(TBKTSG Online) - “Đợt này em về quê, ai muốn ăn rau, thịt, cá… sạch nhà em nuôi trồng thì đặt để em mang lên nhé”. Mỗi ngày, những dòng thông báo như thế xuất hiện không ít trên trang mạng xã hội Facebook. Đó là khi những nhóm người đang nỗ lực tự cứu bản thân và gia đình mình bằng những bữa ăn có thể tin là sạch.
Chị bạn tôi ở Hà Nội vừa than thở, tủ lạnh không còn chỗ chứa bất kỳ cái gì vì tuần rồi mua hẳn một con heo ở quê. Tất nhiên, con heo đó chỉ trên dưới ba chục kí hơi chứ chẳng phải cả tạ như mấy con heo ăn chất tạo nạc mà báo chí vẫn nói. Bởi vì là heo ăn cơm thừa, canh cặn của mấy nhà quen thân với gia đình chồng chị ở quê bán cho.
Một cô bạn ở Sài Gòn có con nhỏ chuẩn bị đến thời kỳ ăn dặm thì ngày nào cũng lên Facebook kêu than, hỏi mọi người mua thực phẩm sạch ở đâu cho yên tâm. Nhiều người chỉ chỗ, bày cách. Nhưng cuối cùng, cô đành chấp nhận hàng tuần ra bến xe miền Tây nhận hàng ba mẹ gửi từ Sóc Trăng lên ăn dần.
Kể vài chuyện nho nhỏ như vậy để thấy những bà nội trợ, nhất là những người có con nhỏ hoặc kỹ tính với chuyện ăn uống, đang phải “nỗ lực” thế nào, bởi lẽ tất cả những việc kia không hề dễ dàng chút nào.
Để có được món heo sạch trên bàn ăn thì chị bạn ở Hà Nội phải nhờ người nhà dòm ngó, đặt hàng chỗ tin tưởng. Sau đó thì thuê người ta làm thịt con heo, pha lóc xương ra xương, thịt ra thịt rồi tất cả được cấp đông, chuyển xe khách ra Hà Nội để chị nhận tại bến.
Nhận thịt về, chị và chồng phải lo chia các loại thịt, xương vào các bịch nhỏ khác nhau. Làm công đoạn này để những lần ăn, cần bao nhiêu, món gì chỉ việc lấy đúng bọc cần rã đông. Pha chặt, dọn dẹp bãi chiến trường sau đó, mướt mồ hôi hột chứ chẳng chơi. Đó là chưa kể giá mỗi kí thịt heo đội lên vì hàng loạt chi phí, rồi thì đi lại, điện thoại tới lui…
Chị bảo, làm vậy cũng ngán lắm nhưng không còn cách nào khác. Muốn sướng cái thân (tức ra chợ hay siêu thị kêu người ta cắt cho miếng thịt, miếng xương, nhờ thái, chặt; trả tiền rồi mang về nấu) thì cái bụng lại không yên, vừa ăn vừa sợ có ngày ung thư.
Đương nhiên, nhà chị cũng nói không với quán xá. Để con chị khỏi “ỏng eo” không chịu ăn xôi ở nhà thì mỗi lần nấu, chị làm đủ các loại trong một nồi, từ xôi đậu phộng, xôi gấc, xôi xéo...
Cô bạn có con nhỏ cũng thật tình, cái cảnh hàng tuần phải chạy xe ra bến mang đồ về, chia ra bịch to, nhỏ cất tủ lạnh chả sung sướng gì, mất rất nhiều thời gian của cô và chồng, cả cha mẹ ở quê cũng mất công mất sức. Nhưng, không làm vậy thì con cô không có đồ sạch mà ăn, bé lại còn quá nhỏ, chưa đủ sức mà chống chọi với dư lượng thuốc trừ sâu này, chất tạo nạc kia.
Cô không mua ở mấy cửa hàng người quen giới thiệu vì giá quá mắc so với thu nhập nhân viên văn phòng bình thường của vợ chồng cô, quan trọng là không biết thực hư sạch ra sao nên lại càng không dám bỏ tiền nhiều để mua niềm tin.
