NLĐO - “Việc chỉ có một, công thì nhân đôi, thành tích thì chia 3, chia 4. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đông, càng thực hiện giảm biên chế thì càng tăng...”
Ngày 3-11, Quốc hội (QH) tập trung thảo luận báo cáo về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và 5 năm tới (2016-2020) của Chính phủ; kết quả thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015, dự toán NSNN và phương án phân bổ NSNN năm 2016; cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ; phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế…
Ủng hộ phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế
Nói về việc cân đối NSNN, đại biểu (ĐB) Trần Du Lịch (TP HCM) bày tỏ: “Tôi cảm thấy như bây giờ Bộ trưởng Bộ Tài chính rất khổ, thu chi NSNN “giật gấu vá vai” thế này, nguyên nhân ở đâu? Khi cầm trên tay công bố thu chi NSNN, tôi cũng không biết cắt của ai, cho thêm ai, giờ muốn tăng lương thì lấy đâu ra?”.
Theo ĐB Lịch, lý do là nguyên tắc giám sát chưa ổn. Liệu có thể giảm chi thường xuyên trong tỉ trọng cơ cấu chi không, để dành phần trả nợ và đầu tư lớn hơn?
Trong tổng chi NSNN thường xuyên có 3 nhóm: chi cho bộ máy hành chính, chi cho các tổ chức chính trị và chi trợ cấp. “Muốn tăng lương, tăng thu nhập thì phải giảm số người xuống, không giảm thì không cho tăng. Để giải quyết căn cơ, đề nghị QH, Chính phủ nghiên cứu xây dựng chính sách tài chính công lành mạnh. Chúng ta đang tính chi trước rồi tính nguồn thu nhưng phải là ngược lại: thu được gì thì chi cái gì” - ĐB Lịch nêu ý kiến.
ĐB Nguyễn Thị Hương Thảo (Hải Dương) nói với tình hình NSNN hiện tại, trong giai đoạn trung hạn, chúng ta vẫn bội chi nên Chính phủ cần có giải pháp lâu dài hơn.
Một trong những giải pháp lớn để cân đối ngân sách là phát hành trái phiếu quốc tế. ĐB Trần Du Lịch ủng hộ phát hành trái phiếu quốc tế để cơ cấu lại nợ công, nhất là các khoản nợ vay trung hạn và ngắn hạn. Như vậy, trước mắt chúng ta có nguồn ngoại hối vào nhanh để cân đối nợ công khi trả nợ và đánh giá được tín nhiệm của Việt Nam thường xuyên trên thị trường thế giới.
ĐB Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai) cũng cho rằng cần thiết phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế. “Chúng ta phải thấy rằng nếu quốc gia nào không có uy tín, nền kinh tế nào mà thấy khó phát triển, có muốn mấy đi nữa thì phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế vẫn không thành công được. Trong những năm qua, uy tín của Việt Nam đang lên nên phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế sẽ tạo điều kiện có nguồn vốn để phát triển đất nước, để có nguồn ngoại tệ lớn.
Nhiều ý kiến của ĐBQH lý giải sở dĩ việc chi NSNN lớn trong khi gánh nặng nợ công ngày càng tăng là do bộ máy hành chính quá cồng kềnh, kém hiệu quả.
ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) phản ánh cử tri đang có tâm trạng lo lắng vì nợ công các năm đều tăng và tăng cao, sức ép trả nợ ngày càng tăng. Bắt đầu từ năm 2012, chúng ta đã phải vay để đảo nợ, năm 2014 là 70.000 tỉ đồng và 2015 thì gần gấp đôi (135.000 tỉ đồng), cùng với đó là việc sử dụng NSNN để trả nợ công. Theo kinh nghiệm quốc tế, trả nợ công dưới 25% tổng thu NSNN thì mới an toàn nhưng chúng ta đã phải dành 31,9% để trả nợ - con số này không an toàn!
Vung tay quá trán
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) thì cho rằng căng thẳng NSNN không phải là mới, tiết kiệm chi cũng đã nói nhiều. Các giải pháp cũng đã đề ra song việc thực hiện còn rất hạn chế. Trong báo cáo của Chính phủ nêu là đã tập trung chỉ đạo, chuyển biến tích cực, đề nghị Bộ Tài chính nói rõ tích cực ở đâu?
Để giải quyết tình trạng này, ĐB Trần Du Lịch đề nghị: “Cần giảm chi tiêu cho các khoản “phú quý sinh lễ nghĩa”. Chúng ta chưa “phú quý” thì không nên “sinh lễ nghĩa”. Nên giảm tất cả những gì không cần thiết, chúng ta quá lãng phí!”. Cũng theo ĐB Lịch, các khoản chi xây trụ sở, sắm phương tiện không phải là đầu tư cơ bản mà là chi tiêu dùng. Chúng ta ghép khoản tiêu dùng vào tiền đầu tư và chúng ta vung tay...
