích cô gái vì người ta thiếu sự cởi mở trong nhìn nhận; vẫn mang những tư duy cũ ra phán xét: đàn bà con gái phải nấu ăn ngon, người VN (nhất định) phải biết ăn canh cua mắm tôm… Bất chấp thực tế cô ấy có thể không biết nấu canh cua, nhưng cô có thể nấu các món Tây Tàu hoặc giỏi các kiến thức khác…vv.

Người ta chê trách thổi phồng những vấn đề thuộc về cá nhân như ăn mặc, tính cách… của người khác vì người ta thiếu tự tin. Những người hay chê thường đứng núp trong đám đông và ném đá sự cá biệt, dù sự cá biệt ấy chả làm ảnh hưởng gì đến họ.

Người ta bắt con học giỏi đủ các thứ trên đời, từ văn toán lý hóa đến cầm kỳ thi họa; và cố bắt bản thân phải (ra vẻ) hiểu mọi thứ trên đời; chỉ vì người ta thiếu định hướng, không biết cái gì là thực sự phù hợp và cần thiết cho bản thân mình hoặc con cái mình".

Cả 4 đáp án đều sai

Cũng đưa ra quan điểm bênh vực cô gái trong chương trình, doanh nhân Nguyễn Quang Nghĩa nói rõ: "Đừng cười bạn gái kia vội, mình thách các bạn đang cười cợt kia chọn được câu trả lời đúng từ 4 lựa chọn mà chương trình Ai là triệu phú đưa ra đấy. Nói cho nhanh nhé, cả 4 đáp án đều sai.

El Nino, theo định nghĩa của từ điển Oxford, là "một chuỗi phức hợp các sự biến đổi khí hậu diễn ra bất thường, gây ảnh hưởng trong và ngoài khu vực xích đạo ở Thái Bình Dương, đặc trưng bởi việc xuất hiện một vùng nước ấm bất thường, nghèo dinh dưỡng ngoài khơi Peru và Ecuador, thường xuất hiện vào cuối tháng 12.

Thưa các bạn, El Nino không phải là một hiện tượng thời tiết, nó kéo theo các hiện tượng thời tiết bất thường, nhưng bản thân nó không phải hiện tượng thời tiết (nắng, gió, bão, lốc...). Nếu các bạn không phân biệt được sự khác nhau giữa thời tiết và khí hậu thì mình cũng xin phép cười vào mặt các bạn y như các bạn cười bạn gái kia vậy.

Người ta có hiểu biết càng rộng thì càng ý thức được sự hạn hẹp của đầu óc con người, và không ai cười người khác vì chưa kịp biết điều gì đó".

Một nhân vật khác, cũng bức xúc lên tiếng về sự việc, anh Thành Đô - Giám đốc trường đào tạo tài chính cá nhân Inrado Việt Nam đặt câu hỏi: "Biết El NiNo thì có giàu lên được không? Hầu như là không Biết El Nino thì có hạnh phúc không, hầu như là không.

Biết ENino thì có giúp bạn khỏe hơn không, hầu như là không?. Không biết El Nino có chết không, hầu như là không. Vậy tại sao phải biết một thứ không cần thiết, trong khi có các chuyên gia để làm gì.

Giáo dục chúng ta luôn bắt người ta phải thế này, phải thế kia, đó có phải là sự khác nhau của giáo dục Do Thái và Việt Nam".