(GDVN) - Căn bệnh sính thành tích trong ngành giáo dục rất khó “chữa trị” đến nơi đến chốn.
Theo phương án thi THPT quốc gia và xét tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục có quy định lấy kết quả học lực lớp 12 tham gia vào việc xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh với tỉ lệ: 50/50.
Mấy năm qua, nhiều trường Đại học, Cao đẳng ở tốp giữa và cuối cùng đã lấy kết quả học bạ (kể cả hạnh kiểm) để xét điều kiện tuyển sinh.
Sau 3 năm thực hiện quy định trên, chúng tôi nhận thấy có một số mặt được: ý thức học tập của các em lớp 12 tốt hơn, “tiếng nói” của thầy cô giáo giảng dạy có trọng lượng hơn, các môn “phụ” không có cảm giác bị học sinh bỏ rơi, coi thường nữa.
Tuy nhiên, quy định này cũng làm nảy sinh sự thiếu đồng bộ trong đánh giá, cho điểm học sinh và gia tăng thêm căn bệnh chạy theo thành tích, điểm số ở không ít thầy cô giáo, đơn vị nhà trường.
Vì vậy, khi đem bàn thảo, chốt lại đề án tuyển sinh, vẫn có nhiều Hội đồng tuyển sinh, các giảng viên Đại học, Cao đẳng còn băn khoăn, lo ngại về tin vào kết quả đánh giá phổ thông, chất lượng dạy và học ở các cơ sở giáo dục phổ thông. Do đó, các trường chưa dám dùng phương án xét tuyển bằng học bạ.
Đúng như các phương tiện truyền thông đã phản ánh, căn bệnh sính thành tích trong ngành giáo dục nói chung, bậc học phổ thông nói riêng càng trở nên nghiêm trọng, rất khó “chữa trị” đến nơi đến chốn.
Nhiều chủ trương, quyết sách của cấp trên ban hành xuống thì đúng đắn, tích cực, nhân văn nhưng khi triển khai thực hiện lại gặp vô số khó khăn, rào cản, thậm chí bị biến tướng, méo mó, lệch lạc.
Điểm học lực lớp 12 ở ba năm học vừa qua có tham gia công nhận tốt nghiệp THPT là một trong những minh chứng rõ nét nhất.
Các biểu hiện tiêu cực, dễ dãi, “bệnh” thành tích dẫn tới việc nâng điểm vô tội vạ…cho học sinh lớp 12 đã có tính phổ biến, lây lan rộng khắp, khiến các thầy cô giáo tâm huyết, trung thực bức xúc, khó chịu.
Nơi hội nghị, họp hành, lãnh đạo ai cũng nói hùng hồn, mạnh mẽ lắm, phải đánh giá, cho điểm chính xác, tuyệt đối không có chuyện nâng điểm nhưng trong thực tế lại “chỉ đạo” ngầm, “chỉ đạo” miệng cho giáo viên nên thế nọ, thế kia, phải “hết lòng” vì học sinh thân yêu của mình.
Lâu nay, trong nhà trường, nhiều thầy, cô giáo còn nảy sinh tư tưởng hoài nghi lẫn nhau; mình, trường đánh giá, ghi điểm nghiêm túc, thực chất, đúng quy định thì liệu rằng đồng nghiệp khác, trường khác có làm giống mình không;
Hoặc tư tưởng điểm số trong tay mình tội gì mà không dễ dãi, nâng lên “làm đẹp” học bạ để học sinh được lợi, không thua thiệt học sinh các trường bạn.
Chính thủ phạm “lệch chuẩn” trong nhận thức, tư tưởng và hành động của nhiều nhà trường, thầy cô giáo khiến cho các quy định hiện hành vốn đầy đủ, chặt chẽ của Bộ GD&ĐT về đánh giá, ghi điểm học sinh bậc THPT trở nên chông chênh, dễ đổ vỡ hơn bao giờ hết.
Nhiều học sinh lớp 12 biết nhà trường, giáo viên đang “thương” mình về điểm số nên càng chủ quan, lười biếng, thiếu chuyên cần trong học tập toàn diện.
Thực tế cho thấy, con số thực, đánh giá đúng chất lượng dạy-học vẫn còn xa vời. Nhiều thầy cô giáo cũng tự nhận thấy mình đang lừa dối chính mình.
Một hệ lụy khác, chất lượng đào tạo Đại học, Cao đẳng bị giảm sút, giảng viên than thở, kêu trời về tình trạng nhiều sinh viên “ ngồi nhầm” đại học.
Không phải không có lý, khi có ý kiến cho rằng, học bạ học sinh bậc THPT, lớp 12 đã xuất hiện “lỗ hổng” lớn, từ việc Bộ GD&ĐT chủ trương lấy điểm lớp 12 tham gia vào công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển Đại học, Cao đẳng.
Bây giờ người viết bài này chỉ còn biết hy vọng, ở các Sở GD&ĐT, bậc THPT, mỗi ngày có thêm những cán bộ quản lý, thầy cô giáo tâm huyết, biết gạt bỏ tư lợi, mọi cám dỗ, nói không với căn bệnh thành tích.
Và luôn nhất quán, bất biến từ nhận thức đến việc làm cụ thể để góp phần đưa chủ trương đúng đắn trên của Bộ GD&ĐT thật sự trở thành hiện thực, tạo sự công bằng, khách quan cho mọi đối tượng học sinh, gầy dựng được niềm tin chắc chắn ở các trường Đại học, Cao đẳng.