VNN - Không phải chờ đến khi chúng ta xây dựng thành phố đáng sống mới đặt ra đâu. Chính quyền thành phố đã và đang có nhiều giải pháp khắc phục những vấn nạn trên rồi.
LTS: Đại hội Đảng bộ TP.HCM khóa X đã đưa chương trình Chỉnh trang và phát triển đô thị vào các chương trình đột phá của nhiệm kỳ 2015 - 2020. Lãnh đạo thành phố vào cuộc với quyết tâm chính trị rất cao cho mục tiêu “Xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; có vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á”.
Xung quanh câu hỏi đang được dư luận quan tâm: Thế nào là một thành phố đáng sống?, Tuần Việt Nam/báo VietNamNet đã có cuộc trò chuyện với ông Trần Anh Tuấn, Quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM, cơ quan đang xây dựng đề án “Thành phố đáng sống, hiện đại, văn minh, nghĩa tình”.
Trong cương vị là một cư dân của Sài Gòn – TP. HCM, ông hình dung một “Thành phố đáng sống” là thành phố như thế nào?
Với tư cách một người dân của thành phố, theo tôi, thành phố đáng sống là nơi có chất lượng sống tốt ở tất cả mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường. Thành phố này cũng phải là một nơi an toàn, bình an và đời sống của người dân không ngừng được nâng cao. Chưa hết, nơi đây người dân có thể an tâm với mức thu nhập đủ để trang trải mọi sinh hoạt phí cho mình và gia đình.
Thưa ông, Trần Anh Tuấn, liệu giấc mơ này có thể sớm thành hiện thực được như chúng ta đang mong chờ không?
Hiện chính quyền thành phố đã và đang triển khai những chỉ đạo và giải pháp để đưa thành phố sớm trở thành một nơi đáng sống nhất. Là nơi mà những điều kiện về vật chất và tinh thần của người dân đều được thỏa mãn, người dân cảm thấy hạnh phúc với môi trường trong lành, an ninh trật tự được đảm bảo, đời sống không ngừng được nâng cao …..
Chúng ta đang phấn đấu xây dựng TP.HCM trở thành một trung tâm kinh tế tài chính, văn hóa và khoa học công nghệ sánh ngang với các thành phố trong khu vực.
Là người đứng đầu cơ quan tham mưu cho chính quyền xây dựng bộ tiêu chí “Thành phố đáng sống”, ông có thể cho biết, các ông đã triển khai tới đâu rồi ạ?
Chúng tôi đã tham khảo các bộ tiêu chí thành phố đáng sống của các nước. Ví dụ, bộ tiêu chí của Mercer, Michael Douglas là những bộ tiêu chí xếp hạng các thành phố đáng sống trên thế giới hiện nay.
Như các bạn biết đây, tham khảo rồi còn phải chọn lọc những mô hình phù hợp với điều kiện ở nước ta.
Chúng tôi cũng đã mời các chuyên gia kỹ thuật của Liên hợp quốc (UNDP)hỗ trợ xây dựng các tiêu chí “Thành phố đáng sống”. Mỗi nơi, mỗi vùng đất đều đặc thù, có mô hình kinh tế, chính trị, văn hóa khác nhau. Chúng tôi cũng lại phải chọn lọc tìm tòi những mô hình phù hợp với Sài Gòn -TP.HCM.
Từ những cơ sở lý luận, từ những kinh nghiệm của các nước, cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật của Liên hợp quốc, bước tiếp theo chúng tôi sẽ xây dựng bộ tiêu chí về “Thành phố đáng sống” phù hợp với Sài Gòn – TP. HCM như chỉ đạo của các vị lãnh đạo Đảng bộ thành phố.
Sau đó chúng tôi mới tổ chức hội thảo công bố nhằm lấy ý kiến chuyên gia, cơ quan nhà nước, sở ngành, và ý kiến của người dân.
Hẳn rằng đến thời điểm này các ông đã chọn được một vài mô hình có thể áp dụng cho Sài Gòn–TP. HCM. Tôi đang tò mò muốn biết, có mô hình nào có thể giúp chúng ta khắc chế được vấn nạn tội phạm cướp giật?