Lý giải cân đối ngân sách chưa tốt, ĐB Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) cho rằng chi thường xuyên chiếm tỉ trọng lớn trên 70% NSNN trong khi tổ chức sản xuất khó khăn, bộ máy hành chính cồng kềnh, dễ phát sinh các khâu trung gian. “Việc chỉ có một, công thì nhân đôi, thành tích thì chia 3, chia 4. Đội ngũ cán bộ công chức, viên chức đông, càng thực hiện giảm biên chế thì càng tăng. Cơ chế tuyển dụng chưa công khai, thiếu cơ chế giám sát, thiếu cơ chế đào thải nếu không làm được việc; chế độ tiền lương cào bằng, không theo mức độ đóng góp” - bà Hoàng đúc kết và đề nghị xem lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đó là một cách để giảm chi ngân sách. Cần tiếp tục tinh giản biên chế gắn với tổ chức bộ máy theo hướng gọn nhẹ, giảm bớt khâu trung giản.
***
Cố gắng tăng lương trong năm 2016
Đề cập tới vấn đề thất thu do thuế, ĐB Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho rằng khi hội nhập, luật pháp phải nghiêm minh. Có nhiều doanh nghiệp nợ thuế rất nhiều năm, nợ đóng BHXH cho người lao động rất nhiều năm, nợ lương cũng rất nhiều tháng xong rồi trốn mất. Bao nhiêu hậu quả đổ lên đầu người lao động. Do đó, cấp điều hành quản lý, thắt chặt của chúng ta chưa tốt ở khâu này. Theo ĐB Tùng, Bộ Luật Lao động nêu rất rõ là lương tối thiểu phải đáp ứng được đời sống tối thiểu. Vừa qua, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp và quyết định của các thành viên Chính phủ trong Hội đồng Tiền lương quốc gia rất sáng suốt, hài hòa lợi ích của đôi bên. Tổ chức Lao động quốc tế đánh giá rất cao cơ chế 3 bên của chúng ta đang thực hiện. Ở khối doanh nghiệp thực hiện được như thế này thì không lý do gì Chính phủ lại không thực hiện. Chỉ có lý do là thu NSNN thấp quá nên không tăng lương. Do đó, trong kế hoạch ngân sách năm 2016, đề nghị Chính phủ bằng mọi cách, từng bước phải có lộ trình tăng lương cho cán bộ, công chức. Cố gắng không đầu năm được thì giữa năm cũng phải tăng tối thiểu 5%.
***
Giải trình về 14.259 tỉ đồng vốn còn thừa
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng “đăng đàn” giải thích về khoản trái phiếu Chính phủ còn dư 14.259 tỉ đồng được bố trí đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Việc này khiến nhiều ĐBQH băn khoăn liệu có phải khi lập dự toán đã kê “vống” lên dẫn đến dư vốn hay thực sự là do áp dụng các biện pháp tiết kiệm hiệu quả?
Theo ông Thăng, trong khoản vốn dư 14.259 tỉ đồng, có hơn 4.400 tỉ đồng được cắt giảm do chênh lệch tổng nguồn vốn bố trí cho các dự án và tổng mức đầu tư dự án đã được phê duyệt. Giảm 1.070 tỉ đồng do thực hiện chỉ định thầu (được Chính phủ cho phép) để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Giảm 5% chi phí xây lắp, chi tư vấn. Giảm 686 tỉ đồng do chi phí giải phóng mặt bằng giảm, việc giải phóng mặt bằng do trực tiếp các tỉnh thực hiện. Khoản giảm lớn nhất (6.290 tỉ đồng) do rút ngắn thời gian thi công 1 năm đối với Quốc lộ 1 và 1 năm rưỡi đối với đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, trong đó có bao gồm chi phí dự phòng trượt giá của dự án. Dự án thực hiện nhanh nên không sử dụng đến khoản dự phòng này. Ngoài ra, giảm 1.728 tỉ đồng do trong quá trình triển khai, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ các khâu thiết kế, dự toán, áp dụng biện pháp thi công phù hợp với điều kiện thực tế vừa bảo đảm kỹ thuật, kinh tế, giảm giá thành công trình...
“Việc lập dự toán theo các quy định của pháp luật, việc thẩm định đầu tư lập dự toán phải theo quy định của Luật Xây dựng, theo các nghị định, thông tư đã được ban hành, không phải thích lập bao nhiêu thì lập. Tất cả dự toán của dự án này đều được Viện Kinh tế của Bộ Xây dựng thẩm định trước khi Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt dự án” - ông Thăng khẳng định.