Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2016

Làm đúng lại cái đang bị làm sai

Đức Tâm

(TBKTSG Online) - Có rất nhiều thứ đang bị làm sai, nếu chúng ta nhìn ra, chỉnh sửa và làm đúng lại, đem đến giá trị cho khách hàng thì đó chính là một cơ hội để khởi nghiệp. Và đó cũng là nơi ý tưởng khởi nghiệp có thể bắt đầu.

Trong vài chục năm qua, nền nông nghiệp chúng ta chạy theo năng suất, lạm dụng hóa chất, thuốc trừ sâu quá nhiều và bây giờ thực phẩm bẩn là một phần hệ quả, chưa kể ảnh hướng đến đất, nước, không khí. Điều này nên sửa lại.

Bây giờ thay vì dùng thuốc trừ sâu, chúng ta có thể dùng thuốc bảo vệ thực có nguồn gốc sinh học, có thể nuôi thiên địch... Những yếu tố này rất cần trong việc làm nông nghiệp sạch. Vậy ai có thể cung cấp tốt những yếu tố này, người đó có cơ hội khởi nghiệp.

Câu chuyện trên được ông Nguyễn Thanh Mỹ - Tổng giám đốc Công ty Rynan Agrifoods chia sẻ trong bài nói chuyện về ý tưởng khởi nghiệp tại hội thảo "Giải pháp hợp tác bền vững giữa doanh nghiệp và nông dân - Đẩy mạnh tiến bộ khoa học công nghệ trong nông nghiệp" diễn ra ngày 18-11 tại Bến Tre. Hội thảo do báo Tia Sáng phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) và UBND tỉnh Bến Tre tổ chức.

Nói thêm về thiên địch, ông Mỹ kể công ty ông rất cần nhưng khâu nhập khẩu rất khó khăn, còn ở trong nước thì chưa thấy ai nuôi và cung cấp; hoặc ngay như chế phẩm Bacillus thuringiensis, công ty cũng phải nhập khẩu từ Ấn Độ.

Bên cạnh việc làm đúng lại cái đang bị làm sai, ông Mỹ gợi ý 3 chữ "làm" khác mà các bạn trẻ có thể nghĩ đến khi khởi nghiệp. Cụ thể, đó là làm tốt hơn cái đang tốt; làm có cái chưa có; và xa hơn là làm một dấu ấn tốt để lại cho cuộc sống. Tuy vậy, dù làm, cũng cần có chữ tâm trong công việc và cộng đồng.

Để làm rõ hơn gợi ý vừa nêu, ông Mỹ đưa ra những ví dụ cụ thể mà Rynan Agrifoods đang làm. 

Khoa học đã phát minh ra phân đạm. Điều này tốt cho cây trồng và bây giờ chúng ta vẫn có thể làm tốt hơn.

Phân đạm sau khi được bón cho cây sẽ bị thủy phân, một phần được rễ cây hấp thụ, một phần lại bị chuyển đổi bốc hơi hoặc bị rửa trôi. Điều này vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa gây lãng phí.

Bây giờ ta có thể cải tiến để làm tốt hơn bằng cách phủ một lớp vật liệu polymer làm phân bón tan chậm hơn và giúp kiểm soát quá được quá trình tan của sản phẩm. Điều này giúp giảm lượng phân bón sử dụng nhờ tính hiệu quả; giúp giảm công chăm sóc vì chỉ bón một lần thay vì nhiều lần do kiểm soát được quá trình tan của phân bón theo thời gian lớn lên của cây trồng. Khi lượng phân được sử dụng tối ưu, sức ép cho môi trường cũng sẽ giảm xuống.

Xét chữ làm thứ 2, tức làm cho có cái chưa có, ông Mỹ kể một câu chuyện khác liên quan đến ứng dụng của Internet vạn vật trong nông nghiệp. Một giải pháp được đưa ra là sử dụng cảm biến kết hợp với công nghệ Internet của vạn vật (Internet of things).

Trong đợt hạn mặn vừa qua, mặc dù cùng một dòng sông nhưng không phải lúc nào độ mặn cũng như nhau mà tùy thuộc vào thủy triều lên xuống trong ngày, vẫn có thời điểm xuất hiện nước ngọt trong ngày. Việc đặt cảm biến đo độ mặn có thể giúp nông dân xác định thời điểm thích hợp để chủ động bơm nước trữ dùng một cách tự động khi độ mặn thấp hơn ngưỡng thông số cài đặt.

Như vậy, với việc chịu khó quan sát, tìm tòi, suy nghĩ tích hợp những công nghệ sẵn có, chúng ta có thể cung cấp những sản phẩm, giải pháp để làm đúng cái đang bị làm sai; làm tốt hơn cái đang tốt và làm cho có cái chưa có để đem lại những giá trị hữu ích cho khách hàng, môi trường, xã hội, ông Mỹ chia sẻ. Còn về chữ làm thứ 3, tức làm một dấu ấn tốt để lại, điều này rất quan trọng và kết quả như thế nào, thời gian sẽ cho mọi người thấy câu trả lời.