Thứ Ba, 4 tháng 7, 2017

Không thể tin chuyện bác sĩ mở mồm là tiền

ANH ĐÀO

LĐO - Hãy cẩn trọng trước những dòng tin "bác sĩ từ chối cấp thuốc chống phơi nhiễm HIV"! Bởi điều đó vừa rất khó để xác nhận, vừa làm tổn hại kinh khủng đến thanh danh của những người đang ra sức cứu người ngoài kia.

Bạn còn nhớ cái tên Carlo Urbani không?

Năm 20xx, qua chị Hảo ở Tổ chức Y tế thế giới, tôi được nhìn thấy phần nào về người bác sĩ vĩ đại này. 

Khi dịch SARS bắt đầu lan tới Việt Nam, Carlo Urbani từ Italia bay sang VN ngay. Và nơi đầu tiên ông tới là BV Việt Pháp. Carlo ngay lập tức nhận ra sự bất thường trong ca viêm phổi này và cảnh báo ngay cho WHO, đồng thời cùng Bộ Y tế Việt Nam thúc đẩy việc lập hàng rào cách ly ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Bấy giờ, dịch SARS, khởi phát từ Hong Kong đã lây lan qua 37 quốc gia, vùng lãnh thổ. Những bệnh nhân SARS nhanh chóng suy hô hấp, suy đa phủ tạng và tử vong. Không khí hoảng loạn bao trùm toàn thế giới. Các nhà ga, khu chợ, các trường học phải đóng cửa. Mặt hàng bán chạy nhất là những chiếc khẩu trang. 

Carlo cũng được cảnh báo sự nguy hiểm. Ông có quyền và có lý do để về nước. Nhưng không bận tâm, ông thường xuyên túc trực bên giường bệnh, an ủi động viên và tìm cách chữa trị cho bệnh nhân. Là một chuyên gia bệnh truyền nhiễm, bằng những nghiên cứu đầu tiên của mình ở Việt Nam, Carlo đã giúp các đồng nghiệp nhanh chóng xác định virus gây bệnh.

Có một câu khi ấy Carlo đã nói với vợ, và thông điệp của nó vượt qua những tâm sự cá nhân để giống như là tuyên ngôn của những người thầy thuốc: "Nếu không đến với bệnh nhân thì anh đến đây để làm gì!"

Phản xạ của một người dân khi thấy máu me và tật bệnh nguy hiểm là tránh cho mau, tránh cho xa. Tuy nhiên đối với một bác sĩ lại hoàn toàn khác. Họ sẽ ngay lập tức lao đến với những phản xạ mang tính nghề nghiệp, với cả trách nhiệm, niềm đam mê và cả lương tâm nữa.

Trở lại vụ bác sĩ từ chối cấp thuốc chống phơi nhiễm HIV vừa diễn ra. Tôi không có ý nghi ngờ người dân đã đưa ra chi tiết này. Ông chẳng có lý do gì để làm việc đó. Huống chi đó chính là người đã dùng xe cá nhân để cấp cứu người bệnh. Nhưng chuyện bác sĩ từ chối cấp thuốc phơi nhiễm chỉ vì "thuốc chỉ cấp cho người làm nhiệm vụ", nếu muốn thì "phải 5 triệu"- nghe khó tin quá. 

Khó tin ở chỗ một liều thuốc phơi nhiễm đắt nhất cũng không tới 1 triệu! Con số 5 triệu trong trường hợp này chỉ có thể hiểu hoặc bác sĩ lợi dụng hoạn nạn, khẩn cấp "bóp hầu bóp cổ" dân hoặc là chi tiết bịa mà không biết đường bịa.

Khó tin còn ở việc xưa nay thuốc chống phơi nhiễm gần như free chứ đâu phải quý hiếm đắt đỏ khó tìm đến mức có thể lợi dụng.

Có thể, trong ngành y vẫn có những bác sĩ từ chối bệnh nhân, có thể, có những bác sĩ kiếm chác trên đau thương người bệnh. 

Nhưng tôi không tin câu chuyện này. Cũng như không tin phản xạ nghề nghiệp của các bác sĩ ta đã thay đổi, đã biến chất đến mức mở mồm là tiền, thay vì "đến bên người bệnh" như tuyên ngôn của Carlo.