TPO - “Trong việc đề bạt cán bộ, những người có trách nhiệm và những người công tác tại các đơn vị để xảy ra dấu hiệu lãng phí nhiều tại các dự án trên hiện đã luân chuyển đi đâu, làm gì”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị làm rõ trách nhiệm người đứng đầu.
Sáng 15/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến Báo cáo tình hình thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015.
Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu rõ, việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) có lúc, có nơi còn để xảy ra lãng phí, kỷ luật tài chính chưa nghiêm.
Bên cạnh đó, bộ máy nhà nước còn cồng kềnh không chỉ gây kém hiệu quả mà còn là gánh nặng của chi NSNN. Tỷ lệ chi thường xuyên trong tổng chi NSNN lớn (67,7%).
Uỷ ban thẩm tra cũng chỉ rõ một số dự án cụ thể gây lãng phí, thất thoát trong lĩnh vực xây dựng cơ bản như: Bảo tàng Hà Nội, qua gần 5 năm đi vào hoạt động, hiệu quả sử dụng rất thấp; dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 trên 8.000 tỷ đồng vẫn “đắp chiếu” sau gần 10 năm thực hiện; ký túc xá sinh viên tại Hà Nội và một số tỉnh thành không có sinh viên sử dụng...
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Bà Lê Thị Nga phản ánh thực trạng dư luận nêu một số dự án gây lãng phí như: Nhà máy tơ sợi Đình Vũ ở Hải Phòng; Nhà máy Gang Thép Thái Nguyên; Nhà máy Đạm Ninh Bình và một nhà máy Ethanol ở miền bắc...
Bà Nga cho rằng, cần báo cáo cụ thể về các dự án này, xem rõ trách nhiệm người đầu tư, người đứng đầu. “Trong việc đề bạt cán bộ, những người có trách nhiệm và những người công tác tại các đơn vị trên hiện đã luân chuyển đi đâu, làm gì khi để xảy ra dấu hiệu lãng phí nhiều tại các dự án trên”, bà Nga kiến nghị.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị báo cáo cần tập trung vào những vấn đề nổi cộm gây lãng phí mà dư luận xã hội quan tâm, chỉ rõ địa chỉ, tránh nêu chung chung là “một số địa phương, một số nơi”, dẫn đến chưa thấy rõ được trách nhiệm.
Ông Uông Chu Lưu cho rằng, việc lãng phí trong việc thực hiện chủ trương thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần làm rõ hơn. Chẳng hạn việc cổ phần Xưởng phim truyện Việt Nam, cần làm rõ khi cổ phần hóa việc xác định giá trị của xưởng phim thế nào, đất thế nào, nhà cửa thế nào, thương hiệu thế nào…
Bà Lê Thị Nga cũng đề nghị làm rõ tại sao đến nay đề án vị trí việc làm vẫn chưa được hoàn thành, còn đang tắc ở đâu? Nếu không hoàn thành được đề án này thì không thể giải quyết được tình trạng cồng kềnh của bộ máy, giúp tiết kiệm, tránh lãng phí ngân sách.
Đề cập đến vấn đề xe công, theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền, cần công khai hóa về tiêu chuẩn định mức sử dụng xe công đối với cán bộ, công chức để nhân dân giám sát.
Cũng đề cập đến vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho rằng, cử tri và nhân dân rất quan tâm đến vấn đề sử dụng sai nguyên tắc, trên định mức với những tài sản như xe công và các mức chi tiêu trong hoạt động công vụ.
Tuy nhiên cũng có nhiều đơn vị, như ở Quốc hội 50% cán bộ sử dụng tài sản công vụ dưới định mức. Việc này nên đưa vào báo cáo, không phải để khen thưởng nhưng sẽ tạo ra bức tranh đầy đủ để Quốc hội và cử tri rõ.