Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2016

Hà Nội trồng cây dưới gầm đường sắt trên cao: Lãng phí?

Xuân Hòa

Đất Việt - ''Có đúng không khi mà cây được trồng bị hạn chế quá trình sinh trưởng, không được phát triển theo quy luật tự nhiên vốn có của nó.''

Ngay dưới gầm công trình đường sắt trên cao tuyến Cát Linh – Hà Đông bỗng dưng xuất hiện hàng trăm cây bàng lá nhỏ vừa được trồng mới. Những cây này có chiều cao khoảng 7-8m, đường kính thân chừng 15-25cm.

Trong khi trước đó, để phục vụ xây dựng đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, hàng chục cây xà cừ với đường kính gốc gần hai người ôm trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) đã bị chặt bỏ.

Ngoài ra, để phục vụ việc thi công ga số 8 thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị, UBND TP Hà Nội đồng ý chủ trương để Sở Xây dựng chặt hạ, di dời 35 cây xanh khu vực đường Cầu Giấy (khu vực trước cổng Đại học Giao Thông Vận Tải).

Lý do được đưa ra là để  đảm bảo an toàn trong thi công tuyến đường sắt trên cao cũng như lúc đưa vào vận hành.

Chính điều này đã khiến không ít người dân thắc mắc rằng, nếu trước đây đã xác định chặt cây để đảm bảo an toàn cho tuyến đường sắt đô thị thì nay lại trồng cây (thân gỗ) ngay dưới chân công trình nửa tỷ đô này để làm gì?

Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Quốc Khánh, chuyên gia cây xanh cho biết, bàng lá nhỏ hay còn gọi là bàng Đài Loan, được trồng phổ biến ở trong miền Nam, gần đây được trồng nhiều ở các đô thị phía Bắc trong đó tập trung chủ yếu ở Hà Nội.

''Loại cây này ưa sáng, tán đẹp, xanh quanh năm. Một cây trưởng thành có chiều cao từ 20 - 30 mét. Tôi băn khoăn 1 điều rằng khi cây phát triển ngọn của nó sẽ chạm trần của cầu vượt đường sắt trên cao, cây sẽ bị héo ngọn, ảnh hưởng hưởng đến sinh trưởng của cây.'' ông Khánh băn khoăn.

Trong khi đó trao đổi với Dân Trí, ông Vũ Kiên Trung – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho biết:

''Việc triển khai trồng cây xanh dưới gầm đường sắt trên cao tại phố Yên Lãng, Hoàng Cầu là chủ trương của UBND TP Hà Nội và đã được Sở Xây dựng Hà Nội phê duyệt. Chúng tôi sẽ chăm sóc những cây này cẩn thận, đồng thời khống chế chiều cao, do đó sẽ không lo ảnh hưởng đến công trình đường sắt trên cao.''

Còn ông Nguyễn Xuân Hưng – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội thì khẳng định, mục đích của việc trồng hàng trăm cây xanh nói trên là nhằm tạo ra cảnh quan đô thị xanh – sạch – đẹp trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.

Về vấn đề này, vị chuyên gia cây xanh đặt ra câu hỏi: ''Có đúng không khi mà cây được trồng bị hạn chế quá trình sinh trưởng, không được phát triển theo quy luật tự nhiên vốn có của nó. Hà Nội sẽ cắt tỉa nhưng việc này sẽ phải làm thường xuyên, rất phiền phức và tốn kém.''

Bản thân ông Khánh cũng đặt ra câu hỏi rằng, trước đó để đảm bảo an toàn cho công trình đường sắt trên cao Hà Nội đã chặt nhiều cây cổ thụ vậy tại sao giờ lại trồng thêm cây ngay dưới công trình, liệu có an toàn không?

''Đúng ra trước khi chặt hạ 500 cây xanh UBND TP. Hà Nội nên có chủ trương thông báo đến tất cả người dân biết được quy trình việc cần làm. Công khai mục đích của việc làm này, phương án thay thế để đảm bảo số lượng cây xanh/1 người dân theo quy định cụ thể như thế nào. Chặt rồi trồng lại, thực sự rất lãng phí.'' vị  chuyên gia chia sẻ.
***

Báo Doanh Nghiệp Việt Nam dẫn lời của GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Môi trường Đô thị và Công nghiệp cho biết:

''Tôi có tham gia Hội đồng Thẩm định đánh giá tác động môi trường đường sắt trên cao, hoàn toàn không có một câu nào trình bày của chủ dự án và tư vấn là sẽ phải chặt tất cả những hàng cây của đường Nguyễn Trãi hay đường Bưởi''.