Chủ Nhật, 16 tháng 7, 2017

Tượng đài trong lòng dân sao chưa thấy khởi công xây dựng?

Trần Đại Quang - Vậy là Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình đã thống nhất và đưa đến quyết định xây dựng quần thể tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh theo hình thức đối tác công tư (PPP) với tổng vốn dự kiến khoảng 128 tỷ đồng. Thiết nghĩ, chủ tịch Hồ Chí Minh xưa nay vẫn được biết đến là một người có đức tính giản dị, khiêm nhường, vậy xây dựng những tượng đài hoành choáng thì có hợp ý Người? Và tại sao tượng đài trong lòng vẫn chưa được xây dựng?

Tượng đài kiểu “trăm hoa đua nở”

Hiện nay, chưa có một con số thống kê cụ thể số lượng tượng đài có trên cả nước, nhưng có lẽ con số đó luôn ở con số vài trăm và hầu hết đều chiếm một khoản tiền đầu tư không hề nhỏ. Thậm chí, tỉnh nghèo như Sơn La còn có “dự kiến” xây tượng đài và quần thể xung quanh với số vốn lên tới “nghìn tỷ” – cụ thể thì kinh phí dự kiến là 1.400 tỷ đồng.

Một điều mà khi nói về tượng đài, khi một tỉnh xin kinh phí xây dựng thì tỉnh khác cũng tiến hành lên dự án để đề xuất. Khi một tỉnh xây xong tượng đài có một vài cái nhất như “to nhất; đẹp nhất; oai nhất; hoành tráng nhất; nhiều kinh phí nhất;…”, thì tỉnh khác sẽ phải xây một cái để phá “kỷ lục” kiểu “hơn – thua” và từ đó tạo nên một phong trào kiểu “trăm hoa đua nở”. Cho nên, từ tượng đài 1 vài tỷ, thì đến nay con số đã lập kỷ lục đến cả nghìn tỷ đồng. Thậm chí, không riêng tỉnh, huyện mà “nếu có thể” thì xã cũng cố gắng “xin kinh phí nhà nước” để xây tượng đài.

Theo một số ý kiến chuyên gia thì cũng không quốc gia nào có số tượng đài xây dựng nhiều bằng kinh phí nhà nước như ở Việt Nam, mà đa phần đều là kinh phí trên sự đóng góp tự nguyện. Điển hình như tượng đài George Washington ở Mỹ (1848 – 1884); tượng đài Bismarck ở Đức ( 1868); tượng đài kỷ niệm chiến tranh Nam Phi (1904), tại Adelaide thủ đô Nam Úc Australia; tượng chúa Ky Tô Cứu Thế (1931) ở Brazil;… Mỗi một tượng đài được dựng lên đều mang tinh thần của nhân dân, còn ở Việt Nam con số tượng đài được xây dựng bằng vốn đóng góp gần như rất ít, đơn cử như tượng đài 10 nữ Thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc. Do Bộ Giáo dục và Đào tạo và phong trào phát động của trường Đại học Ngoại thương, các cán bộ, công chức Hải quan là cựu sinh viên trường đóng góp xây dựng.

Bên cạnh đó, lý do mà các địa phương tiến hành xây dựng tượng đài nhiều đến như vậy là gì? Chắc hẳn chúng ta đều biết vụ rút ruột khi xây tượng đài Điện Biên Phủ; nền gạch vỡ vụn khi chưa khánh thành tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng ở Quảng Nam; hay tượng đài ở ngã ba Đông Triều (Quảng Ninh) khi bị sét đánh mới thấy chất lượng công trình kém đến mức nào…

Tượng đài trong lòng dân trường tồn mãi mãi

Các cụ có câu: “Thương dân, dân lập đền thờ/Hại dân, dân đái ngập mồ thối xương”, đã phần nào thể hiện được giá trị truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… và các vị anh hùng, mẹ Việt Nam anh hùng vốn xưa nay chưa phai nhạt trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Cho nên, việc xây dựng tượng đài các mẹ Việt Nam anh hùng là nghĩa cử cao đẹp của dân tộc, nhưng điều quan trọng mà chúng ta còn thiếu đó là việc quy hoạch xây dựng như thế nào? và ra làm sao? để thể hiện được cả tinh thần dân tộc trong đó.

