(TBKTSG) - Dư luận nhiều lần nghe điệp khúc đại loại “nguồn vốn sẽ dựa vào xã hội hóa, không dùng ngân sách” trong nhiều dự án phục vụ công cộng được một số cơ quan nhà nước đề xuất mà không rõ tính hiệu quả và sự cần thiết cho quốc kế dân sinh, bị dư luận nghi ngờ có động cơ vụ lợi của những người có liên quan.
Trong số này, có những dự án lớn như xây ba sân bay ở Tây Bắc, mỗi cái trị giá cũng vài ngàn tỉ đồng mà một phần trong đó được cho là từ vốn xã hội hóa hoặc dưới hình thức hợp tác công tư. Trước đó thì có dự án xây dựng tháp truyền hình cao nhất thế giới của VTV với dự toán lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận đến mức mặc dù Chính phủ đã phê chuẩn về nguyên tắc nhưng cuối cùng phải kèm thêm điều kiện là không sử dụng ngân sách mà chỉ sử dụng vốn xã hội hóa.
Vậy xã hội hóa là cái gì mà người ta hay viện dẫn đến như một chìa khóa thần kỳ để bảo đảm sự hanh thông của các dự án gây sóng trong dư luận ngay từ bước hình thành ý tưởng như vậy?
Tuy vẫn chưa có một định nghĩa rõ ràng thế nào là xã hội hóa, nhưng trong bối cảnh các dự án phục vụ công cộng đang nói đến thì có thể hình dung đó là việc các tổ chức kinh tế phi nhà nước và cá nhân bỏ vốn (cùng với Nhà nước) để triển khai các dự án này. Do (phần lớn) vốn cần thiết để triển khai dự án là từ các tổ chức kinh tế phi nhà nước và cá nhân nên các chủ dự án có đầy dủ lý do để cho rằng dự án của họ (phần lớn) không sử dụng vốn ngân sách nên không trực tiếp sử dụng tiền thuế của dân và không gây thêm áp lực lên ngân sách nhà nước, và do đó không còn lý do gì để dư luận quan ngại về tính hiệu quả và sự cần thiết của chúng.
Lập luận trên thoạt nghe thì có vẻ có lý. Nếu Nhà nước không cần phải bỏ ra (toàn bộ) số tiền cần thiết cho các dự án mà đất nước có thêm nhiều công trình công cộng nhờ các tổ chức và cá nhân “hảo tâm” và “hào hiệp”, tự nguyện bỏ vốn thực thi các dự án thì Nhà nước hãy để cho các đối tượng này thực thi các dự án dù có thể chúng là các dự án “trên trời”. Mọi thiệt hại, nếu có, nảy sinh từ việc thực thi và vận hành các dự án trên trời này sẽ bị gánh chịu (phần lớn) bởi những đối tượng này, chứ không phải là Nhà nước và, tức là, người nộp thuế.
Có lẽ chính vì sự tỏ ra có lý như vậy nên các cơ quan có thẩm quyền dường như dễ dãi hơn trong việc phê duyệt, cấp phép cho các dự án mang tính xã hội hóa này. Ngược lại, các chủ đầu tư các dự án công cộng cũng biết triệt để khai thác lỗ hổng này để lập và xin duyệt những dự án công cộng, nhất là những dự án có quy mô vốn lớn bằng cách “thòng” thêm một dòng “dự án sử dụng vốn xã hội hóa” trong thuyết trình dự án của mình.
Nhưng nếu áp dụng nguyên tắc “không có bữa trưa miễn phí!” - không ai tự nhiên cho không ai cái gì - trong bối cảnh này thì có thể thấy vấn đề sẽ hoàn toàn khác.
Ở đây tạm bỏ qua tính cần thiết của các dự án xã hội hóa nêu trên hoặc các dự án vốn vẫn còn nhiều tranh luận trái chiều, một câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao lại có những doanh nghiệp tốt bụng đến nỗi tự đề xuất và cam kết sẵn sàng bỏ hàng ngàn tỉ tiền vốn ra đầu tư mà không chắc chắn sẽ thu hồi vốn từ những dự án xã hội hóa?
Câu trả lời là chắc chắn các doanh nghiệp này sẽ thu được nhiều mối lợi lớn. Mối lợi đầu tiên mà các doanh nghiệp tham gia dự án xã hội hóa có thể thu được là họ đã đương nhiên “lọt” qua được cửa đấu thầu, không cần phải bỏ giá rẻ nhất (với chất lượng đảm bảo) mà vẫn loại được các đối thủ cạnh tranh khác để giành được hợp đồng xây dựng.
