Thứ Tư, 2 tháng 3, 2016

Phớt lờ lệnh cấm, mỏ đá tiếp tục gây ô nhiễm nghiêm trọng khu dân cư

Nguyên Thảo

(Cadn.com.vn) - Những ngày qua, đường dây nóng Báo Công an TP Đà Nẵng tiếp nhận ý kiến của người dân sống tại Khu đô thị Phước Lý (KĐTPL) thuộc địa bàn P. Hòa Minh (Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng) phản ánh về thực trạng 2 mỏ khai thác đá Phước Lý và Hòa Phát gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Điều đáng nói, UBND TP Đà Nẵng có thông báo ngừng hoạt động đối với 2 mỏ này kể từ ngày 31-12-2015, nhưng đến nay đã quá hạn 2 tháng mọi chuyện vẫn tiếp tục tái diễn mà chưa thấy cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.

Cuộc sống bị đảo lộn vì mỏ đá

Từ phản ánh của người dân, trưa 27-2, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng có mặt tại KĐTPL nằm sát chân núi Phước Tường để tìm hiểu vụ việc. Tại hiện trường, có 2 trạm nghiền đá đang hoạt động, bụi bay mù mịt, máy nổ ầm ầm. Từng đoàn xe tải ben liên tục lưu thông lên núi Phước Tường chở đá về đổ vào 2 trạm nghiền. Đáng nói là cả 2 trạm nghiền đá nằm sát KĐTPL, nơi nhiều người dân đã đến mua đất, xây dựng nhà để ở.

Nhà nằm cách trạm nghiền đá của Cty TNHH Nho Chiến và Cty CP đá xây dựng Hòa Phát chừng 500m, ông Nguyễn Hữu Hòa bức xúc cho biết: "Tháng 9-2014, tôi mua đất xây dựng nhà ở KĐTPL và kể từ đó đến nay cả gia đình liên tục chịu cảnh tra tấn bởi bụi và tiếng ồn từ 2 mỏ khai thác đá này. Đáng lo ngại nhất là việc nổ mìn khai thác đá của các mỏ khiến nhà của nhiều người dân bị nứt, trẻ nhỏ chấn động tâm lý, người già hoang mang lo sợ. Tôi còn nhớ, ngày 7-3-2015, trong cuộc họp đối thoại giữa người dân P. Hòa Minh với đại diện mỏ khai thác Phước Lý cùng Sở TN&MT, ông Nguyễn Nho Chấn, Phó Giám đốc Cty Nho Chiến, đại diện cho mỏ khai thác đá Phước Lý mong bà con thông cảm, chính quyền và lãnh đạo thành phố xem xét gia hạn đến hết năm 2015 để có thời gian di dời đi nơi khác. Nhưng đến nay đã là ngày 27-2-2016, Cty này vẫn hoạt động, phớt lờ thông báo đóng cửa mỏ của lãnh đạo TP Đà Nẵng". Cũng theo ông Hòa, sau Tết Nguyên đán Bính Thân, các mỏ đá trên núi Phước Tường bắt đầu nổ mìn, bất chấp lệnh cấm của UBND TP Đà Nẵng khiến nhiều nhà dân bị nứt và hư hỏng. Mới nhất, khoảng 12 giờ ngày 19-2, ông Hòa và nhiều người dân tận mắt chứng kiến 3 vụ nổ liên tục tại mỏ đá Phước Tường, kéo theo cột khói bốc lên cao hàng chục mét.

Trước sự việc mỏ khai thác tiếp tục hoạt động, gây ô nhiễm môi trường, trong đêm 27-2, hàng chục hộ dân có nhà trong KĐTPL đã họp và làm đơn kiến nghị tập thể lên các cấp lãnh đạo thành phố. Anh Nguyễn Văn Duy (nhà ở lô số 46, khu B2.14) cho hay, khi mua đất tại KĐTPL, anh có tìm hiểu thì được biết các mỏ đá trên núi Phước Tường sẽ đóng cửa nên mới giới thiệu cho 15 người đồng hương cùng đến mua. Vậy mà từ năm 2014 đến nay, anh và nhiều người dân phải chịu cảnh bụi và tiếng ồn từ mỏ đá. Tương tự, bác sĩ Trần Đại Sơn có nhà ở khu vực này cho biết, việc ô nhiễm bụi đá là rất nguy hiểm đến sức khỏe con người. Thêm nữa, các xe chở đá từ các mỏ chạy qua khu dân cư rất ẩu, tìm ẩn nguy cơ gây mất TTATGT.

