Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2016

Nhìn lại các dự án thua lỗ ngàn tỉ của Bộ Công Thương

Lan Nhi

(TBKTSG Online) - Mặc dù Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã giải trình trước Quốc hội về các dự án thua lỗ ngàn tỉ do các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc bộ này đầu tư trong vòng chục năm qua nhưng chưa có một bức tranh tập hợp đầy đủ toàn cảnh các dự án tính đến thời điểm này. Đặc điểm chung của tất cả các dự án là đến nay đều đã dừng hoạt động hoặc không thể đi vào hoạt động.

Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II: 3.843 lên 8.104 tỉ đồng

Dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn II được khởi công tháng 9-2007 và theo tiến độ đề ra sẽ đi vào sản xuất tháng 5-2011. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên - công ty con của Tổng công ty Thép Việt Nam. Trong tổng mức đầu tư ban đầu là 3.843 tỉ đồng, vốn tự có của chủ đầu tư là 10%. còn lại là đi vay 90%.

Tại thời điểm phê duyệt, đây là dự án nhóm A được vay vốn ODA với lãi suất ưu đãi của Chính phủ. Tổng vốn vay của dự án này và dự án phân đạm Hà Bắc qua nguồn ODA của Chính phủ Trung Quốc là 44,2 triệu nhân dân tệ. Do đó, Tập đoàn luyện kim Trung Quốc (MCC) là đơn vị tổng thầu với giá trúng thầu gần 160,9 triệu đô la Mỹ.

Dự án có hai gói thầu chính gồm gói thầu EPC số 1 là dây chuyền công nghệ luyện kim khu vực Lưu Xá, công suất 500.000 tấn phôi thép/năm và gói thầu EPC số 2 là hạng mục đầu tư khai thác, tuyển khoáng mỏ sắt Tiến Bộ với công suất 300.000 tấn tinh quặng/năm. Gói thầu số 2 đã hoàn thành và đi vào sản xuất hồi tháng 5-2014.

Vấn đề nằm ở gói thầu số 1 còn dở dang và dừng thi công.

Ngay trong quá trình thực hiện hai gói thầu, năm 2008, trước những biến động lớn của thị trường, tổng thầu MCC đề nghị tăng giá trị gói thầu lên 134 triệu đô la, chủ yếu là tăng giá trị phần xây lắp, trong khi giá trúng thầu chỉ là gần 43 triệu đô la. Do không đạt được thỏa thuận, phía nhà thầu MCC đề nghị tách phần xây dựng và lắp đặt (phần C) ra khỏi hợp đồng EPC, để giao lại cho nhà thầu Việt Nam. Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam đảm nhận phần này.  Tuy nhiên, phía Tổng công ty Xây dựng Việt Nam cũng không hoàn thành được công việc, xuất phát từ những rắc rối giữa chủ đầu tư và đơn vị tổng thầu. Kết quả là dự án bị dừng thi công từ năm 2012 đến nay.

Tháng 9-2014, dự án này được điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư tăng thêm 4.261 tỉ đồng và Chính phủ đã đồng ý cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tham gia góp 1.000 tỉ đồng vào dự án. Vấn đề là do những vướng mắc của chủ đầu tư và MCC nên cả SCIC và các ngân hàng đều không thể giải ngân.

Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương đánh giá toàn bộ dự án, đặc biệt chú ý phương án bán dự án và kêu gọi doanh nghiệp góp vốn đầu tư. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa có lối thoát.

Xơ sợi Đình Vũ: Chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra

Dự án xơ sợi Đình Vũ do Tập đoàn Dầu khí (PVN) và Tập đoàn Dệt may (Vinatex) ký thỏa thuận hợp tác đầu tư. Trong số này, PVN chiếm 59% vốn, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo) chiếm 25%; Vinatex chiếm gần 12% và Tổng công ty cổ phần Phong Phú chiếm 4,22%. Sau đó, PVN đã mua lại toàn bộ phần vốn góp của Vinatex và Phong Phú, chiếm tỷ lệ vốn góp 74%.

Dự án có tổng mức đầu tư 325 triệu đô la Mỹ, trong đó 70% là vốn vay.

PVN thành lập Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PV Tex) để làm chủ đầu tư. Tổ hợp liên doanh nhà thầu HEC (Hàn Quốc), Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC) và LGI (Hàn Quốc) làm tổng thầu EPC. Dự án này được khởi công tháng 7-2009 và dự kiến đi vào hoạt động tháng 8-2011 nhưng bị chậm 6 tháng. Sau khi nghiệm thu sơ bộ tháng 8-2013, dự án ngừng hoạt động để thu xếp vốn lưu động và vận hành trở lại vào tháng 5-2014.

Từ năm 2014 đến đầu năm 2015, thị trường dầu khí khó khăn, dự án này bị ảnh hưởng nặng. Do vậy, PV Tex đã phải ngừng hoạt động nhà máy, rồi khởi động lại sau đó vài tháng và chính thức dừng hoạt động vào cuối tháng 5-2015.

Ngoài việc chậm tiến độ 2 năm, nhà máy xơ sợi Đình Vũ bị lỗ 1.085 tỉ đồng (năm 2014), 1.308 tỉ (năm 2015) và hiện bị âm vốn chủ sở hữu tại thời điểm hết năm 2015 là 528 tỉ đồng. Chưa kể nợ phải trả gần 7.000 tỉ đồng.

Thanh tra Chính phủ đã có kết luận hồi đầu tháng 10 vừa qua về những sai phạm tại dự án này. Tại đây có nhiều dấu hiệu cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm trong việc phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng với nhà thầu gây thất thoát lãng phí.

