Thứ Tư, 2 tháng 3, 2016

Nguyễn Văn Linh - nói và làm

Nguyễn Thông

Hồi nửa cuối những năm 1980, sau khi ông Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng bí thư thay ông Trường Chinh, trên báo Nhân Dân bỗng xuất hiện mục mới Những việc cần làm ngay. Tôi còn nhớ, ở trang nhất tờ báo, mục này nằm góc dưới phải, bài thường rất ngắn, có bài chỉ hơn trăm chữ thọt lỏn trên ô đóng khung bằng bàn tay, cũng có bài dài hơn chút ít thì được leo vào trang trong, nói chung là ngắn.
Cuối bài viết, tên tác giả viết tắt là N.V.L. Sau này thì ai cũng biết đó là ông Nguyễn Văn Linh, hồi ấy dư luận cũng tập trung vào ông Linh, nhưng chưa thể khẳng định chắc chắn. Chỉ đồn đoán, bàn tán, rồi chế thêm, chẳng hạn ông “Nói Và Làm” viết thế này, ông “En nờ vê e lờ” viết thế kia. Tự dưng ông Linh có thêm bí danh mới là “Nói Và Làm”, “En nờ vê e lờ”.

Ông Hữu Thọ sinh thời có kể lại trong một bài viết về ông Linh: “Lúc đó tôi công tác ở báo Nhân Dân. Tối 24 tháng 5 năm 1987 là phiên tôi trực ban biên tập. Vào khoảng 17 giờ 30, khi mọi người đã về, tòa soạn chỉ còn tôi và ban thư ký trực hôm đó thì đồng chí thường trực ở cổng 71 Hàng Trống đưa vào một phong thư nói là của một người đứng tuổi đi xe ô tô Lada màu sữa gửi ban biên tập. Tuy không đóng dấu hỏa tốc nhưng do phong bì của Văn phòng Trung ương nên tôi mở ngay. Trong phong bì có thư và một bài báo viết tay. Bức thư thì ký tên Nguyễn Văn Linh, nói rõ là gửi bài báo, nếu ban biên tập thấy được thì đăng. Còn bài báo có đầu đề "Những việc cần làm ngay", ký tên NVL”.

Những điều ông Linh viết ra cách nay mấy chục năm nếu so với bây giờ chả là cái đinh gì, nhưng hồi ấy chẳng khác quả bom nổ tung trên bàn dư luận. Ông đã thẳng thắn vạch ra những thứ mà đảng và chính quyền lâu nay cố tình giấu diếm, bằng thứ ngôn ngữ giản dị, chất phác, yêu cầu phải thực hiện sửa chữa, khắc phục ngay. Và người ta cũng thừa hiểu, đã đăng trên báo Nhân Dân (tức không phải chuyện đùa), do đích thân Tổng bí thư (dù chưa chắc lắm) yêu cầu thì chỉ còn nước thực hiện ngay thôi. Có lẽ bởi cái uy ấy mà khá nhiều vụ việc được giải quyết chóng vánh. Thời ấy nó thế, chứ như bây giờ, báo Nhân Dân có gào lên năm thôi bảy hồi cũng chả xi nhê gì, thậm chí chúng còn cười khẩy. Một phần do báo hết thiêng. Quả thật bãi bể nương dâu, chả biết đâu mà lần.


Nói chuyện ông Linh, tôi chỉ cốt lôi ra cái thuật ngữ “Nói và làm” chứ không có ý định khen hay chê. Mỗi nhà lãnh đạo cộng sản xứ này đã có cả bộ máy tuyên truyền độc quyền khen rả rích rồi, mình có khen thêm cũng bằng thừa, mà chê thì họ không thích.

Nhân chuyện “Nói và làm” lại chợt nhớ câu nói của ông Nguyễn Văn Thiệu, tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn, người bị bên thắng cuộc vu cho lấy cắp 16 tấn vàng đem ra nước ngoài khi chạy trốn (khổ, đi người không còn chưa xong, công sức thì giờ đâu mà ôm theo được 16 tấn vàng, thế mà suốt bao năm vẫn ối người tin), cái câu nói đã làm ông ta nổi tiếng: Đừng nghe những gì cộng sản nói, hãy nhìn những gì cộng sản làm. Có người bảo, trong sự nghiệp của mình, ông Thiệu chỉ thành công ở mỗi câu nói bất hủ này.

Tôi từ lúc được bu tôi đẻ ra đến giờ, hoàn toàn sống trong xã hội do người cộng sản nắm quyền, cai trị. Lúc bé, đầu óc non dại, chả biết gì, còn khi đã nhớn, đã trưởng thành, càng ngày càng thấy xã hội mình sống, và cả những người cai trị mình nữa, là một khối mâu thuẫn. Giữa nói và làm luôn nghịch nhau, dù có được tô vẽ thế nào chăng nữa. Điều dễ nhận ra nhất là họ nói rất hay, còn làm thì ngược lại. Năm ngoái, tôi có dịp trò chuyện với một bậc cao tăng. Ông bảo anh ạ, nhiều người cứ nghĩ chúng tôi tu hành thì quên hết chuyện đời, thoát tục là thoát đời, nhưng không phải thế. Người tu hành, như bậc cao tổ Trần Nhân Tông chẳng hạn, lúc nào cũng canh cánh chuyện đời. Tôi từng này tuổi rổi, trải qua 3 chế độ, thực dân phong kiến, cộng hòa, cộng sản đủ cả, nghiệm ra hầu hết những gì mà người cộng sản tố cáo do thực dân phong kiến gây nên thì họ đều lặp lại, có khi còn trầm trọng hơn. Những thứ họ chống đối, họ lấy đó làm cớ để quyết tiêu diệt đối phương, đến khi họ đứng ra làm chủ xã hội thì cứ nghĩ sẽ không còn đất sống, ai ngờ họ vẫn duy trì và khai thác triệt để. Cái mà họ bảo là xấu trong chế độ cũ, sang chế độ mới vẫn còn đủ cả. 

