(TBKTSG) - Gần đây xuất hiện nhiều thông tin liên quan đến việc tiêu xài ngân sách nhà nước một cách lãng phí, như chuyện chỉ riêng việc chăm sóc cây - hoa ở đại lộ Thăng Long tại Hà Nội đã “ngốn” hết 53 tỉ đồng mỗi năm, mới thấy Quốc hội cần phải xem xét lại vấn đề phân bổ ngân sách.
Ở Hà Nội, trong khi các cây cầu bắc qua sông Hồng, đường sắt trên cao được Bộ Giao thông Vận tải “bao” làm chủ đầu tư, khu công nghệ cao được Bộ Khoa học và Công nghệ “lo” cả về nhân sự lẫn vốn đầu tư... thì tại TPHCM “trăm dâu đổ đầu tằm”, tất tật trông chờ vào nguồn chi hạn hẹp được điều tiết để lại chỉ hơn 20% tổng thu trên địa bàn. Nhìn rộng ra cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng vậy, dù đóng góp gần 60% vào “chiếc bánh ngân sách quốc gia” nhưng đến nay vùng này mới được đầu tư khoảng 100 ki lô mét đường bộ cao tốc so với chừng 600 ki lô mét ở vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và lân cận.
Cách phân bổ ngân sách hiện nay dẫn đến nghịch lý số ít địa phương (khoảng 13 tỉnh thành) luôn phải gồng mình tăng thu ngân sách để bảo đảm chỉ tiêu pháp lệnh, trong khi số đông các địa phương khác (50 tỉnh thành) tuy còn phải phụ thuộc trợ cấp từ ngân sách trung ương lại có vẻ rủng rỉnh, thậm chí chi bạo “phần bánh” được trợ cấp hàng năm.
Thật không hợp lý khi nhiều tỉnh, thành thậm chí phải nhận trợ cấp tới 50% lại mạnh chi tới hàng ngàn tỉ đồng cho việc xây dựng trung tâm hành chính, quảng trường - tượng đài, địa phương làm sau luôn hoành tráng hơn địa phương làm trước!
Tuy nhiên, nước ta hiện đâu chỉ có mỗi sự bất hợp lý về vấn đề chia “chiếc bánh ngân sách”, việc thâm dụng quỹ bảo hiểm y tế đang diễn ra ở không ít địa phương “thu thấp chi cao” cũng còn nóng hổi. Sáu tháng đầu năm 2016, tỉnh Thanh Hóa bội chi gần 400 tỉ đồng, Nghệ An khoảng 300 tỉ đồng, Thái Bình hơn 200 tỉ đồng... Những con số ấy cũng làm những người, những nơi đóng góp lớn nhất vào quỹ bảo hiểm y tế như TPHCM không khỏi chạnh lòng. Vẫn biết đạo lý là phải san sẻ, hỗ trợ cho người nghèo, giúp đỡ địa phương khó khăn, nhưng khi nguyên nhân thâm hụt quỹ bảo hiểm y tế ở nhiều nơi được xác định chủ yếu do trục lợi (mua thuốc giá cao bất thường, chỉ định dịch vụ tràn lan quá mức cần thiết, áp giá dịch vụ sai, thanh toán trùng, thậm chí... khuyến mãi đi khám bệnh!) thì khó ai có thể cảm thông, chia sẻ được!
Người ta thường ví ngân sách nhà nước như chiếc bánh chung đem chia cho tất cả quốc dân. Cùng với những bất hợp lý về cơ chế hành chính (đô thị, nông thôn, miền núi... giống nhau), chế độ tiền lương (công chức, viên chức đều theo kiểu “hòa cả làng”)... việc hình thành và chia “chiếc bánh ngân sách” của nước ta đang chứa đựng một nghịch lý cơ bản: 20% tỉnh, thành (thành phần chính làm ra “chiếc bánh”) đang phải liên tục phấn đấu tăng thu, không những để đủ tiền nuôi mình mà còn phải bảo đảm cân đối nhu cầu chi cho 80% địa phương khác hưởng trợ cấp. Nghịch lý này tồn tại quá lâu và đương nhiên là phi lý.
Trong tình cảnh ấy, lẽ ra phải có chính sách tích cực động viên, dưỡng sức cho “người làm bánh” để chiếc bánh ấy ngày càng to thì thực tế lại chưa thực hiện đúng chủ trương “nuôi dưỡng nguồn thu”, “động viên tăng thu”. Thậm chí, như TPHCM, dù liên tục thu vượt dự toán được giao nhưng để được hưởng chế độ thưởng vượt thu, có thêm nguồn chi đáp ứng các nhu cầu cấp bách cũng phải “vất vả đi xin”!
“Xưởng bánh” và những “người làm bánh” chưa được quan tâm đúng mức cần thiết là một thực tế, dẫn đến nhiều hệ lụy, làm giảm tốc độ phát triển chung của đất nước. Nói cách khác, “chiếc bánh ngân sách quốc gia” sẽ có cơ hội to hơn và to nhanh hơn... nếu có chính sách chăm lo thật sự tới những “xưởng bánh” và người làm ra chiếc bánh.