Thứ Tư, 4 tháng 11, 2015

Tự tử - một hiện tượng không thể làm ngơ

ThS LÊ MINH TIẾN, giảng viên Xã hội học ĐH Mở TP.HCM

(PL)- Hiện tượng tự tử có nguy cơ xuất hiện thường xuyên hơn trong thời kỳ hội nhập.

LTS: Bước đầu công an xác định nguyên nhân vụ bốn người chết ở Thanh Hóa là do người chồng tước đoạt mạng sống của vợ con rồi tự tử. Nếu giả thiết của công an là đúng thì đây quả là hiện tượng rất đáng lưu tâm. Dưới đây là những kiến giải bước đầu của các chuyên gia tâm lý, xã hội học về hiện tượng đáng lo ngại này.

Tự tử là một hiện tượng không hiếm trong đời sống xã hội, ở bất cứ giai đoạn nào, bất cứ xã hội nào, với những lý do khác nhau.

Cá nhân thiếu kỹ năng

Với các nhà tâm lý, tự tử có một phần nguyên nhân từ những bất ổn tâm lý, trong đó có sự tuyệt vọng. Nguyên nhân của sự tuyệt vọng chủ yếu là do con người ta không nhìn ra được bất cứ một giải pháp nào cho vấn đề mà mình đang gặp phải. Mà trong cuộc sống thì con người ta luôn phải đối diện với nhiều vấn đề, từ chuyện gặp khó trong làm ăn kinh doanh, chuyện học hành, thi cử, chuyện tình cảm, gia đình… Con người ta sẽ chọn tự tử để tự giải thoát khi không còn có hy vọng nào, không tìm thấy giải pháp khả dĩ nào để giải quyết.

Từ đây có thể thấy khía cạnh sâu xa hơn. Đó là xã hội chưa cung cấp được những giải pháp cho nhiều vấn đề mà người dân đang gặp phải.

Quả vậy, nếu sống trong một xã hội có đầy đủ các định chế giúp cho con người ta mỗi khi gặp khó khăn thì có lẽ sẽ giảm bớt được phần nào sự chọn lựa tiêu cực - tự tử. Trong kinh doanh, nếu người dân dễ dàng tiếp cận các định chế tài chính khi khó khăn thì ắt sẽ khó có chuyện tự tử vì nợ nần. Nếu cá nhân có thể tìm thấy những sự tương trợ từ học đường hay gia đình thì chắc sẽ không có chuyện quyên sinh vì căng thẳng trong việc học.

Bên cạnh sự thiếu vắng các định chế tương trợ, hình như chúng ta cũng ít chú ý trang bị cho mỗi cá nhân những kiến thức, kỹ năng để xác định và giải quyết các vấn đề mà họ sẽ phải đối mặt trong cuộc sống. Nếu phương Tây người ta chú trọng dạy học sinh sự tự lập, khả năng xác định và giải quyết vấn đề thì ngược lại, giáo dục của chúng ta vẫn còn lơ là ở mặt này. Hệ quả là khi bước ra ngoài xã hội, đối diện với những bất trắc của đời sống, họ thường phải cậy nhờ đến người khác. Khi không có cái phao cứu trợ thì con người rơi vào cảnh tuyệt vọng, từ đó họ buông tay và… tự tử.

Cảnh báo về mối nguy khi hội nhập

Nhưng dù thế nào, hiện tượng tự tử nơi những người trưởng thành có thể sẽ có nguy cơ xuất hiện thường xuyên hơn trong thời gian sắp tới.

Như chúng ta đã biết, sắp tới chúng ta sẽ thực thi hàng loạt hiệp định thương mại tự do với các nước. Khi đó, cơ hội mở ra cho người dân cũng nhiều nhưng thách thức hiện hữu cũng không ít. Ở khía cạnh xã hội, không ít người khi đó sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải, thậm chí tuyệt vọng, bế tắc. Điều này từng được minh chứng qua ví dụ điển hình của xã hội Ấn Độ.

Người ta nhận thấy sau khi Ấn Độ tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) một thời gian thì tỉ lệ nông dân của nước này tự tử gia tăng rất nhanh. Theo kết quả thống kê công bố vào năm 2011, tỉ lệ nông dân Ấn Độ tự tử cao hơn bình quân chung cả nước đến 47%. Và trong 20 năm gần đây, có khoảng 300.000 nông dân Ấn Độ đã tự tử. Lý do khiến nông dân Ấn tự tử cao là vì khi gia nhập vào WTO, hàng nông sản bị xuống giá (do chất lượng nông sản Ấn Độ không cạnh tranh nổi với hàng nhập khẩu) khiến nông dân Ấn rơi vào cảnh vỡ nợ.

Như vậy, sắp tới chúng ta cũng sẽ phải đối diện với tình trạng này khi các hiệp định thương mại tự do mà chúng ta tham gia chính thức có hiệu lực. Do vậy, nếu không có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ về mặt kinh tế lẫn xã hội thì chuyện tự tử do bế tắc trong làm ăn kinh doanh trong thời gian tới có thể sẽ gia tăng.

Mong rằng chuyện đau thương của gia đình ở Thanh Hóa sẽ là một bài học cho chúng ta suy nghĩ về những giải pháp tương trợ trong tương lai cho người dân, từ đó hạn chế thấp nhất những chuyện đau lòng này. Mọi việc đều có giải pháp nếu chúng ta chịu khó suy nghĩ tìm tòi, còn nếu không thì một vấn đề nhỏ cũng có thể gây nên sự tuyệt vọng lớn với những hậu quả khôn lường.
***

Tước mạng sống của vợ con rồi tự sát (?)