Trong quá trình triển khai dự án, PV Tex đã không tổ chức thẩm định, tính toán, tăng tổng mức đầu tư không đúng, ký kết các hợp đồng mua thiết bị không tuân thủ quy định, thay đổi nguồn gốc xuất xứ nhiều thiết bị dẫn đến nhà máy trục trặc kéo dài, thua lỗ.

Về hiệu quả kinh tế, thời gian thu hồi vốn của dự án nay đã là 22 năm, cao hơn tuổi thọ trung bình của dự án là 22 năm. Do đó không có hiệu quả về kinh tế.

Mặt khác, năm 2013, Chính phủ đã yêu cầu PVN phải thoái vốn khỏi PV Tex từ 56% xuống 36% nhưng Bộ Công Thương và PVN đã ra các nghị quyết đưa tỷ lệ vốn PVN tại đây từ 56% còn 54% là trái với chỉ đạo của Chính phủ.

Các sai phạm này đã được Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ qua Bộ Công an. Riêng cựu Tổng giám đốc dự án Vũ Đình Duy nay đã bỏ trốn. Còn dự án đang bế tắc về hướng giải quyết.

Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bio- Ethanol Dung Quất: Đã ngừng hoạt động

Đây cũng là dự án do các công ty con của PVN đầu tư và lập ra - Công ty cổ phần Nhiên liệu sinh học dầu khí miền Trung (BSR-BF). Vốn góp tại đây của Công ty TNHH lọc hóa dầu Bình Sơn là 61%, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) là 38,75%, Tổng công ty Dịch vụ tổng hợp dầu khí (Petrosetco) là 0,25%. Dự án này sản xuất 100 triệu lít xăng ethanol/năm, với tổng mức đầu tư 1.493 tỉ đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư, dự án đã đội vốn lên 1.887 tỉ đồng. Hiện vẫn chưa hoàn thành quyết toán do chủ đầu tư và nhà thầu chưa thống nhất tranh chấp phát sinh trong hợp đồng EPC. Tổng mức đầu tư phát sinh cũng chưa được duyệt.

Dù đi vào sản xuất từ năm 2014 song tổng sản lượng sản xuất và tiêu thụ của nhà máy thấp, khoảng 66.000 m3 ethanol.

Trong năm 2015, nhà máy chỉ vận hành 2 đợt (36 ngày), đạt 7,24% công suất thiết kế và dừng hoạt động từ tháng 4-2015 đến nay.

Thua lỗ ở dự án ethanol này như sau: 177,8 tỉ đồng (năm 2014), 231,1 tỉ  đồng (năm 2015) và hiện không còn vốn lưu động để hoạt động.

Nhà máy đạm Ninh Bình: Ngừng hoạt động

Đạm Ninh Bình do Tập đoàn Hóa chất làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư ban đầu là 397,7 triệu đô la Mỹ, Sau nhiều lần điều chỉnh, dự án đã tăng lên tổng mức 667 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, Tập đoàn Hóa chất có 100 triệu đô la vốn góp, UBND tỉnh Ninh Bình hỗ trợ 4,4 triệu đô la. Ngân hàng Eximbank (Trung Quốc) cho vay 250 triệu đô la và các ngân hàng Việt Nam khác cho vay 312,6 triệu đô la.

Dự án này khởi công tháng 5-2008 theo hình thức hợp đồng EPC do Tổng công ty thầu khoán Hoàn Cầu (Trung Quốc) làm tổng thầu. Sau khi đi vào hoạt động (tháng 10-2012), dự án gặp nhiều khó khăn do Báo cáo nghiên cứu khả thi và thực tế vận hành dự án khác xa nhau, làm chi phí sản xuất tăng cao trong khi giá bán liên tục giảm, không cạnh tranh được với các nguồn đạm khác.

Công ty không cân đối được dòng tiền, thu không đủ bù chi nên đến tháng 6-2016 đã lỗ lũy kể khoảng 2.700 tỉ đồng. Hiện dự án đã ngừng hoạt động.

Chính phủ đã chỉ đạo triển khai thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nhà máy bột giấy Phương Nam: nhiều lần chuyển chủ

Dự án này không phải do tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Công Thương làm chủ đầu tư. Ban đầu, Công ty Tradico (thuộc Bộ GTVT) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 1.487 tỉ đồng. Dự kiến sẽ sản xuât 100.000 tấn bột giấy/năm tại Long An.

Sau khi khởi công năm 2014, Tradico được chuyển về UBND tỉnh Long An. Chính phủ đã bảo lãnh khoản vay 67 triệu euro từ Ngân hàng Societe General của Pháp cho dự án và đến nay Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài (Bộ Tài chính) vẫn phải đứng ra trả thay.

Ngay từ tháng 8-2008, dự án đã tạm ngừng thi công do khó khăn về tài chính, không giải ngân được vốn và tình hình thị trường thay đổi. Từ năm 2009, dự án lại được chuyển giao cho Tổng công ty Giấy Việt Nam (Bộ Công Thương).

Dự án này đã điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 1.487 tỉ đồng lên 2.286 tỏ đồng, và sau đó Tổng công ty Giấy đã điều chỉnh lên 3.409 tỉ đồng.

Năm 2012, dự án đã chạy thử không tải nhưng không thành công do nguyên liệu đay của Long An không phù hợp với công nghệ sản xuất. Khi thuê tư vấn đánh giá lại hiệu quả thì vẫn thua lỗ với mức thua lỗ dự kiến là 455 tỉ đồng/năm (tính cả khấu hao).

Sau nhiều cuộc họp và kết luận đánh giá dự án này không có hiệu quả, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã dừng đầu tư toàn bộ dự án và tiến hành xử lý tồn tại đến nay chưa xong.