Coi thường chỉ đạo của thành phố?

Trước kiến nghị của người dân sinh sống trong KĐTPL, ông Lê Minh Hải, Tổng Giám đốc Cty CP đầu tư Đà Nẵng- miền Trung (Cty DMT), Chủ đầu tư Dự án KĐTPL chia sẻ: Ngay từ khi bắt tay triển khai đầu tư, chúng tôi được lãnh đạo TP Đà Nẵng cam kết sẽ sớm đóng các mỏ khai thác đá để không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. TP Đà Nẵng đã 2 lần gia hạn cho mỏ đá Hòa Phát và Phước Lý hoạt động, đến nay đã quá hạn 2 tháng mà vẫn chưa chấm dứt. Phía Cty DMT chia sẻ nỗi khổ của người dân phải chịu cảnh ô nhiễm bởi bụi và tiếng ồn. Những ngày qua, chúng tôi đã làm việc với các cấp lãnh đạo TP Đà Nẵng yêu cầu 2 mỏ đá phải đóng cửa, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản tại mỏ đá Phước Lý của  Cty TNHH Nho Chiến và mỏ Hòa Phát của Cty CP đá xây dựng Hòa Phát, theo tìm hiểu của phóng viên, trước ý kiến phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm do các mỏ khai thác đá trên núi Phước Tường, ngày 1-4-2015, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã chủ trì buổi kiểm tra thực tế cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành có liên quan. Sau buổi kiểm tra, UBND TP Đà Nẵng ra Thông báo số 59/TB-UBND ngày 6-4-2015, với nội dung: Thống nhất gia hạn thời gian khai thác 2 mỏ nêu trên đến hết ngày 31-12-2015. Cho phép tiếp tục nổ mìn khai thác đá đến hết ngày 30-6-2015.

Trong đó, lưu ý khối lượng đá nổ mìn ra phải đảm bảo theo công suất khai thác cho phép và chỉ đủ để chế biến đến hết ngày 31-12-2015. Từ đầu tháng 7-2015 đến hết tháng 12-2015, 2 công ty này chỉ được phép hoạt động chế biến với khối lượng đá còn lại trong khu vực mỏ; lập kế hoạch di dời, chuẩn bị các thủ tục đóng cửa mỏ theo quy định. Đến hết ngày 31-12-2015, 2 đơn vị nêu trên phải dừng hẳn mọi hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển đá và có trách nhiệm lập đầy đủ thủ tục đóng cửa mỏ, di dời toàn bộ thiết bị liên quan ra khỏi khu vực; đồng thời tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường tại khu vực theo quy định.

Thông báo này do Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ ký, ban hành đến sở, ban, ngành và các công ty liên quan, song thực tế kể từ ngày 31-12-2015 đến ngày 27-2-2016, hai mỏ khai thác đá này vẫn ngang nhiên hoạt động, gây bức xúc trong dư luận. Đáng nói là quy định cấm nổ mìn khai thác đá kể từ tháng 6-2015, song đến ngày 19-2-2016, việc nổ  mìn vẫn còn tái diễn, gây thiệt hại nhà cửa cho người dân.

Từ thực tế những gì chúng tôi thu thập được, thiết nghĩ, kiến nghị việc đóng cửa mỏ khai thác đá của người dân KĐTPL là chính đáng, cần được lãnh đạo TP Đà Nẵng sớm giải quyết dứt điểm. Điều này không chỉ giúp cho người dân có được cuộc sống yên bình mà còn thể hiện được thượng tôn pháp luật đối với mọi tầng lớp trong xã hội.