Thứ Hai, 7 tháng 3, 2016

Sau cưỡng chế công trình 8B Lê Trực cần vạch mặt những “cái ô“

Vương Hà

LĐO - Sáng 6.3, chính quyền địa phương đã bắt đầu cưỡng chế những sai phạm ở công trình 8B Lê Trực, quận Ba Đình, Hà Nội. Đây là việc không thể khác khi chủ đầu tư đã cố tình chây ỳ khi xin tự phá dỡ. Nhìn những mảng bê tông vỡ vụn trước những mũi khoan vô tình không người dân nào là không xót ruột. Nhưng đây là việc buộc phải như vậy. Vấn đề là những ai đã gây nên cảnh tang thương này?

Chủ đầu tư có tự đập đầu vào đá?

Gây nên cảnh chua xót này, tiếc rằng chính là chủ đầu tư. Họ đã tự hại chính mình. Nhưng là những đại gia, họ không dại gì húc đầu vào đá. Họ làm bởi chắc họ đã có những lời hứa của những vị có chức sắc. Nhưng khi công luận đã sục sôi, ai dám chường mặt ra để che chắn?
Cũng chắc chắn, sẽ không có những công trình xây sai phép, không phép lớn như vậy nếu không có những “cái ô” tầm cỡ. Vấn đề là cần vạch mặt, chỉ tên những “cái ô” này, nhưng đó lại luôn được coi là chuyện rất khó từ xưa đến nay. Khó ở đây chủ yếu là bởi những mối quan hệ chằng chịt của các nhóm lợi ích.

Với dàn lãnh đạo mới của TP Hà Nội và những gì chính quyền sở tại đã công bố, chắc chắn công trình 8B Lê Trực sẽ được “chặt”, “chỉnh” cho đúng với giấy phép xây dựng. Vậy bài học ở đây cần rút ra là gì?

Việc để xảy ra chuyện xây dựng sai phép lớn như vậy ở ngay một quận trung tâm của Hà Nội như quận Ba Đình là điều không thể chấp nhận. Vậy thời gian dài từ khi công trình khởi công cho đến khi xây dựng cơ bản xong, chính quyền từ phường cho đến quận đã làm gì? Chắc chắn đã có những biên bản vi phạm trật tự xây dựng được lập, nhưng kết quả, công trình vẫn được triển khai cho đến lúc hoàn thiện. Vì vậy, những biên bản này rõ ràng chỉ là những “tấm bình phong” bảo vệ cho cán bộ thừa hành công vụ khi bị …lộ.

Hậu quả, công trình 8B Lê Trực có chiều cao sai phép vượt tới 5 tầng, diện tích vượt tới 6.000 m2/3.600 m2 và phải cưỡng chế. Điều đó thể hiện rõ sự thiếu trách nhiệm rất nghiêm trọng của chính quyền và các cơ quan chức năng. 

Đó là lượng của cải, vật chất rất lớn của xã hội đã bị đổ xuống sông, xuống biển một cách rất lãng phí.

Nguy hiểm hơn, nó đã đánh thẳng vào lòng tin của nhân dân - vốn đang bị sứt mẻ bởi những nhóm lợi ích chồng chéo, chằng chịt “ngoạm” vào ngân khố quốc gia, phá hỏng những quy hoạch. Với công trình 8 B Lê Trực, chắc chắn chủ đầu tư mất rất nhiều tiền cho hạng mục… “bôi trơn”. Mặt khác, những căn hộ sai phép đó đã được chủ đầu tư bán, nay bị phá đi, chắc chắn họ phải đền tiền lại cho người mua. Đấy là chưa kể vô số những khách hàng mua chênh cũng mất trắng những khoản tiền đó… Tất cả những điều đó làm “nổi sóng” cho xã hội.

Cần vạch mặt chỉ tên những “cái ô”

Vậy những ai đã được chủ đầu tư “bôi trơn” để đứng ra làm “cái ô” cho dự án này? Liệu mấy vị ở phường, ở quận có thể đủ tầm che chắn cho công trình rất lớn này không? Đây là công trình không chỉ rất lớn, nó còn chình ình ngay gần Lăng Bác nên “cái ô” chắc chắn phải đủ rộng, đủ lớn, đủ tầm nên chủ đầu tư mới tin mà… làm bừa. Bởi ở Hà Nội ai cũng biết, chỉ cần xây, sửa một cái nhà be bé thì đủ các loại thanh tra xây dựng từ quận đến thành phố “hỏi thăm” liên tục. Vậy mà… 

Do đó, một mặt dư luận tỏ ra rất đồng tình với thái độ cương quyết của chính quyền sở tại về việc cưỡng chế với công trình sai phạm, dù rằng, ai cũng xót ruột trước việc phải phá hủy chúng. Mặt khác, dư luận cũng đòi hỏi, nếu không thể phát hiện được những hành vi “ăn chia” ở công trình này, thì ít nhất những vị có chức trách của chính quyền sở tại và các cơ quan chức năng phải chịu trách nhiệm khi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. 

Nhấn mạnh việc này, bởi không chỉ ở Hà Nội, mà một số thành phố lớn khác, khi xảy ra xây dựng không phép, sai phép bị phát hiện, chính quyền có mạnh tay nhất thì cũng chỉ phá dỡ là chính, còn việc kỷ luật cán bộ lại xử lý nhẹ như lông hồng. Đó là lý do, dù một số công trình bị “cắt ngọn” nhưng các công trình sau lại tiếp tục sai phạm và sai phạm nghiêm trọng hơn.

Đã đến lúc không thể để nhân dân phải nhìn cảnh cưỡng chế như đang làm ở 8B Lê Trực, ở biệt phủ của đại gia Ngô Văn Quang ở núi Hải Vân (Đà Nẵng) và sắp tới là những biệt thự ở huyện Ba Vì (Hà Nội) bởi nó vừa phí phạm của cải vật chất, vừa gây bức xúc cho nhân dân. Muốn vậy, công luận đòi hỏi, cần phải xử lý thật nghiêm khắc, kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự những người để công trình không phép, sai phép được triển khai. Còn nếu vẫn chỉ kỷ luật cho …vui, những người có chức trách còn sẵn sàng đứng ra làm “cái ô”.