Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2016

“Quái thú tham nhũng” lần này… khó mà thoát!?

Bùi Hoàng Tám

(Dân trí) - Nếu đặt câu hỏi có một con “quái vật” nào có sức sống mãnh liệt nhất, dai dẳng nhất trên thế gian này, có lẽ không ít người Việt Nam nghĩ đến loại “quái thú” mang tên “tham nhũng”.

Chẳng hiếu sao con “quái thú” này sống dai dẳng đến thế? Thậm chí càng chống lại càng phát triển. Càng chống, càng tinh vi và càng chống, lại càng sinh sôi, nảy nở vụ này to hơn vụ trước, năm nay trầm trọng hơn năm trước…

Cũng không hiểu chúng ăn gì, uống gì mà sức sống ghê gớm đến mức đã nhiều năm qua, trên các bản báo cáo, thậm chí cả Nghị quyết của Đảng và Nhà nước, chúng “ngốn” rất nhiều những cụm từ như “kiên quyết”, “quyết tâm”, “xử lý nghiêm dù bất cứ là ai” đến thế.

Vì sao tham nhũng vẫn không ngừng gia tăng? Tất nhiên, đó là bởi công tác phòng chống chưa hiệu quả. Vì sao chưa hiệu quả?

Có thể sẽ có nhiều nguyên nhân, song câu trả lời thuyết phục nhất, đó là bởi chúng ta chưa có những phác đồ điều trị hữu hiệu mà một trong những phương thuốc đó có lẽ chính là sự gương mẫu của những người đứng đầu các ban, ngành và địa phương.

Thậm chí, nói như TBT Nguyễn Phú Trọng “một khi tay đã nhúng chàm thì làm sao chống được tham nhũng”. Còn Chủ tịch Quốc hội Khóa XIII Nguyễn Sinh Hùng thì “ý nhị” hơn khi đặt câu hỏi “Có hay không tham nhũng trong bộ phận chống tham nhũng”.

Thế nhưng rồi đây, công cuộc phòng chống tham nhũng có thể sẽ hiệu quả bởi một loạt biểu hiện gần đây. Đó là cam kết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về một chính phủ liêm chính, nói không với tham nhũng, một chính phủ trong sạch để làm gương.

Cùng lúc đó, một số vị lãnh đạo cao cấp đã công khai lên tiếng không chỉ giữ trong sạch cho bản thân mà còn kiên quyết không để người thân tiêu cực, tham nhũng như tuyên bố của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Hoàng Trung Hải.

Tại buổi tiếp xúc cử tri đơn vị số 8 (huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội) ngày 9/5 vừa qua, không chỉ cam kết tích cực chống tiêu cực, tham nhũng, ông Hải còn cho biết sẽ không “để gia đình, con cái, người thân trong gia đình lạm dụng quyền của mình để làm ăn phi pháp, hay tiêu cực, hay tham nhũng”.

Thực tế từ nhiều năm qua, trong dư luận xã hội, nhất là giới doanh nhân, trước mỗi dự án hay một doanh nghiệp tư nhân lớn, người ta thường hay nghe thấy những xì xèo đó là “sân sau” của ông này, bà nọ. Thậm chí, có những doanh nhân “úp úp, mở mở” ông này, bà nọ “chống lưng” cho họ hay “người nhà” của bác này, cô khác.

Chuyện “sân sau” hay “chống lưng” đó có không? Có lẽ cũng không loại trừ rằng có thể có. Song, đành rằng “không có lửa làm sao có khói” nhưng cũng hoàn toàn có thể trong “binh pháp” kinh doanh, có khói nhưng chưa chắc đã có lửa. Phép “cáo mượn oai hùm”, “thỏ mang mặt… cáo” trong thương trường cũng là chuyện bình thường.

Vì sao tình trạng “thậm xưng” này lại tồn tại và phát triển? Thứ nhất, đó là bệnh “sợ oai quan”của không ít người Việt và thứ hai, nó nằm ở chỗ có thể đã từng có ai đó “đỡ đầu, chống lưng” mà các doanh nhân biết được. Vì thế, muốn chống tham nhũng, tiêu cực, trước hết và trên hết, phải từ chính sự liêm chính của bản thân các vị lãnh đạo, sau đó là vợ con và cả người thân của các vị.

Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân thì để tránh hiện tượng “cáo mượn oai hùm”, làm ảnh hưởng đến uy tín của mình, các vị lãnh đạo nên tự nguyện công khai tên tuổi những người thân thiết và cam kết không “để gia đình, con cái, người thân trong gia đình lạm dụng quyền của mình để làm ăn phi pháp, hay tiêu cực, hay tham nhũng” như lời của Bí thư Hoàng Trung nói trên.

Có một Chính phủ liêm chính cộng với người đứng đầu các địa phương liêm chính và công khai, minh bạch thì “quái thú tham nhũng” dù có mọc ba đầu, sáu tay cũng khó mà thoát, phải không các bạn?