SOHA - Họ ngang nhiên lấy ảnh một người nào đó, bịa ra các câu nói vô nghĩa lý, ghép vào rồi share khắp nơi để cho những kẻ tay nhanh hơn não... auto chửi và dọa cả treo cổ người ta.
Ông Tuân Tử người nước Tàu cách đây hơn 2.300 năm nói rằng: “Con người sinh ra vốn ác”. Gần đây hơn, ông Lý Quang Diệu – cố thủ tướng Singapore nhận định: “Nhân chi sơ tính bản ác. Cần phải có các biện pháp hạn chế, kiểm soát mặt ác của con người”.
Cách đây không lâu tôi có đọc được bài viết của nhạc sĩ Tuấn Khanh với cái title: “Câu hỏi đau đớn: Tại sao người Việt đang nhiễm sự ác độc người Trung Quốc”.
Câu trả lời của riêng tôi là không, chúng ta không nhiễm sự ác độc của bất cứ dân tộc nào trên trái đất này, trong sâu thẳm mỗi người chúng ta đều có một mầm mống mang hung ác.
Và đừng đổ nguyên nhân sự hung ác, tàn nhẫn của người Việt với người Việt cho người Trung Quốc. Họ chẳng có lỗi gì ở đây cả.
Một anh bán hàng rong bị một anh công an phường quật ngã có nguy cơ chấn thương sọ não.
Cư dân mạng, những con người có thể nói là ngày ngày, giờ giờ tiếp cận, lập tức chia ra hai phe.
Phe thứ nhất tấn công, sỉ vả, mạt sát anh bán hàng rong bằng đủ loại ngôn từ, tất nhiên người ta cũng không quên buộc anh ta hàng đống tội lỗi nào bán thực phẩm bẩn, nào chống người thi hành công vụ, nào nếu ở Mỹ thì anh bán hàng rong sẽ bị một viên đạn đồng.
Phe thứ hai đương nhiên tấn công phe thứ nhất và tìm cách “tiêu diệt” anh công an phường. Nhân danh đủ những thứ cao cả và lợi quyền của người nghèo.
Hai bên mặc sức kết án đối phương và kết án cả hai nhân vật chính. Họ kiêm tòa án, kiêm luôn phần của đội thi hành án cũng nên.
Kinh hoàng hơn, khi phóng viên cung cấp những thông tin chân thật đến độc giả về diễn tiến xung quanh sự vụ, thì người ta bắt đầu gửi tin nhắn, gọi điện đe dọa phóng viên.
Tấn công người đưa tin bằng đủ những ngôn từ như bồi bút, quân viết thuê, phường mạt hạng…
Chẳng ai trách nhiệm về thói côn đồ ngôn ngữ của mình.
Họ, những cư dân mạng – những cư dân phải nói rằng ưu tú, vì có điện thoại thông minh hay laptop, có tài khoản mạng xã hội, có thời gian lên mạng... tới tấp găm vào đồng bào mình những nhát dao chí tử.
Quái gở hơn, họ dường như rất hả hê, rất hãnh diện, tự hào với điều đó!
Và trong cuộc chiến nói trên phe nào chiến thắng thì rốt cục anh Phong cũng chỉ là người thất bại.
Đau xót hơn, chính sự văn minh, nhân ái đã bị giết chết tức tưởi.
Tôi nhớ cách đây không lâu, có một người đã gán cho Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc là đã phát biểu rằng:
"Hiện nay, Việt Nam đang là nước yếu, chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa thế nào thì không nên nôn nóng, để trăm năm, hoặc nghìn năm sau con cháu chúng ta đòi lại cũng vẫn được".
Chưa biết có thật là GS Ngọc có phát ngôn như vậy không và đúng sai thế nào, cư dân mạng nhân danh đủ thứ đã nhảy lên kêu gào, chửi bới.
Thậm chí họ đòi treo cổ giáo sư Nguyễn Quang Ngọc vì cái tội … Hán gian.
Hỡi ơi, như ở thời Trung cổ.
Tôi thực sự kinh hoàng khi nghĩ rằng nếu họ có súng, có quyền lực thì không biết việc gì có thể xảy ra.
Họ không cần biết việc ông Ngọc hầu như đã dành cả sự nghiệp nghiên cứu đầy tâm huyết của mình để tìm kiếm tư liệu khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của người Việt Nam.
Cuối cùng, khi sự việc được phát hiện là ai đó bịa ra và gán ghép thì lời xin lỗi được thầm thì đưa ra.
Và rơi vào hư không.
Ngay trong lúc tôi đang viết bài này, nhân danh công lý, người ta đang lại tấn công, Giáo sư Vũ Minh Giang - Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ vì ông không đồng tình với việc giật đổ tượng Lenin ở Nga.
Một lần không sao, hai lần không sao, một vài người không sao, một vài trăm người cũng chẳng sao, nhưng đây là hàng ngàn con người, thậm chí nhiều hơn; hàng chục sự vụ cứ lặp đi lặp lại.
Tấn công, sỉ nhục cá nhân, tìm kiếm thông tin cá nhân, gọi điện đe dọa. Ngôn từ xằng bậy, tục tĩu và vô văn hóa không kể xiết.
Thế ta phải định nghĩa cái việc đấy là gì?
Phải chăng đó là sự hung ác, dã man trong chính tiềm thức của nhiều người Việt Nam hôm nay?
Phải chăng nhiều người đã để tuột, đã đánh rơi đi, đã không tiếc, xót gì mà ném thẳng đi những quy chuẩn về đạo đức về tri thức khi bình phẩm về một con người?
Người Trung Quốc dạy chúng ta điều này sao?
Thật phi lý.
Sao không nghiêm khắc nhìn lại mình?
Tôi tự hỏi bao giờ cư dân mạng xã hội Việt Nam mới trở nên văn minh, bao giờ thì họ biết tôn trọng mỗi cá nhân và tư duy khác biệt?
Và bao giờ chúng ta trở nên bác ái nhân văn?
Lẽ nào chúng ta già đi nhưng không thể trưởng thành cho nổi?
Khi pháp luật chưa đủ mạnh để răn trừ cái ác, bảo vệ cái thiện thì các ác tất sinh sôi; khi sự nghiêm khắc của pháp luật không đủ để trừng trị thói côn đồ, ham sỉ vả nhục mạ người khác thì thói côn đồ sẽ trở thành trào lưu.
Thậm chí nó sẽ tự gán cho nó mới chính là sự tiến bộ, ưu việt hay cao hơn là tình yêu quốc gia, yêu dân tộc.
Đó là những gì chúng ta đang chứng kiến trên mạng xã hội, nơi toàn bộ tính hung ác của những cư dân mạng, những anh hùng bàn phím Việt Nam được phô diễn một cách cực kỳ hoàn hảo.