LĐO - Cùng một lúc Cty có hai giám đốc đại diện theo pháp luật ký hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp tài sản dùng con dấu đã hết giá trị sử dụng, cán bộ thẩm định của ngân hàng thì không thèm đo vẽ thực tế mà chỉ định giá trên giấy nhưng Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - chi nhánh Sài Gòn (Vietcombank Sài Gòn) vẫn “nhắm mắt” cho vay 11 tỉ đồng. Giờ “con nợ” không có khả năng trả nhưng tiền Nhà nước trót cho vay khó thu hồi được.
Cho vay ẩu, thẩm định trên giấy
Ngày 19.1, Cơ quan Thi hành án quận Bình Thạnh (TPHCM) đã đến trụ sở Cty cổ phần Hoa Nước (27 Phan Đăng Lưu, phường 3, quận Bình Thạnh, TPHCM) để thi hành bản án của Tòa án Nhân dân quận Bình Thạnh (xử nguyên đơn Vietcombank thắng kiện) nhưng đành phải quay về vì hiện trạng căn nhà dùng làm tài sản đảm bảo vay tiền là 5 tầng không đúng như hiện trạng căn nhà thể hiện trong hồ sơ thế chấp giữa Vietcombank CN Sài Gòn và “con nợ” là chỉ 3 tầng. Điều trái khoái này xuất phát từ việc “nhắm mắt” cho vay ẩu, giờ “lĩnh hậu quả” lệnh tòa kê biên căn nhà chỉ 3 tầng nhưng thực tế căn nhà lại 5 tầng, vậy 2 tầng dôi dư còn lại biết làm sao đây?
Theo hồ sơ vụ việc thể hiện, ngày 6.9.2012, Vietcombank CN Sài Gòn do ông Nguyễn Kiến Tường làm giám đốc ký hợp đồng tín dụng cho Công ty cổ phần Hoa Nước vay 11 tỉ đồng, người ký tên đóng dấu là bà Dương Bích Hạnh - Giám đốc Cty. Cùng ngày, Vietcombank CN Sài Gòn cũng do chính ông Nguyễn Kiến Tường ký hợp đồng thế chấp tài sản để đảm bảo cho Cty cổ phần Hoa Nước được vay theo hợp đồng tín dụng nói trên. Nhưng lạ lùng là người đại diện theo pháp luật ký hợp đồng với Vietcombank CN Sài Gòn là ông Dương Hữu Thái - Giám đốc Cty cổ phần Hoa Nước - chứ không phải bà Dương Bích Hạnh. Như vậy, cùng một lúc, Cty Hoa Nước có 2 giám đốc đại diện theo pháp luật giao dịch với Vietcombank CN Sài Gòn. Tài sản đảm bảo được ghi trong hợp đồng thế chấp là căn nhà số 27 Phan Đăng Lưu, P.3, Q.Bình Thạnh, TPHCM (3 tầng) nhưng Vietcombank CN Sài Gòn lại giữ tài sản và giấy tờ thế chấp là căn nhà 107/7 Trương Định, P.6, Q.3, TPHCM.
Nghiêm trọng hơn, trong hợp đồng tín dụng cho vay 11 tỉ đồng của Vietcombank CN Sài Gòn, Cty Hoa Nước đã dùng con dấu không còn giá trị sử dụng để đóng dấu vào hợp đồng! Nhưng lạ thay, 11 tỉ đồng từ Vietcombank CN Sài Gòn vẫn chảy vào phía Cty Hoa Nước. Thực tế, căn nhà 27 Phan Đăng Lưu là 5 tầng chứ không phải 3 tầng, được xây theo giấy phép xây dựng vào ngày 7.5.2010. Nhưng mãi đến 6.9.2012, cán bộ Vietcombank đi thẩm định đã “nhắm mắt” cho là 3 tầng.
Trả lời báo Lao Động về việc này, ông Nguyễn Kiến Tường nói rằng không cần biết Cty Hoa Nước có mấy giám đốc mà ông chỉ căn cứ vào biên bản họp HĐQT Cty này cử ai đại diện theo pháp luật để giao dịch là ông ký hợp đồng thôi. Còn con dấu không còn giá trị sử dụng thì ông giám đốc Vietcombank CN Sài Gòn lý giải do không phân biệt được và thấy nó vẫn còn giá trị sử dụng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để hợp pháp hóa việc vay vốn NH của Công ty Hoa Nước, ngày 30.8.2012, bà Hạnh cùng em trai là Dương Hữu Thái tạo ra biên bản họp hội đồng quản trị công ty mục đích liên quan đến việc vay tiền. Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Long (nguyên là chồng của bà Dương Bích Hạnh, nay đã ly dị, một thành viên trong HĐQT Cty cổ phần Hoa Nước) và hai thành viên HĐQT của Cty Hoa Nước khác là ông Nguyễn Hữu Tâm và Nguyễn Hùng Văn (con trai ông Long) đã làm đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng không hề hay biết gì về biên bản họp HĐQT này cả. Ông Tâm còn tố cáo ông đã bị giả chữ ký trong biên bản họp HĐQT này.
Tòa gấp gáp “xử chui” (!?)
Cty Hoa Nước không thanh toán nợ gốc và lãi vay đúng hạn nên ngày 10.7.2013, nguyên đơn Vietcombank đã kiện ra tòa đòi nợ. Vụ việc được Tòa án Nhân dân quận Bình Thạnh do thẩm phán Lương Thanh Mười làm chủ tọa và đã tuyên nguyên đơn thắng kiện, buộc Cty cổ phần Hoa Nước phải trả cho Ngân hàng Vietcombank số tiền hơn 13,7 tỉ đồng gồm tiền gốc và lãi. Do Cty Hoa Nước không có tiền trả nợ NH nên mới có chuyện Cơ quan THA quận Bình Thạnh đến kê biên căn nhà 27 Phan Đăng Lưu, Bình Thạnh để tiến hành các thủ tục phát mãi thu hồi nợ nhưng gặp phải điều tréo ngoe: Nhà 5 tầng nhưng tòa chỉ được quyền ra lệnh phát mãi 3 tầng như hợp đồng thế chấp đã ký giữa Vietcombank và “con nợ”. Còn 2 tầng nữa tính sao đây, quả là việc thu hồi tiền cho Nhà nước quá khó khăn. Nhưng chuyện đó hạ hồi phân giải.
Điều bất ngờ là khi xử vụ kiện này, bị đơn là Cty cổ phần Hoa Nước do bà Dương Bích Hạnh làm đại diện theo pháp luật vắng mặt. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là ông bà Nguyễn Thành Long - Dương Bích Hạnh cũng vắng mặt, vụ án xét xử chỉ có mặt phía nguyên đơn là Vietcombank. Thẩm phán Lương Thanh Mười đã áp dụng “phương pháp tống đạt hợp lệ và niêm yết công khai” nên các đương sự vắng mặt không biết để đến dự. Sau khi có bản án, ông Nguyễn Thành Long đã làm đơn tố cáo thẩm phán đã cố tình “xử chui”, cung cấp những chứng cứ có xác nhận của tổ dân phố chứng minh các đương sự đều có mặt thường xuyên ở nơi cư trú, không phải là người vô gia cư tại sao tòa không gửi giấy triệu tập tham dự phiên tòa. “Tôi rất cần có mặt tại phiên xử để cung cấp chứng cứ nhưng tòa không mời tôi” - ông Long bức xúc nói.