Với giá không phải đấu thầu nên sẽ ở mức trên trời thì dù có phải ứng trước vốn ra nhưng xem ra cũng không thấm vào đâu so với lợi nhuận lớn có được từ vị thế gần như độc quyền mà các doanh nghiệp này nghiễm nhiên được hưởng nhờ tham gia dự án với tư cách là bên “xã hội hóa” trong dự án. Cái lợi của doanh nghiệp cũng chính là cái hại cho chủ dự án - chính quyền, khi chính quyền phải trả một số tiền lớn hơn sau này khi dự án hoàn thành và hoạt động so với số tiền lẽ ra họ sẽ bỏ ra khi tổ chức đấu thầu rộng rãi.
Cái lợi thứ hai là các doanh nghiệp tham gia dự án xã hội hóa có thể đưa ra một số yêu cầu ưu đãi đặc biệt hoặc đặc quyền vượt trội so với những dự án thông thường, buộc chính quyền phải đáp ứng để đổi lấy cam kết giải ngân vốn đầu tư cho dự án.
Những yêu cầu và đặc quyền này rất đa dạng, có thể dưới dạng tiếp cận đất đai, cơ sở hạ tầng với giá thuê ưu đãi. Chúng cũng có thể dưới dạng giảm nhẹ, bỏ bớt các thủ tục hành chính, hoặc miễn giảm các loại thuế và phí.
Hoặc chúng cũng có thể ở dưới dạng sự cam kết, “quyết liệt vào cuộc” của chính quyền để quá trình thực thi dự án được diễn ra hanh thông, không vấp phải những trở ngại nào đó nhiều khi dẫn đến đình trệ dự án như thường thấy ở trong những dự án phát triển hạ tầng cơ sở do các doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài khác thực hiện, ví dụ như giải phóng mặt bằng, sự phản đối của dân địa phương...
Đó là chưa kể các doanh nghiệp tham gia dự án xã hội hóa còn có xu hướng đòi chính quyền cho áp dụng các loại phí thu từ việc sử dụng các dịch vụ của dự án khi hoàn thành, ở mức cao và tăng liên tục để sớm thu hồi vốn và lãi nhanh nhất có thể. Ví dụ điển hình là các dự án hạ tầng cơ sở có thu phí gần đây cho thấy thực tế này.
Về phía chính quyền, đáp ứng những đòi hỏi và đặc quyền này có nghĩa là thêm nhiều giờ công tiêu tốn, cũng như thất thu và thiệt hại cho ngân sách trung ương và địa phương.
Cái lợi thứ ba là các doanh nghiệp tự nhiên được dư luận biết đến rộng rãi thông qua chính quyền mà chẳng phải tốn tiền để tự quảng cáo. Hơn thế, sự làm ăn, hợp tác với chính quyền còn mang lại cho họ một thứ tương tự như sự bảo chứng cho sản phẩm và dịch vụ của mình mà không dễ gì có thể mua được bằng tiền. Và cũng xin nhắc lại, mối lợi của doanh nghiệp là thiệt hại cho chính quyền. Thiệt hại ở đây là chi phí cơ hội cho chính quyền, khi họ quảng cáo và bảo chứng không công cho doanh nghiệp.
Và cuối cùng, không có gì ngăn cản điển hình của “mô hình xã hội hóa thành công” này không được nhân rộng. Các doanh nghiệp trên với tư cách là doanh nghiệp tiên phong và có kinh nghiệm hợp tác với chính quyền, cũng như có tiềm lực, sẽ dễ dàng hơn trong việc loại các đối thủ tiềm năng để tiếp tục giành các hợp đồng xã hội hóa mới. Chính quyền các địa phương khác sẽ lại là những “bị hại” mới.
Tóm lại, khi doanh nghiệp bỏ ra 1 đồng, thông thường bao giờ họ cũng tính toán làm sao thu về được nhiều hơn 1 đồng. Bởi vậy, xã hội hóa nhiều khi có nghĩa là Nhà nước và ngân sách còn bị mất mát và thiệt hại nhiều hơn so với không có xã hội hóa. Trên nghĩa này, xã hội hóa không bao giờ nên được viện dẫn ra như là một điểm cộng quyết định để các cơ quan có thẩm quyền dựa vào đó phê duyệt một dự án nào đó.