LĐO - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nói như vậy tại phiên họp chiều 6.10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi cho ý kiến vào việc chuẩn bị kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.
Theo chương trình dự kiến, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc vào ngày 20-10 tới và bế mạc vào ngày 19-11. Tại kỳ họp này, Quốc hội dự kiến sẽ xem xét thông qua 4 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết, gồm: Luật về hội; Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Luật đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến vào 12 dự án luật.
Ngoài ra, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; kế hoạch năm 2017; Xem xét báo cáo về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016; dự toán năm 2017; Xem xét, quyết định kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020,kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020... và quyết định nhiều vấn đề quan trọng khác.
Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ đề cập, làm rõ một số nội dung trong các báo cáo trình QH. “Bài học kinh nghiệm và các giải pháp để bảo vệ môi trường” trong Báo cáo khắc phục hậu quả do sự cố môi trường liên quan đến Formosa và báo cáo về tình hình Biển Đông.
Cho ý kiến về việc một số Luật không trình ra QH theo đúng quy định, có luật trình ra lại không đủ hồ sơ, cũng không đảm bảo chất lượng, Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: Quốc hội là cơ quan làm luật nên phải tuân thủ các quy định của pháp luật, không thẩm tra khi trình dự án luật không đúng thời gian, nếu chúng ta cứ “du di” thì các luật ban hành sẽ không hiệu quả.
Đồng tình với quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Nga nhấn mạnh, dường như chúng ta đang có việc đặt ra luật rồi lại “du di” luật, “du di” rồi lại đổ tại cho chất lượng. Theo bà Nga, chất lượng ở đây được quyết định bởi yếu tố rất quan trọng là thời gian để nghiên cứu thẩm tra, nếu luật đề ra không đúng thời gian, không đủ điều kiện hồ sơ thì Chính phủ cũng “vui lòng” chuẩn bị thêm hồ sơ.
Ông Phùng Quốc Hiển đề xuất trong các phiên thảo luận tại hội trường, nên cho thảo luận đến khi hết ý kiến chứ không phải hết thời gian rồi nghỉ. “Tại các kỳ trước, ĐBQH phải nhanh tay bấm nút đăng ký thì may ra mới được phát biểu, có những ĐB đăng ký vài lần không được phát biểu vì không đến lượt. Vì thế lần này chúng ta nên thay đổi, cho thảo luận đến khi hết ý kiến, tối thì cho ĐBQH nghỉ ăn tối rồi thảo luận tiếp. Nhiều nước trên thế giới ĐB còn làm việc đến đêm được, nên chúng ta cũng cần nghiên cứu cho các ĐB được nói hết thì mới thoả mãn được” – ông Hiển nêu ý kiến.
Về ý kiến này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng chia sẻ, thêm: Tôi điều hành tôi nhiều phiên họp nên biết, mỗi phiên thảo luận mà gần hết giờ, những người chưa đến lượt phát biểu đều rất tha thiết có thêm thời gian để nói.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng có thể nghiên cứu việc kéo dài thêm thời gian làm việc của các phiên thảo luận vào các buổi chiều. “Quốc hội các nước làm rất muộn, nhưng họ khác chúng ta. Ở nước họ ai nói cứ nói, ai phát biểu cứ phát biểu, còn anh không thích nghe thì anh đi ra ngoài. Còn ở ta thì các ĐBQH phải ngồi nghe vì liên quan đến việc điểm danh nên không thể bỏ ra ngoài được”- bà Ngân lưu ý.
Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định: Thông thường không ngày nào đại biểu Quốc hội được ngủ trước 12h đêm, 8h tối tài liệu vẫn còn gửi đến nhà nên phải dành thời gian nghiên cứu, và đó cũng là thời gian làm việc phải có cái nhìn công bằng.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng cử tri rất quan tâm đến các phiên thảo luận, vì đây chính là “linh hồn” của Quốc hội, nên các ĐBQH đều rất muốn thể hiện trước cử tri ở những phiên làm việc này, đề nghị cố gắng tối đa tạo điều kiện cho ĐB được phát biểu, cố gắng ai đăng ký thảo luận, chất vấn đều cho nói hết, nếu cần có thể bớt thời gian thảo luận tổ đi vì thảo luận tổ thường dùng không hết thời gian. Theo ông Chiến, các ĐB đã đăng ký rồi mà không được nói thì rất “bức xúc”.
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kết luận cơ bản đồng tình với báo cáo Tổng thư ký Quốc hội đã trình bày, tuy nhiên, không đồng ý tăng thêm thời gian chất vấn từ 2,5 ngày lên 3 ngày, và không làm việc vào ngày thứ 7.