Tôi còn nhớ, khi báo chí rầm rộ đưa tin về việc Sơn La chuẩn bị lên kế hoạch xây dựng tượng đài bác Hồ với nguồn kinh phí lên tới 1.400 tỷ đồng, thì cũng là lúc tôi được học môn Tư tưởng Hồ Chí Minh. Thầy dạy bộ môn này của chúng tôi là một giảng viên khá lớn tuổi ở Học viện Báo chí – Tuyên truyền, lớp chúng tôi có tranh luận về vấn đề này thì thầy có nói: “Hồi còn sống, các cán bộ cũng đề xuất xây dựng tượng đài Bác, nhưng thấy Bác ngăn cản ngay. Mà ý kiến của Người là muốn dành toàn bộ số tiền đó để xây nhà thương, trường học đáp ứng nhu cầu cuộc sống hằng ngày cho mọi người. Nhưng cũng có một lần duy nhất Người đồng ý cho xây dựng tượng đài là ở huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh), bởi gắn với chủ quyền lãnh thổ của đất nước”.

Việc xây dựng tượng đài chủ tịch Hồ Chí Minh như phong trào hiện nay, đã phần nào làm trái với quan điểm của Bác. Chúng ta vẫn hay nói câu “Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”, thế thì những tượng đài hàng trăm, hàng nghìn tỷ kia sẽ sống ở đâu? Hay chỉ đứng nắng, chịu mưa và cho những người tham quan đến chụp một vài tấm hình lưu niệm?

Hiện nay, ở nhiều nơi trong cả nước nếu có cơ hội tiếp xúc với các gia đình ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ hay đơn cử như tỉnh Hà Tĩnh thì sẽ thấy rất nhiều gia đình có thủ tục thờ cúng Bác trong gia đình. Thậm chí ở Tây Nam Bộ, người dân mỗi địa phương nơi này còn đóng tiền để lập đền thờ Bác.

Chính cán bộ sẽ là tượng đài trong lòng dân

Bằng những cống hiến của cá nhân cho sự phát triển chung của xã hội, giúp nâng cao đời sống của quần chúng nhân dân, sẽ là cánh cửa cơ hội cho cán bộ được nhân dân yêu mến. Trong xã hội hiện nay, không phải là người cán bộ nào cũng rời xa quần chúng, mà có rất nhiều người được nhân dân địa phương tính nhiệm, ưu ái lựa chọn trong mỗi lá phiếu bầu cử.

Điển hình trong câu chuyện này tôi muốn nhắc tới đó chính là ông Nguyễn Bá Thanh – Nguyên Bí thư Thành ủy thành phố Đà Nẵng. Tại thành phố này, mỗi người dân khi nhắc tới cái tên Nguyễn Bá Thanh thì họ sẽ nói đó là niềm tự hào của nơi này. Nhờ phần nào đóng góp của ông mà Đà Nẵng đã dần được du khách thập phương biết đến thành phố đáng sống nhất của cả nước, một trong 20 thành phố sạch nhất của cả nước. Tất nhiên, ở đây đều có đóng góp của người dân Đà Nẵng, nhưng ý tôi muốn nói đến người đứng đầu của bộ máy, làm nhiệm vụ “lái mái trèo trên một con thuyền”.

Khi ai đó phương xa đến đây và hỏi ông Nguyễn Bá Thanh có những đóng góp gì, thì chắc hẳn sẽ nhận được một loạt các câu trả lời như: Con người “dám nói, dám làm”; đề án 89 đưa cán bộ trẻ về phường, xã; “thai nghén ý tưởng Bệnh viện Ung thư lớn nhất miền Trung; cuộc nói chuyện với hơn 1.000 cán bộ tại cung Tiên Sơn; “di sản” 5 không, 3 có (không hộ đói, không người lang thang xin – có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn minh đô thị)… Và còn không biết bao nhiêu ấn tượng được ghi dấu trong lòng dân Đà Nẵng về người lãnh đạo này.

“Thương dân, dân lập đền thờ”, vậy nên hãy để nhân dân được chọn vị anh hùng mà họ muốn xây dựng. Chỉ có tượng đài trong lòng dân là được trường tồn mãi mãi. Những kinh phí và ngân sách mà dự kiến xây dựng tượng đài, sẽ giải quyết được nhiều vấn đề cấp thiết hiện nay hơn là xây kiểu phong trào như vậy.

CTV Chắp bút