MTG - Điều đáng buồn, “biểu tượng” chưa kịp ghi dấu vào lòng người thì đã mau chóng bị hạ bệ. Mới khánh thành tháng 9.2014 đến nay, chỉ gần tròn 2 năm chứ đã lâu dài xa xôi gì. Hải đăng đang mờ dần và sắp tắt. Cánh buồm yếu gió xếp lại như một kỷ niệm buồn.
Tưởng chuyện đùa nhưng đó là chuyện thực. Thực trăm phần trăm. Những người theo chủ nghĩa hoài nghi cũng không cần phải nghi ngờ gì nữa bởi chuyện như đùa này được chính những người ngồi ghế cao nhất trong bộ máy lãnh đạo ở Đà Nẵng xác nhận.
Chả là sáng 11.8 Hội đồng nhân dân TP.Đà Nẵng họp. (Đây là ngày họp cuối của kỳ họp diễn ra từ 9.11) đã nóng lên ngay. Một vị dân biểu đồng thời là quan chức, ông Trần Văn Trường – Bí thư Huyện ủy Hòa Vang chất vấn, nêu ra thông tin việc thành phố này định bỏ không dùng tòa nhà trung tâm hành chính công đang sử dụng để đi chỗ khác. Một thông tin khiến rất nhiều người, ngay cả cán bộ ở Đà Nẵng, sững sờ, không tin vào tai mình. Một “sĩ quan” cấp cao của thành phố như ông Trường mà nói ra tức là có cơ sở. Đặt trường hợp, nếu ông Bí thư Hòa Vang không phát lộ ý kiến thì cuộc họp có thể sẽ lại êm đẹp, yên bình như bao cuộc họp khác lâu nay.
Phải nói ngay rằng, tòa nhà “hải đăng - cánh buồm” cực kỳ hoành tráng và hiện đại ấy khi đang thi công, khi hoàn thành, khi đưa vào sử dụng đều được gắn mác ca ngợi “biểu tượng của thành phố ven sông Hàn”, trở thành thứ đáng để ý, thu hút nhất ở “thành phố đáng sống”. Còn gì nữa, nó cao 34 tầng chưa kể 2 tầng hầm, thiết kế hiện đại, ngốn gần hết 2.000 tỉ đồng, là nơi tụ hội làm việc của hầu như toàn bộ các cơ quan hành chính đầu não của thành phố. Tôi còn nhớ hồi tháng 9.2014 đại công sở được đưa vào sử dụng, báo chí khen ngợi rầm trời, người dân sở tại nhìn những người hằng ngày ra vào “biểu tượng” với con mắt ngưỡng mộ, thán phục.
Điều đáng buồn, “biểu tượng” chưa kịp ghi dấu vào lòng người thì đã mau chóng bị hạ bệ. Mới khánh thành tháng 9.2014 đến nay, chỉ gần tròn 2 năm chứ đã lâu dài xa xôi gì. Hải đăng đang mờ dần và sắp tắt. Cánh buồm yếu gió xếp lại như một kỷ niệm buồn. Nếu ý định của ban lãnh đạo Đà Nẵng biến thành hiện thực, tức là quyết chí không xài nó làm trung tâm đầu não của thành phố nữa, dẫu nó có còn sừng sững đó cũng chỉ làm nhiệm vụ chứng tích gợi lại một thời nông nổi cạn hẹp.