Từ tâm sự của vị tăng già, sực nhớ trong một buổi họp mặt các giáo viên cũ ở trường tôi từng dạy học, một anh giáo viên cơ hữu nửa đùa nửa thật “Cách mạng là gì? Cách mạng là quá trình làm phong phú hơn lên chính những gì mà người cách mạng từng tố cáo, tiêu diệt”. Ai nghe cũng ngớ người, mà thấy đúng với thực tế.

Tôi lẩn mẩn chiếu lại trong đầu những điều mình đã tai nghe mắt thấy thì quả có thế thật. Vị tăng già và anh thày giáo từng dạy học qua 2 chế độ có sự so sánh, đúc kết hơn mình bởi họ có thực tế, còn mình lâu nay chỉ biết đối chiếu qua sách vở.

Một trong những “tội ác” của thực dân phong kiến là chính sách thuế khóa. Người cộng sản thu hút được đông đảo nhân dân cũng bởi họ hứa với dân rằng sẽ xóa xích xiềng thuế khóa cho dân. Bất kỳ thứ thuế nào của chế độ cũ cũng bị họ lên án, họ gọi đó là bóc lột, bóc lột thậm tệ, bóc lột đến tận xương tủy. Họ quên rằng thể chế nào cũng phải duy trì thuế, và đến khi họ hiểu ra đó là quy luật tất yếu thì họ áp dụng triệt để. Có lẽ chưa bao giờ người dân xứ ta phải chịu nhiều sắc thuế như bây giờ.

Đối với người cộng sản, chế độ phong kiến là hình thức xã hội thối nát, lạc hậu, chuyên chế, không có dân chủ… cần phải đánh đổ, tiêu diệt. Không thể tồn tại ông vua ngồi trên đầu trên cổ dân. Không thể cho bọn vua chúa quan lại mặc sức vơ vét của cải đất nước và nhân dân, sống xa hoa, lãng phí trong sự nghèo khó của dân. Tôi còn nhớ hồi nhỏ học những bài về lịch sử trong sách giáo khoa, thấy sách tố cáo các vua triều Nguyễn xây lăng tẩm đền đài, dựng tượng đắp thành bằng mồ hôi nước mắt, công sức nhân dân, coi đó là tội ác. Giờ nhìn lại, thấy cũng chả kém gì. Đủ cả. Xưa chỉ có vua mới được xa hoa, giờ thì nhà tưởng niệm ông này ông nọ mọc khắp mọi nơi, ngay cả ông Nguyễn Văn Linh từng “trong sạch” như vậy họ cũng cho xây cái khu tưởng niệm hoành tráng ở làng Giai Phạm (Hưng Yên) trị giá hàng mấy chục tỉ đồng, mà ai cũng biết tiền chi phí vào đó đương nhiên lấy từ tiền thuế của dân.

Cách mạng luôn kêu gọi chống mê tín dị đoan. Họ từng đập phá bao nhiêu đình chùa, thu hồi đất của bao nhiêu cơ sở tôn giáo, thờ tự; dẹp những cúng bái, lễ hội… nhưng rồi cuối cùng ai cũng có thể thấy thời này là thời con người ta bị thánh thần mê hoặc nhiều nhất, nặng nhất; buôn thần bán thánh đã thành chuyện bình thường, công khai, được sự tiếp tay của chính quyền.

Cụ Hồ từng nhiều lần nhắc nhở cán bộ, đảng viên, nhân dân phải thực hành tiết kiệm, coi tiết kiệm là quốc sách. Những thế hệ cầm quyền sau cụ, một mặt kêu gọi học tấm gương đạo đức của cụ, mặt khác phung phí tràn lan, xây nhà cao cửa rộng, công sở hoành tráng, hết xây lại đập, đập lại xây; chi tiền vào những trò hình thức cờ đèn kèn trống, phong trào xổi, băng rôn khẩu hiệu, họp hành liên miên, lãng phí không biết bao nhiêu mà kể.

Nền giáo dục trong chế độ cũ bị người cộng sản quy vào chính sách ngu dân, chỉ đào tạo những kẻ nô lệ, tay sai. Họ đã phá bỏ nhiều giá trị cơ bản của giáo dục cũ để tạo dựng cái mới. Thực tế cho thấy, đến giờ nước ta vẫn loay hoay chưa biết phải phát triển giáo dục như thế nào cho đúng hướng, vẫn vận hành một bộ máy giáo dục chắp vá, lạc hậu, trì trệ. Rồi cứ đà này, chẳng biết nó sẽ đi đến đâu.

Những người cầm đầu chế độ này thường tuyên bố xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đó là về mặt lý thuyết. Thực tế thì nhiều quyền cơ bản nhất của con người vẫn bị triệt tiêu, bị lờ đi, bị kìm hãm. Người dân không có quyền sở hữu tư nhân về đất đai, xã hợi không có tự do báo chí, con người không có quyền tự do lập hội, biểu tình như Hiến pháp từng quy định. Chỉ riêng cái dự thảo về quyền biểu tình cứ được nâng lên đặt xuống, thụt thò không chịu đưa ra quốc hội, lần khân hết năm này qua năm khác, khóa này qua khóa khác cũng đủ để chứng minh điều đó.

Sự mâu thuẫn giữa Nói và Làm, còn nhiều lắm, không thể kể ra hết được. Vì sao, vì cả xã hội này, chế độ này là một khối mâu thuẫn, nghịch lý vô cùng vô tận.