Thứ Ba, 4 tháng 7, 2017

Tôn Ngộ Không bị nhốt ở Đà Nẵng (?!)

Trịnh Đình Nghi

CSTC - "Trước đây tôi đọc thì tôi chưa nghĩ, chưa biết ngọn núi Ngũ Hành. Bây giờ xem phim "Tôn Ngộ Không" thì tôi hình dung cũng có thể trước đây - cách đây hơn 500 năm Tề Thiên Đại Thánh có khi bị đè ở trong ngọn núi Ngũ Hành ở Ngũ Hành Sơn". Đó là phát biểu của ông Võ Văn Thương, Bí thư Quận ủy Hải Châu - Đà Nẵng tại kỳ họp lần thứ 14 khoá 8 (2011-2016).

Không sốc mới là lạ, một ông Bí thư Quận ủy mà đưa ra ý tưởng xây dựng khu văn hóa tâm linh như thế này: "Sắp tới chúng ta kêu gọi đầu tư Dự án khu công viên văn hóa tâm linh Ngũ Hành Sơn. Mà tôi nhớ không nhầm là trước đây, hồi trước giải phóng, có tiểu thuyết "Tề Thiên Đại Thánh".

Ông Thương còn khẳng định thêm: "Bây giờ xem phim "Tôn Ngộ Không" thì tôi hình dung cũng có thể trước đây - cách đây hơn 500 năm Tề Thiên Đại Thánh có khi bị đè ở trong ngọn núi Ngũ Hành ở Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng)". Trời ạ ! Nói như thế thì trước đây Đà Nẵng thuộc Trung Quốc à ông Bí thư Quận ủy? Thật không thể hiểu nổi! 

Đã thế ông còn đề nghị ông Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT và DL): "Khách du lịch Trung Quốc đến đây rất là nhiều, nếu bây giờ đề nghị Giám đốc Sở tìm lại cuốn sách "Tề Thiên Đại Thánh" thì tôi tin chắc rằng hình vẽ đó giống y năm ngọn núi Ngũ Hành".

Phát biểu của ông Bí thư Quận ủy đã gây "sốc" cho các đại biểu HĐND thành phố. Có đại biểu còn bịt mồm cười (giấu tên, chắc cùng quận) nói rằng: "Tôi không hiểu sao ông ấy lại có cái suy nghĩ liên tưởng như vậy".

Thưa ông Bí thư Quận ủy,  theo sách “Tây Du Ký” của Ngô Thừa Ân thì con khỉ Tôn Ngộ Không là nhân vật không có thật, núi Ngũ Hành Sơn trong “Tây Du Ký” cũng là do Ngô Thừa Ân nghĩ ra, vì Phật tổ muốn nhốt con khỉ ấy theo yêu cầu của thiên đình nên Phật xòe bàn tay của mình bảo Tôn Ngộ Không nhảy lên rồi úp bàn tay xuống, thế là thành năm ngọn núi nhốt con khỉ Tôn Ngộ Không trong đó. 

Còn danh thắng Ngũ Hành Sơn nằm cách trung tâm Đà Nẵng khoảng 8km về phía Đông Nam, thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng thì còn có tên gọi là núi Non Nước với 5 ngọn núi đá vôi nhô lên trên một bãi cát ven biển, trên một diện tích khoảng 2km2 gồm: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn (lớn, cao và đẹp nhất), Hỏa Sơn và Thổ Sơn. Núi Non Nước gắn liền với truyền thuyết rùa nhờ ấp trứng từ thời văn hóa Champa ông nhá, ông về đọc lại đi.

Bởi nghe câu chuyện nực cười, tưởng đùa nhưng có thật này, muốn chia sẻ với ông một điều, Việt Nam ta nếu nói về văn hóa tâm linh thì ngoài tứ bất tử ra không thiếu gì thần thánh linh thiêng, nếu nói về lịch sử thì chúng ta không thiếu những danh nhân, những anh hùng. Và nếu nói về văn hóa ngàn năm chúng ta có biết bao nhiêu điển tích văn hóa, trong đó có cả văn hóa tâm linh. Ngay như núi Non Nước (Ngũ Hành Sơn) đó, thì truyền thuyết rùa nhờ ấp trứng và nhiều truyền thuyết khác nữa, nhưng chắc chắn không có câu chuyện Tôn Ngộ Không bị đè ở đây. Ông cần đọc lại, nghiên cứu lại văn hóa tổ tiên mình cho kỹ,  đừng đi "rước bát hương" nhà hàng xóm về thờ theo kiểu mượn thánh thần như sở thích sính hàng ngoại.

Văn hóa là mục tiêu, là động lực của phát triển. Những năm gần đây, đường lối, chủ trương của Đảng và cơ chế chính sách của Nhà nước về phát triển văn hóa nói chung và văn hóa tâm linh nói riêng đã rất được coi trọng, quan tâm và thông thoáng. Văn hóa cũng là cốt lõi, là linh hồn, là cốt cách, tư thế và niềm tự hào của một dân tộc. Hiện nay có không ít những cá nhân, doanh nghiệp tư nhân xây chùa để kinh doanh, xây dựng các khu du lịch tâm linh để làm thương mại một cách tùy tiện, bá đạo, lai tạp, vay mượn đã và đang làm méo mó dị dạng và mất đi bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.

Giữ gìn, xây dựng và phát triển văn hoá phải dựa trên nền tảng truyền thống tốt đẹp và phải bằng những con người hiểu biết về văn hoá. Văn hóa không thể tính toán qui ra và đánh đổi bằng tiền, càng không thể vì lý do kinh tế mà bất chấp hậu quả. Khủng hoảng kinh tế có thể khắc phục trong một thời gian ngắn nhưng khủng hoảng văn hoá thì phải mất một thời gian dài, có khi hàng thế hệ mới khắc phục được. Vì vậy nó cần được ngành chức năng có chỉ đạo sát sao, sự thẩm định kỹ càng và quản lý chặt chẽ tránh tình trạng lệch lạc khi sự việc đã rồi.

Câu chuyện và ý tưởng của ông Bí thư Quận ủy Hải Châu - Đà Nẵng có thể chỉ như một "sự cố" phát ngôn, nhưng qua đó thấy rằng: Nhận thức và hiểu biết về lịch sử và văn hóa là vô cùng quan trọng, nhất là đối với những người làm công tác lãnh đạo quản lý văn hóa. Một ý tưởng ngây ngô nực cười như vậy, chắc chắn không bao giờ nhận được sự đồng tình của nhân dân, những người yêu và thấm nhuần văn hóa Việt, nhưng nó là “bia miệng” để đời nhắc nhở rằng, một khi nhân dân đã bầu anh vào vị trí nào đó, hãy cố gắng mà thể hiện sự hiểu biết của mình bằng những phát ngôn chuẩn mực.