Vì sao ra nông nỗi? Cứ theo lời hai vị cấp cao của Đà Nẵng, tòa nhà… có vấn đề. Dẹp mọi lời xì xào này nọ, cứ theo nguồn chính thống cũng đủ khiến dư luận băn khoăn. Ông Đặng Việt Dũng – Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng trả lời dân biểu Trường và các vị trong cuộc họp rằng tòa trung tâm hành chính hiện đại này tuy đã phát huy được nhiều thế mạnh nhưng nó… nóng quá, đặc biệt là thiếu oxy, ảnh hưởng đến sức khỏe của cán bộ. Thật không ngờ. Oxy là sự sống, thiếu oxy thì toi, một tòa nhà chi phí vào đó gần 2.000 tỉ mà lại thiếu oxy, chả hiểu làm sao cho cái sự thiết kế có một không hai này. Mà ngược đời ở chỗ, cao sừng sững như thế, lại ngự ngay bờ sông Hàn lộng gió, thứ tài sản thiên nhiên quý giá ưu đãi này không phải nơi đâu cũng có, vậy mà thiếu… oxy. Theo ông Dũng, UBND thành phố đã chỉ đạo ban quản lý tòa nhà phải khắc phục cho được các tồn tại này, như bơm khí tươi vào, đảm bảo điều kiện thuận lợi cho anh em làm việc. Thầm nghĩ, một trăm nhà văn hài hước bậc nhất như Azit Nexin cũng không thể viết được chuyện như đùa của những người thích đùa tầm cỡ siêu như thế.
Cứ như ông Dũng và ông Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh, lãnh đạo thành phố cũng tính đến chuyện di dời để đảm bảo sức khỏe cho cán bộ. Đúng là sức khỏe cán bộ phải đặt lên hàng đầu, nhưng để cán bộ khỏe thì phải di dời, xây chỗ khác, tòa dinh thự hoành tráng khác, vậy chỗ thiếu oxy đó bắt ai thở. Chả nhẽ chỉ có mình thích khỏe, muốn khỏe, muốn thở đủ oxy, còn thiên hạ thì không. Còn nếu sửa chữa được cho nó có đủ oxy, dù tốn kém, sao không sửa để dùng tiếp mà lại nhấp nha nhấp nhổm đòi bay nhảy. Hay là đằng sau chuyện này còn có điều gì chưa tiện nói ra, chứ không phải chỉ là khó thở. Hay là tốn kém ngân sách ư, dào, chuyện nhỏ.
Tôi không có chuyên môn về kiến trúc, xây dựng nên không dám hà lạm bàn sâu vào lĩnh vực này. Nhưng tôi ngạc nhiên một công trình kiến trúc tầm cỡ quốc gia, thậm chí khu vực, hiện đại thế, ngay trong thời buổi khoa học kỹ thuật siêu việt mà lại bộc lộ điểm yếu cực kỳ ngu ngơ: thiếu dưỡng khí. Nói không ngoa, mọi người cứ chịu khó để ý mà xem, những công trình kiến trúc (dinh thự, công sở, cơ sở giáo dục - y tế) thời thuộc Pháp được xây dựng cách nay cả trăm năm, ngoài độ bền vững trơ trơ cùng tuế nguyệt, ngoài vẻ đẹp sang trọng kinh điển, nét thẩm mỹ tuyệt vời… còn rất hiệu dụng. Đó là những kiến trúc kiểu Pháp thuộc địa (tức là kiến trúc Pháp nhưng phù hợp với hoàn cảnh xứ thuộc địa, cụ thể ở nước ta xứ nhiệt đới) rất ấn tượng. Tôi từng có thời gian sống trong loại nhà ấy, mùa hè nắng nóng thì bên trong lại rất mát mẻ, khi trời chuyển sang mùa đông thì lại ấm áp hơn bên ngoài. Nhà thiết kế lẫn chủ đầu tư cốt cho ra sản phẩm phục vụ đắc lực cho người sử dụng đến từng li từng tí chứ không nhằm đạt hoành tráng biểu tượng này nọ. Không cốt thành biểu tượng mà lại cực kỳ biểu tượng, như tòa nhà Phủ chủ tịch nước, trụ sở Bộ Ngoại giao, Bảo tàng lịch sử ở Hà Nội bây giờ, tòa nhà Bưu điện, trụ sở UBND thành phố ở Sài Gòn bây giờ; còn cố ý biến thành biểu tượng thì nay mới “ba bảy hai mốt” ngày đã định vội vàng tháo chạy.
Xung quanh tòa nhà biểu tượng này sẽ còn nhiều điều để bàn, chỉ có điều, đúng là chuyện như đùa bên sông Hàn.