Vậy nhưng, càng có nhiều nỗ lực tự cứu như thế lại càng thấy nỗi bất lực của các cơ quan quản lý về thực phẩm.
Việc mọi người phải tự tìm kiếm thực phẩm sạch, đến mức tự cung tự cấp như thời ông bà xưa giữa thời hiện đại, không phải vì nhu cầu họ quá cao như cách một vài người giàu Việt Nam hàng tuần, hàng tháng bay sang Singapore mua sắm cho nhiều lựa chọn như báo chí đưa, mà vì yêu cầu tối thiểu là an tâm khi ăn uống không được đáp ứng.
Cơ quan quản lý phát động đợt ngăn chặn thực phẩm bẩn này, phân chia bộ này lo khâu sản xuất, bộ kia lo khâu lưu thông trên thị trường, bộ nọ lo bàn ăn. Vậy nhưng, ngày nào báo chí cũng có tin về việc phát hiện cơ sở này chế biến thực phẩm bẩn, xe chở heo bốc mùi bị bắt trên đường…
Tưởng siêu thị an toàn hơn chợ thì lâu lâu lại thấy siêu thị A bị phát hiện lấy rau ở chợ đầu mối, tân trang bằng bao bì để biến thành rau sạch.
Vài ba bữa lại thấy hợp tác xã kia bị rút chứng nhận VietGap. Rồi thì doanh nghiệp đạt chứng nhận hàng chất lượng cao lại lừa dối người tiêu dùng bằng cách “treo thịt bò, bán thịt gà”…
Nỗi sợ hãi vì thế cứ ngày càng tăng, còn niềm tin lại càng hao mòn. Thật giả, vàng thau cứ lẫn lộn.
Người làm ăn đàng hoàng cũng bị vạ lây. Đầu tư sản xuất sạch cuối cùng cũng chịu không thấu, phải dừng lại hoặc sản phẩm làm ra lại đem xuất khẩu hết cho người ngoại quốc hưởng. Thậm chí, có người không vượt qua cám dỗ lợi nhuận, đã tự tay nhúng chàm...
Mỗi khi có chuyện, cơ quan chức năng lại tìm cách biện minh bằng đủ lý do. Nào là nhân lực thiếu, địa bàn hoạt động rộng, cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập…, khác hẳn với sự hùng hồn của lãnh đạo khi báo cáo trước Quốc hội.
Thành ra, chuyện ngày càng có nhiều nhóm người tự trồng rau, tự nuôi gà hay trao đổi hàng hóa với nhau, không hề vui hay đáng tự hào chút nào.
Đó chỉ là giải pháp tình thế, tự cứu của những người còn có chút điều kiện. Ngặt nỗi, ngoài kia, vẫn còn hàng ngàn người, như bạn, như tôi, không đủ tiền hay thời gian, sự kiên trì để mua hẳn một con heo về ăn dần, cũng chẳng có mảnh vườn nào ở quê để ba mẹ trồng rau, nuôi gà mà gửi cho hàng tuần!
Tự nhiên, bất chợt nhớ đến những con bò ở thành phố Cork, Ireland mà tôi mới có cơ duyên ghé thăm. Chúng sống trên những đồng cỏ rộng lớn và thức ăn của chúng hàng ngày (cỏ tươi vào mùa mưa và cỏ khô dự trữ vào mùa đông) được những kỹ sư, tiến sĩ học hành đàng hoàng lo lắng hàng ngày, vì mỗi gia đình nông dân ở đây đều được cơ quan nông nghiệp gửi một chuyên gia xuống hỗ trợ như vậy.
Họ chỉ trả 50% chi phí, phần còn lại là Chính phủ lo. Và Chính phủ của người dân Ireland thì quyết tâm tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, từ sữa, thịt, rau củ để phục vụ người dân trong nước và xuất khẩu bằng những tiêu chuẩn, hành động cụ thể. Thịt bò, thịt heo Ireland hiện nổi tiếng khắp Mỹ, châu Âu và giá thì đắt hơn hẳn hàng cùng loại từ nhiều nước.
Tự nhiên nhớ rồi ganh tị!