Khoảng 21 giờ ngày 1-11, tại nhà 218 Trần Phú, TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa), người dân phát hiện bốn người chết trong ngôi nhà năm tầng và là tiệm buôn bán điện máy Hà Nhung. Bốn nạn nhân được xác định là anh Ngô Lê Hà (sinh năm 1970), chị Trần Thị Nhung (sinh năm 1973, vợ anh Hà) và hai con trai là Ngô Duy Tân (sinh năm 1992), Ngô Quang Ninh (sinh năm 2003).

Theo người dân địa phương, ban đầu người thân gọi điện thoại nhiều lần cho gia đình anh Hà nhưng không có ai nghe máy. Ngay sau đó, hàng xóm và người thân của anh Hà đã phá cửa vào nhà và phát hiện anh Hà chết trong tư thế treo cổ ở tầng một, còn chị Nhung và hai con thì chết trong tư thế nằm ngủ ở tầng hai.

Công an tỉnh Thanh Hóa có mặt phong tỏa hiện trường và điều tra nguyên nhân. Đại tá Lê Trung Hiếu, người phát ngôn Công an tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Do anh Hà tước đoạt mạng sống của vợ con rồi tự tử vì nợ nần chồng chất, túng quẫn”. Tại hiện trường, công an thu được nhiều vỏ thuốc tân dược Zezipam và Zenpam, loại thuốc an thần độc tố liều cao, cấm bán trên thị trường.

Thiếu tướng Trịnh Xuyên, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, cho hay công an tìm thấy một bức thư tuyệt mệnh cùng đoạn ghi âm có lời trăng trối trong hai điện thoại iPhone của vợ chồng anh Hà - chị Nhung với nội dung chính họ tự tử. Hiện Công an tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục điều tra làm rõ nguyên nhân sự việc.

ĐẶNG TRUNG
***

Xã hội giúp gì khi cá nhân bế tắc?

Vụ bốn người chết ở Thanh Hóa khó có thể hiểu hết những uẩn khúc bên trong. Tuy nhiên, những chuyện về tự tử do nợ nần, nghèo khổ, bế tắc... gần đây có vẻ xảy ra nhiều hơn. Rõ ràng đây là một vấn đề xã hội cần phải nghiên cứu.

Biểu hiện của một sự bế tắc là khi người ta không tìm được một lối thoát nào nữa. Trong vụ việc ở Thanh Hóa, nếu đúng là ông bố đã giết hại con và vợ mình thì còn nhiều hơn cả một sự bế tắc. Nó giống như một sự trả thù, một sự cảnh báo rằng đây không phải là vấn đề cá nhân. Bằng hành động đó, nó đặt ra cho xã hội những câu hỏi rất lớn đó là tại sao lại đến nông nỗi như vậy? Nó không chỉ thể hiện sự bế tắc của cá nhân mà còn hàm chứa một vấn đề mang tính xã hội.

Nói đến trách nhiệm xã hội là nói đến giáo dục kỹ năng sống cho con người. Từ tấm bé, cá nhân không được giáo dục về kỹ năng sống để biết cách ứng phó, đương đầu khi rơi vào xung đột, bế tắc. Tình huống nào cũng có cách giải quyết nhưng thiếu kỹ năng thì sẽ chỉ lựa chọn giải pháp tiêu cực nhất.

Quả thật cách để giải quyết những hiện tượng này rất khó khăn, vì nó đòi hỏi xã hội phải quan tâm đến con người, chất lượng cuộc sống chứ không phải là bề nổi như bây giờ. Chúng ta thiếu kỹ năng sống, thiếu dịch vụ tâm lý xã hội để hỗ trợ, tư vấn giải pháp giải quyết vấn đề cho những người rơi vào trạng thái bế tắc. Mạng lưới an sinh xã hội để hỗ trợ cho những người rơi vào “trạng thái đường cùng” cũng chưa thật sự tồn tại.

Theo đà phát triển của xã hội, chủ nghĩa cá nhân cũng phát triển theo. Đi kèm với những mặt tích cực thì chủ nghĩa cá nhân cũng có nhiều mặt tiêu cực, người nào cũng lo cho lợi ích của bản thân mà quên đi lợi ích của người khác. Xã hội chúng ta đã bỏ qua việc chuẩn bị nền tảng, kiến thức, dịch vụ xã hội về mặt tâm lý nên đối mặt với tình huống như thế này thì lúng túng, không biết làm như thế nào.

Trong rất nhiều thập niên, chúng ta chỉ nghĩ khoa học công nghệ, khoa học tự nhiên sẽ giải quyết được nhiều vấn đề phát triển. Nhưng con người còn có trái tim, tình cảm, có những mối quan hệ chằng chịt trong cuộc sống, từ đó nảy sinh rất nhiều vấn đề cần phải đối mặt. Ở Việt Nam chúng ta thiếu hẳn một khoa học xã hội cơ bản để nghiên cứu, tìm ra biện pháp giải quyết hữu hiệu. Đó là điều mà chúng ta còn phải trả giá cho bây giờ và nhiều năm về sau.

TS KHUẤT THU HỒNG
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội

VIẾT THỊNH ghi