VNExp - Tôi nhớ, 10 năm trước, Phó chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận là người đầu tiên nhận tiền khoán xe công để đi làm bằng xe ôm và taxi, dù với chức vụ tương đương Thứ trưởng, ông được tiêu chuẩn xe Toyota Camry 2.4 đưa đón.
Ông Thuận cũng là người đã dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc khoán xe công vào lương. Thay vì sử dụng xe biển số xanh của cơ quan đưa đón đi làm, người được tiêu chuẩn này sẽ nhận hàng tháng một khoản tiền để tự túc phương tiện.
Ông Thuận lý giải, khoán xe công sẽ tiết kiệm chi ngân sách bởi nó thấp hơn nhiều so với tổng chi lương lái xe, tiền mua xe, xăng dầu, bảo dưỡng. Nhưng không vì vậy mà quan chức nhận khoán bị "thiệt thòi", bởi nó giúp chủ động thời gian, thay vì sếp làm việc thì lái xe ra quán ngồi chờ. Thời ấy ông được khoán 4,5 triệu đồng, trời nắng ông đi xe ôm, mưa thì đi taxi, mỗi tháng cũng chỉ hết hơn triệu. Ngày hưu ông còn tiết kiệm được một khoản kha khá để sửa nhà. Đi xe ôm và taxi, ông nghe được nhiều câu chuyện để hiểu hơn về đời sống người dân, nghe họ nghĩ gì về cán bộ, chính quyền.
Thế nhưng cái nghị quyết tiến bộ và tiết kiệm ấy dù được Quốc hội ban hành hơn 10 năm, cho đến nay vẫn không được mấy quan chức áp dụng. Mới đây nhiều địa phương còn xin nâng gấp đôi số lượng xe công của Sở ngành từ 2 lên 4 chiếc. Đâu đâu cũng nại ra hoàn cảnh đặc thù và nhu cầu công tác để xin thêm xe. Lãnh đạo nhiều tỉnh, thành kêu ca với Bộ trưởng Tài chính trong cuộc họp sơ kết 6 tháng diễn ra ngày 2/7, nại đủ lý lẽ để xin thêm định mức xe công. Trong khi đó theo thống kê của các bộ ngành địa phương, hiện có 7.000 chiếc xe công dư thừa và năm 2015 có 600 xe công được sắm mới.
Với xe đưa đón cán bộ đi làm, các quan vẫn thích đi xe công hạng sang với tài xế riêng hơn là nhận khoán và thuê taxi, xe dịch vụ. Ông Trần Quốc Thuận lý giải trong một bài trả lời phỏng vấn lý do là... khâu oai. Nhiều chuyện "giao dịch", tiếng nói của một người đi xe biển xanh 80B có trọng lượng và mang lại lợi lộc cá nhân gấp rất nhiều lần cái khoản 4,5 triệu đồng được khoán.
Mới đây, ông Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang bị phát hiện gắn biển xanh cho chiếc Lexus mà ông "đi mượn". Thế, ngay cả khi ngồi xe sang rồi thì người ta vẫn muốn nó mang biển xanh. Tôi nghĩ rằng với những ông quan đó, vấn đề không phải nằm ở sự tiện lợi trong đi lại, mà là sự tiện lợi trong "giao dịch". Người ta muốn mọi người hiểu rằng đấy là xe của quan chức. Nói rộng ra, xe công trong nhiều trường hợp phục vụ cho khâu oai, muốn "đẳng cấp" hơn người khác.
Hơn chục năm trước, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc còn cho sơn lại hai chiếc xe Toyota mới mua thành màu đen. Lý do được một lãnh đạo văn phòng trả lời báo chí là: "Đen mới VIP, chúng tôi thích VIP!".
Tôi nhớ câu chuyện về Tổng thống Uruguay, ông Jose Mujica. Ông đi một chiếc xe hơi cũ sản xuất từ hơn 20 năm trước, sống trong một ngôi nhà tuềnh toàng ở ngoại ô, nơi vợ ông làm nông dân và ngày ngày bán sản vật vườn nhà ở ngôi chợ quê. Có lần trên đường lái xe đi làm, một người vẫy tay xin đi nhờ nhưng hàng chục chiếc xe trước đó đều lướt qua không dừng lại. Jose Mujica dừng xecho người kia đi nhờ và phân trần: "Tôi rất vội và tôi chỉ có thể chở anh đến nơi xa nhất là Phủ tổng thống!". Đến lúc này người đi nhờ xe mới biết tài xế là con người quyền lực nhất Uruguay.
Chi tiêu công đang là một gánh nặng của ngân sách vốn đã thâm hụt. Một đồng chi ra phải cân nhắc hiệu quả phục vụ cho lợi ích chung. Người dân không thể chấp nhận tiền đóng thuế của mình được chi mua sĩ diện và giải quyết "khâu oai" cho những người được dân bầu lên.
Tôi tự hỏi, liệu việc đi một chiếc xe cũ kỹ có khiến Tổng thống Jose Mujica trở nên kém đáng kính, kém "oai" trong mắt người dân nước ông? Hay là ngược lại?