Thành phố chúng ta rất quan tâm tới tiêu chí như nhà báo vừa đề cập. Bên cạnh đó còn những tiêu chí cũng được quan tâm tham khảo như về vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chí về môi trường, về thu nhập bình quân đầu người hay tiêu chí về hưởng thụ văn hóa….
Có rất nhiều mô hình đã được các nước vận dụng có thể vận dụng vào Việt Nam, rất sát và khả thi.
Tôi nghĩ rằng, một thành phố đáng sống thì không thể ùn tắc giao thông bất kể lúc nà. Người dân sống trong thành phố đó cũng không phải lo về triều cường, ngập lụt…. có đúng không? Những mối lo có thực này sẽ được giải như thế nào trong đề án mà các ông đang xây dựng?
Người dân và các cấp chính quyền không ai mong muốn những chuyện trên xảy ra.
Không phải chờ đến khi chúng ta xây dựng thành phố đáng sống mới đặt ra đâu. Chính quyền thành phố đã và đang có nhiều giải pháp khắc phục những vấn nạn trên rồi. Thành phố đã đề ra những vấn đề trên trong 7 chương trình đột phá ở Đại hội X. Trong đó có những chương trình hành động rất cụ thể về môi trường đô thị, về vệ sinh an toàn thực phẩm, về ngập úng, ùn tắc giao thông ….
Tôi khẳng định, tất cả những điều trên, chính quyền thành phố đã có chương trình và giải pháp để hạn chế đến mức thấp nhất.
“Thành phố đáng sống” là thành phố hiện đại, văn minh thì rõ rồi. Còn “thành phố nghĩa tình” thì sa, chúng ta nên hiểu thế nào cho chính xác?
Cụm từ “nghĩa tình” là triết lý về cuộc sống thực tiễn của TP.HCM. “Nghĩa tình” được thể hiện ở một cộng đồng sống chan hòa, chia sẻ tương kính nhau.
Nghĩa tình cũng ám chỉ mối quan hệ giữa thành phố Hồ Chí Minh với các thành phố, địa phương khác.
Tôi đi ra nước ngoài, chứng kiến việc người ta đụng nhau. Chưa biết ai sai, ai đúng nhưng họ đều mỉm cười nói “xin lỗi” lẫn nhau.
Từ những nghĩa chỉ, cử chỉ đó nó hình thành lên một văn hóa cộng đồng. Đi đường phải hợp tác với nhau, trong lưu thông cũng phải hợp tác với nhau, chia sẻ với nhau thì mới tạo thành nếp cư xử văn hóa tạo thành những nghĩa cử cao đẹp tiến tới là phải biết hy sinh vì nhau. Làm sao để chúng ta nghĩ về cái chung trước khi nghĩ về cái riêng.
Ông có tin bộ tiêu chí này sẽ giúp Sài Gòn sớm trở thành một thành phố đáng sống như chúng ta đang vẽ ra không?
Khi chúng ta đã xây dựng xong bộ tiêu chí và có quyết tâm, từ các cấp chính quyền đến người dân trên dưới đồng lòng với từng tiêu chí một thì sự lan truyền, lan tỏa những ý tưởng, những tiêu chí ra cuộc sống sẽ rất khả thi.
Tất nhiên, những những tiêu chí này khi đi vào đời sống sẽ không phát huy liền, cần có một thời gian để hấp thụ và truyền tải cho người dân. Nhưng tôi tin nếu chính quyền và người dân thành phố cũng đồng lòng thì từ từ sẽ hình thành nên một nếp sống cho người dân, tạo một nếp sống văn hóa và tạo một giá trị riêng cho mỗi người. Từ giá trị riêng riêng của mỗi người đó sẽ hình thành nên giá trị chung của thành phố.
Ông vừa nhắc đến việc tuyên truyền cho các cơ quan chính quyền nhằm thay đổi bộ mặt hành chính. Theo tôi biết, chúng ta đã có rất nhiều cải cách, rất nhiều chỉ đạo, rất nhiều hành động nhằm cải cách rồi, nhưng tới nay, xem ra hành vẫn là chính thì phải?
Tiêu chí này cũng đặt ra những yêu cầu chủ thể về hành chính công của thành phố, nó nằm trong mục tiêu phát triển chung của thành phố.
Cám ơn ông đã dành thời gian cho Tuần Việt Nam/báo Vietnamnet