VOA - Dù đã có nhiều cảnh báo trước, nhưng lễ khai ấn Đền Trần vẫn trở thành một ngày đen tối của một sự kiện mà người dân cho rằng là chốn linh thiêng. Lúc 23h30 ngày 21-2, lễ khai ấn Đền Trần (Nam Định) kết thúc, người dân được phép vào lễ. Bất chấp sự có mặt của lực lượng an ninh canh giữ, nhiều người cố tình lao vào cướp hoa, lộc cúng ở ban thờ trước sân điện Thiên Trường. Xem mà thấy ngán ngẫm khôn cùng.
Hết thuốc chữa?
Năm ngoái, còn nhớ lễ khai ấn Đền Trần cũng trở thành thảm họa “cướp giật hợp pháp” mà bất kỳ ai, cả người nước ngoài lẫn người Việt, nhìn vào là ngán ngẫm. Không chỉ riêng lễ khai ấn mà nhiều người bạn nước ngoài của tôi cho là “lạ lùng” khi xem những bộ ảnh qua mạng, rất nhiều lễ hội khác tại Việt Nam vẫn diễn ra rải rác trong những ngày xuân đến Tết về. Có một người bạn từ Mỹ sang chơi đúng vào những ngày chuẩn bị đón Tết tâm sự trên mạng xã hội rằng nhìn người Việt chuẩn bị tết tinh tươm, chu đáo, ấm cúng và đăc sắc thấy rất thú vị và thích thú.
Nhìn những tấm ảnh về gói bánh chưng, những chiếc áo dài thướt tha đến chùa, cùng những nhánh hoa đào, hoa cúc, hoa hồng... người ta mới cảm nhận được ý nghĩa của lễ hội mà người Việt gọi là Tết. Nhưng những bức ảnh khi diễn ra các lễ hội không khỏi khiến người xem hốt hoảng và đau lòng. Rác bị vứt bừa bãi khắp mọi nơi, cây cối bị đạp nát không thương tiếc, quán nhậu mở cửa thâu đêm với những âm thanh quen thuộc nhưng ám ảnh, những trận đua xe trên các tuyến đường lớn và rộng vốn nhằm mục đích phục vụ cho công cuộc hiện đại hóa đất nước, những sòng bạc tự phát mở suốt ngày đêm, và hàng ngàn thứ khác đáng than phiền.
Kinh hoàng nhất là những lễ hội mang tính tín ngưỡng. Tiền mệnh giá nhỏ, tiền lẻ được rải khắp các tuyến đường đến các chùa, suốt mọi ngỏ ngách, thậm chí trên đầu, cổ, tay, mũi,...của các tượng Phật thánh, thần linh… Nghĩ cũng lạ, người Việt đi làm vất vả thu gom từng đồng tiền lẻ; ra chợ mua con cá, bó rau vốn đã rẻ rề mà vẫn cố gắng mặc cả một vài nghìn đồng để có thể mua về những món hàng với giá hạ nhất. Thế nhưng tiền cúng thần linh, dù chẳng có thần nào dùng tiền trần thế, thì họ không hề biết tiếc, thậm chí còn tỏ ra hào phóng.
Đó là chưa kể, họ sẵn sàng đến chùa cầu bình an, hạnh phúc, với mọi lời hứa làm việc thiện, không hại người, để hưởng phước lành... nhưng cũng không ngại động tay động chân với nhau, lấn ép nhau, thậm chí đánh nhau để có thể mang về những món đồ tín ngưỡng. Nhìn lễ khai ấn Đền Trần sẽ hiểu ra điều bất cập này. Lễ dâng hương, rước kiệu ngọc và khai ấn do chính quyền Nam Định chủ trì, diễn ra tại Đền Thiên Trường, thu hút hàng chục nghìn người dân dự.
