(TBKTSG) - Bàn thêm về trách nhiệm xã hội của “đại gia” nói riêng và doanh nhân nói chung nhân đọc bài Trách nhiệm xã hội của đại gia đăng trên TBKTSG số ra ngày 22-9-2016 và sách Thư gửi quý nhà giàu Việt Nam của tác giả Nguyễn Xuân Xanh.
Trong lịch sử nhân loại có hai quan điểm trái chiều về lao động. Thứ nhất, lao động là phương tiện phục vụ cuộc sống, thứ hai lao động có mục đích và giá trị tự thân (của việc lao động).
Theo quan điểm thứ nhất, lao động là không bắt buộc về đạo đức. Đối với những người giàu có, do thừa kế hoặc sau khi đã trở nên giàu có, họ không nhất thiết phải lao động. Trong xã hội có người thích nhà lầu, xe hơi, thích đi du lịch, hưởng thụ, song cũng có những người... chỉ thích ngắm hoàng hôn. Những người có nhu cầu khác nhau sẽ có những mức độ đòi hỏi khác nhau về lao động.
Theo quan điểm thứ hai, lao động là bắt buộc và có tính liên tục, lao động là vinh quang, nghề nghiệp là thiên chức của con người. Đi cùng với nó là tinh thần tiết kiệm vì lao động không phải để hưởng thụ, lãng phí không chỉ ngu ngốc mà còn làm xao lãng nghĩa vụ ta được sinh ra để làm.
“Lao động vì vinh quang của Thiên Chúa” là niềm tin đã xuất hiện và trở thành thái độ phổ biến trong giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của chủ nghĩa tư bản phương Tây. Hệ quả của thái độ lao động như thế của cả chủ, cả tớ là sự giàu có. Cùng với tiết kiệm hiển nhiên đã trở thành động lực mạnh mẽ cho phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Quan điểm “Lao động vì vinh quang của Thiên Chúa” cũng không đòi hỏi con người phải chia sẻ tài sản của mình với người khác.
Với tinh thần ấy, một doanh nghiệp phương Tây được lập ra. Nó vốn không được lập ra chỉ để mang lại chút lợi nhuận hòng bảo đảm một cuộc sống sung túc cho người chủ, đừng nói đến chuyện vì cộng đồng hay này nọ. Những lợi ích mà doanh nghiệp đem lại cho cộng đồng một cách vô tư, nếu có, sẽ chỉ là tình cờ. Tình cờ theo nghĩa nằm ngoài dự định của chính doanh nhân (nhưng thực ra theo các học thuyết về quy luật thị trường thì lợi ích mà doanh nghiệp đem lại cho cộng đồng là tất yếu chứ không “tình cờ”).
Đáng tiếc là thái độ đối với lao động và tiết kiệm kiểu tư bản chủ nghĩa không có sức sống lâu bền. Đồng tiền có sức cám dỗ khủng khiếp, nhưng đối với số đông, tiêu dùng và hưởng thụ cuộc sống còn có sức cám dỗ nhiều hơn nữa. Trong một xã hội dân chủ, khi số đông ngày càng có nhiều tiếng nói, sự biến thái của chủ nghĩa tư bản dân sự sang kiểu nhà nước phúc lợi ở châu Âu đã diễn ra. Lịch sử chưa lùi đủ xa để khẳng định sự biến thái này là suy thoái hay tiến hóa, song sự lình xình kinh tế của châu Âu nói riêng và của cả thế giới nói chung trong thập kỷ qua dần hiện rõ là kết quả tất yếu của quá trình này. Người châu Âu đã bớt yêu lao động đi nhiều. Mỗi ngày làm việc bảy giờ, mỗi tuần bốn ngày rưỡi, một năm có ít nhất sáu tuần nghỉ phép từ lâu đã trở thành tiêu chuẩn. Trừ trường hợp của nước Đức, họ không tự nhiên trở thành đầu tàu kinh tế của châu Âu hiện nay mà thực ra Đức đã cải cách thị trường lao động hai thập kỷ trước khi Pháp và phần còn lại chậm chạp chuyển mình.
Trông người lại ngẫm đến ta. Gần đây, chúng ta hay nhắc tới trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, doanh nhân... Bằng nhiều câu chuyện đẹp, chúng ta ca ngợi tấm lòng bác ái của những đại gia Âu - Mỹ. Nhưng chúng ta quên mất nước Mỹ có Carnegie, có Bill Gates nhưng cũng có Gatsby (trong cuốn Đại gia Gatsby), cũng lắm tiền, nhiều của và cực kỳ đắc chí, phô trương...
Vì vậy, nếu không cẩn thận những “chuyện cổ tích” về đại gia Âu - Mỹ có thể gây hiểu lầm, nhất là đối với giới trẻ đang chuẩn bị khởi nghiệp.
Qua những doanh nhân đã được thấy, đã gặp, tôi tin rằng một doanh nhân chân chính không làm việc chỉ để hưởng thụ, nhưng họ cũng không lao động vì, cho người khác. Trách nhiệm duy nhất của doanh nghiệp là làm ra lợi nhuận hợp pháp và các doanh nhân cũng không có trách nhiệm gì với xã hội. Tinh thần doanh nghiệp chân chính đối lập với mọi hình thái xã hội theo kiểu phúc lợi hay “tôi phải làm ra của cải vì xã hội”. Công việc từ thiện của doanh nhân đẹp đẽ trước hết ở sự tự nguyện. Khi đó, nếu gắn trách nhiệm xã hội với các doanh nhân thực ra là ta đã hạ thấp giá trị của họ.
Giai đoạn tích lũy tư bản mà không nền kinh tế nào có thể bỏ qua đối với Việt Nam vốn đã rất chông gai, nhưng sẽ càng khó khăn hơn nữa nếu chúng ta do vô tình mà gieo rắc vào đầu thế hệ trẻ những thứ trách nhiệm xã hội ít nhiều áp lực. Chúng ta còn chưa đủ giàu, vậy trước khi nói về trách nhiệm xã hội, hãy nhắc nhở nhau lao động chăm chỉ, khiêm nhường và tiết kiệm.