(Dân trí) - Chỉ với mức phạt 10-15 triệu đồng cho những kẻ chăn dắt, liệu đến bao giờ mới hết cảnh “đoạ đày”? Không thay đổi được hình thức xử lý này thì “nhân văn” cũng chỉ là con chữ
“Ông chủ không cho mặc quần áo đẹp, chỉ cho con mặc quần áo cũ thôi. Ông chủ bảo “Mày mặc như thế người ta mới thương”. Có lúc trời nắng, ông chủ cũng không cho con đội mũ nữa, rồi mưa thì bắt phải mặc áo mưa đứng ngoài đường. Sáng nào đi ra khỏi phòng trọ, ông chủ cũng dọa: Mày không bán được hàng, tao đánh chết mày. Một vài chị còn phải giả vờ đi tập tễnh nữa, để bán được nhiều hàng, khỏi về bị ông chủ mắng”.
“Ông chủ không cho mặc quần áo đẹp, chỉ cho con mặc quần áo cũ thôi. Ông chủ bảo “Mày mặc như thế người ta mới thương”. Có lúc trời nắng, ông chủ cũng không cho con đội mũ nữa, rồi mưa thì bắt phải mặc áo mưa đứng ngoài đường. Sáng nào đi ra khỏi phòng trọ, ông chủ cũng dọa: Mày không bán được hàng, tao đánh chết mày. Một vài chị còn phải giả vờ đi tập tễnh nữa, để bán được nhiều hàng, khỏi về bị ông chủ mắng”.
“Ông chủ hay đánh con, rồi tát cả con nữa. Đây, vết sẹo trên tay và trán con là do ông chủ đánh vì con không chịu đi bán hàng. Ông chủ hay chửi con là “đồ vô dụng, không biết làm gì”. Có lần trời mưa, con bị sốt xin nghỉ ở nhà nhưng ông chủ không cho. Ông nói: Mày mà không đi tao đánh chết mày. Hôm nào không bán được nhiều tiền về nhà cũng bị đánh, rồi không cho con ăn cơm với nhốt con trong nhà!”.
Trên đây là hai trích đoạn trong bài viết “Ký ức ám ảnh và cuộc tuyển dụng ăn xin từ những môi giới!” đăng trên Dân trí ngày 10/1. Bài viết phản ánh một cách chân thực, phơi bày góc tối của tình trạng “chăn dắt ăn xin” mà lâu nay công luận quan tâm song khó tiếp cận.
Chỉ trong vài câu nói mà Trang - một cô bé 12 tuổi nhưng “trông nhỏ thó như đứa trẻ lên 5” - khi chia sẻ với phóng viên đã liên tục nhắc đi nhắc lại lời doạ dẫm của ông chủ: “mày mà không… tao đánh chết mày”.
12 tuổi, đa số trẻ em vẫn đang tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. 12 tuổi, lẽ ra điều mà những cô bé như Trang nghĩ đến ấy là bài vở, ấy là bạn bè, là ước mơ sau này trở thành ai đó… Thế nhưng, Trang và rất nhiều bạn bè đồng trang lứa với em, thậm chí nhỏ tuổi hơn em nữa đã phải lao động kiếm tiền, trở thành những người hành nghề “ăn xin chuyên nghiệp”. Bản thân cô bé này cũng được “đào tạo” từ lúc vài ba tuổi, nói cách khác, cũng đã có “thâm niên” dễ cả chục năm “tuổi nghề”.
Tôi và các độc giả đang ngồi trước màn hình đọc bài viết này, hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng tiếp xúc với một vài đứa trẻ như thế.
Có đứa bé mới chỉ vài tháng tuổi đã được “bố/mẹ” (xin được để trong ngoặc kép, vì nhiều khả năng đó không phải là bố mẹ đẻ) ẵm bồng, lang thang khắp các tuyến phố.
Những đứa trẻ lớn hơn một xíu, ở độ tuổi mẫu giáo, tiểu học không được học hành, mỗi ngày đều lê la từ nhà hàng nọ sang quán nước kia để mời chào mua kẹo cao su, tăm bông, đánh giày…
Và đương nhiên, cũng chẳng riêng gì trẻ em. Người già, người khuyết tật… tất cả đều có thể bị cuốn vào vòng xoáy của “cỗ máy ăn xin chuyên nghiệp” với mức lương 3, 5, 7 triệu đồng mỗi tháng, hay “ăn chia” phần trăm theo tỷ lệ bán hàng và số tiền xin được mỗi ngày. Người nào càng có ngoại hình đặc biệt, gây chú ý, dễ lấy lòng thương cảm của mọi người như: dị tật, câm, điếc, què, cụt… càng được “săn đón”, lôi kéo về “đầu quân” với mức thu nhập hấp dẫn.
Gọi là “ăn xin”, nhưng theo một nghĩa nào đó, cũng là “lừa gạt”. Tôi không lên án họ, mỗi người đều có những lựa chọn và chịu trách nhiệm đối với lựa chọn của mình. Cũng như tôi được quyền cho hay từ chối họ. Duy những đứa trẻ, chúng chưa đủ tuổi, đủ kiến thức, đủ tự vệ để chịu trách nhiệm cho công việc mà chúng bị ép buộc phải làm.
Nếu hỏi có thất vọng không khi niềm tin bị mai một vì những màn kịch giả nghèo giả khổ để phục vụ cho một số đối tượng “chăn dắt” được ngồi mát ăn bát vàng, thì đương nhiên là có.
Thế nhưng chỉ với mức phạt 10-15 triệu đồng cho những kẻ chăn dắt, liệu đến bao giờ mới hết cảnh “đoạ đày”? Không thay đổi được hình thức xử lý này thì “nhân văn” cũng chỉ là con chữ!.
Bích Diệp