Dù là lễ hội dân gian nhưng chính quyền cũng can thiệp mạnh để mong đảm bảo an toàn. Địa điểm diễn ra chương trình được lực lượng chức năng ngăn lại để tránh dân xâm nhập từ phía bên ngoài. Nhiều người đề nghị Ban tổ chức nên đặt một màn hình ngoài cổng để người dân được xem đầy đủ nghi lễ khai ấn. Một người dân nói trên báo rằng lễ khai ấn để giáo dục con cháu biết về truyền thống cha ông, hào khí nhà Trần mà người dân không được xem đầy đủ thì có ý nghĩa gì. Không biết có phải vì cái “hào khí” đó hay không mà ngay cả khi lực lượng an ninh canh giữ, nhiều người cố tình lao vào cướp hoa, lộc cúng ở ban thờ trước sân Đền Thiên Trường, tạo thành một khung cảnh hỗn loạn chưa từng thấy. Đã vậy rất nhiều người chen chúc vào sâu trong bàn thờ, mặc sức chen lấn, xô đẩy dữ dội rồi còn la ó, chửi rủa ầm ĩ. Không biết tự hào chỗ nào khi mặc cho người khác ngất xỉu vì bị “tấn công”, nhiều người cũng cố tiến lên để chạm kiếm, đặt tiền, mặc cho cảnh sát dồn đám đông xuống phía dưới, không cho tiếp cận bàn thờ.
Ăn chơi đến cả tháng trời
Ở Mỹ và nhiều nước khác, việc đóng mừng năm mới đối với họ nhiều lắm cũng chỉ vài ba ngày đến một tuần là hết cỡ. Những nơi thật sự nghiêm khắc thì người ta chỉ nghỉ tết khoảng 3 ngày, rồi mọi thứ trở về nhịp sống cũ. Nhóm bạn tôi “ăn tết” cũng chỉ đi chơi cùng nhau vài ngày rồi trờ lại với những ngày thánh cần lao. Họ nhập cuộc mừng năm mới bằng sâm banh, thức ăn và những câu chuyện của năm cũ, những dự tính năm mới. Nói như vậy không có nghĩa họ nghèo, mà ngay khi họ là tỷ phú, họ cũng biết cân đối chuyện đi làm và giải lao.
Thế nhưng ở Việt Nam thì khác, bất chấp tình trạng nhiều người còn nghèo, làm nông là chủ yếu, nhưng “tháng giêng là tháng ăn chơi” là điều vẫn chưa thể xóa bỏ. Thật ra bạn tôi kể ở Sài Gòn, không khí Tết đến rồi đi cũng giống như nhịp sống hội nhập của vùng đất này. Nhưng ở miền Bắc Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội, thì quả đúng là tháng giêng là tháng ăn chơi. Mạng xã hội vẫn đều đặn hiển thị hình ảnh hết Tết cha, Tết mẹ, rồi Tết thầy, sau đó còn Tết bạn bè, bằng hữu, sếp cơ quan, đồng nghiệp,... Rồi sau đó nữa là hội, đủ thứ hội mà người ta bỏ ra cả tháng vẫn chưa đi hết được. Có người bảo rằng “mùa này đang rảnh nên làm hội”, nhưng với một đất nước tuyên bố công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì “tháng ăn chơi” đã không còn thực tế. Ấy thế nhưng họ vẫn cứ đi lễ, dự hội, chè chén và bất chấp an toàn, hao tốn, lãng phí và thiếu lành mạnh.
Nhiều lãnh đạo đơn vị nhà nước lẫn tư nhân, đặc biệt người nước ngoài, cứ hết ngày nghỉ tết là ngao ngán nhắc nhở, yêu cầu nhân viên phải quay lại ngay với công việc, nhưng thực tế không hề dễ dàng. Nhớ bài thơ mà người Việt truyền tai nhau:
"Tháng Giêng ăn Tết ở nhà,
Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè.
Tháng Tư đong đậu nấu chè,
Ăn tết Đoan Ngọ trở về tháng Năm.
Tháng Sáu buôn nhãn bán trâm,
Tháng Bảy ngày Rằm xá tội vong nhân.
Tháng Tám chơi đèn kéo quân,
Trở về tháng Chín chung chân buôn hồng.
Tháng Mười buôn thóc bán bông,
Tháng Mười Một, tháng Chạp nên công hoàn thành."
Có nhiều phiên bản về bài thơ về “tháng ăn chơi” nói trên, nhưng một điểm chung là không thấy tháng nào người Việt nhắc nhở mình phải đi làm, ngừng ăn chơi lại. Có lẽ một phần vì thế mà người Việt nghèo hoài. Chẳng có ai lười biếng lao động, ăn chơi cả tháng trời mà trở nên giàu có. Nhiều người hiểu chuyện đến thăm Việt Nam vào dịp Tết, vài ba ngày thấy vui, nhưng rồi than thở “bao giờ mới hết tháng ăn chơi?”.