Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2016

Khổ thật, lại tượng đài, đài tưởng niệm!

Hồ Hùng

MTG - UBND tỉnh Gia Lai lại họp bàn chuyện chi 108 tỉ đồng để làm đài tưởng niệm 250 người đã thiệt mạng khi xây dựng công trình điện 500kV Bắc Nam.

Công trình truyền tải điện 500kV Bắc- Nam với vốn đầu tư 5.488,39 tỉ đồng, được thi công từ ngày 5.4.1992 đến 27.5.1994, lắp đặt 3.437 cột điện tháp sắt, kéo căng 1.487 km đường dây dẫn từ Hòa Bình đến TP.HCM, vượt qua 14 tỉnh thành với địa hỉnh chủ yếu là rừng rậm, núi cao…

Đây có thể gọi là công trình lịch sử, giúp thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội của đất nước vào thời kỳ đó, do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khởi xướng. Miền Nam và miền Trung khi đó đang thiếu điện nghiêm trọng, nhờ công trình này đã “thắp sáng” nhờ nguồn điện dư thừa từ nhà máy thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, nhiệt điện Phả Lại, Uông Bí…

Trước đó, Việt Nam đã dự định bán điện thừa của miền Bắc cho Trung Quốc, còn để giải quyết chuyện thiếu điện ở miền Nam và miền Trung, người ta tính đến chuyện đầu tư xây dựng nguồn điện mới. Tuy nhiên Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi đó quyết định cho xây dựng đường dây siêu cao áp truyền tải điện năng dư thừa từ miền Bắc vào. Việc này vừa giải quyết bài toán thiếu điện, vừa tiết kiệm nhiều cho đất nước.

Lúc 19 giờ 6 phút ngày 27.5.1994, tại Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra lệnh đóng điện, hòa hệ thống điện miền Nam với 4 tổ máy của nhà máy thủy điện Hòa Bình tại trạm Đà Nẵng qua đường dây 500kV, chính thức đưa hệ thống 500kV vào vận hành. Nhiều giọt nước mắt vui sướng vỡ òa…

Và để hoàn thành công trình, có đến 12.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân cùng nhiều lực lượng đã tham gia xây dựng, trong đó 250 người đã tử nạn. Giờ đây, để tri ân, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia đã có nghị quyết về việc xây dựng “Đài tưởng niệm những người đã hy sinh khi xây dựng và quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia”.

Dự kiến đài tưởng niệm sẽ được khởi công xây dựng cuối năm 2016 và hoàn thành trong năm 2017, trên diện tích hơn 1,4ha tại công viên văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai (TP.Pleiku). Cụm tượng sẽ cao 9m, bệ tượng cao 0,6m bằng chất liệu đá xanh Thanh Hóa. Phía sau cụm tượng sẽ là phù điêu chạy dài 63m làm nền cho cụm tượng. Bên cạnh đó còn có hệ thống nhà đa năng gồm các gian tưởng niệm, tiếp khách, trưng bày…

Không ai phủ nhận công lao, xương máu của những người đã góp công vào công trình điện lịch sử này. Nhưng 108 tỉ đồng, xây đài tưởng niệm chỉ… để ngắm, thì quá lãng phí. Bởi 250 người đã khuất đến từ nhiều vùng miền của đất nước, thân nhân họ, bao nhiêu người có điều kiện để thường xuyên đến Gia Lai thắp hương?

Và ngành điện làm được chuyện này, thì đến những người phụ trách mảng phòng chống lụt bão, rồi ngành than, khai thác khoáng sản - những lĩnh vực có nhiều rủi ro và nhiều người đã thiệt mạng, rồi cũng sẽ học theo. Hàng trăm, hàng ngàn tỉ sẽ tiếp tục chi ra cho những đài tưởng niệm?

Đã có nhiều tai tiếng về chất lượng và sự cần thiết đối với các tượng đài, đài tưởng niệm. Như gần đây là tượng đài Mẹ Suốt 411 tỉ đồng ở Quảng Nam, vừa hoàn thành 1 tuần thì nền gạch vỡ vụn… Nhưng khi học sinh nghèo vùng cao vẫn băng suối, “đu dây” đến trường vì thiếu cầu, thì nhiều tỉnh thành vẫn ào ào xin xây tượng đài, đài tưởng niệm.

Ban quản lý Dự án các công trình điện miền Trung sẽ làm chủ đầu tư công trình đài tưởng niệm 108 tỉ đồng ở Gia Lai. Ngành điện lâu nay thỉnh thoảng lại than lỗ, thế mà… Và liệu đài tưởng niệm này có tính chi phí vào giá thành điện sắp tới hay không?


Khi xây cầu Cần Thơ, 55 người đã thiệt mạng, 80 người bị thương khi xảy ra sự cố sập nhịp dẫn vào tháng 9.2007. Cũng xương máu người Việt cả! Và cuối cùng, 1 tấm bia tưởng niệm ghi danh những người tử nạn, không quá đơn sơ, nhưng cũng chỉ cần 1 tấm bia đơn giản để thân nhân và những người có lòng khác có thể đến thắp hương. Số tiền còn lại đã chi hết để hỗ trợ cho thân nhân những người xấu số.

Và hàng năm, đại diện nước Nhật (phía chủ thầu thi công cầu Cần Thơ) như Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM... đều đến bia tưởng niệm thắp hương, sau đó thăm hỏi thân nhân những người đã khuất. Thỉnh thoảng, nhiều khoản hỗ trợ lại đưa đến những gia đình này.

Người chết đã không còn, có chăng chỉ còn trong hoài niệm. Hãy dành nhiều sự chăm lo cho những người đang còn sống. Trở lại chuyện đài tưởng niệm 108 tỉ ở Gia Lai, có lẽ chỉ cần chi 2- 3 tỉ đồng xây nhà, tạc bia đá ghi công người đã khuất, còn lại hơn trăm tỉ có thể lập quỹ hỗ trợ gia đình các nạn nhân.

Và trước khi lập dự án xây đài tưởng niệm 108 tỉ đồng, ngành điện có bao giờ tìm hiểu về gia đình, thân nhân của 250 người thiệt mạng, xem giờ họ sống thế nào, bao nhiêu hộ đang trong cảnh khổ sở, nghèo nàn hay không? Giúp thân nhân họ còn đang sống là cách tri ân tốt nhất đối với người đã khuất.

Ai cần đài tưởng niệm 108 tỉ đồng để ngửi mùi "hương khói"? Ngành điện, tỉnh Gia Lai, hay thân nhân 250 người đã khuất?