SOHA - Bệnh không phải chỉ từ miệng mà vào. Bệnh, gánh nặng tài chính và cái chết, đang đến nhẹ và nhanh hơn với những cư dân đô thị chúng ta, qua những cái xe gắn máy.
Bịt khẩu trang để bảo vệ phổi, nhưng chúng ta vẫn hăng say đi xe máy, mua xe máy, thậm chí chỉ một quãng ba trăm mét từ nhà ra quán lấy hộp sữa, cũng phải trèo lên xe máy. Và chúng ta kêu than không ngớt vì sao đường phố kẹt xe kinh khủng quá.
Bệnh không phải chỉ từ miệng mà vào. Bệnh, gánh nặng tài chính và cái chết, đang đến nhẹ và nhanh hơn, với những cư dân đô thị chúng ta. Qua những cái xe gắn máy.
Tôi đi chơi cả ngày ở Phan Thiết, tối về nhà, cái áo bỏ ra vẫn còn thơm thơm, không bốc lên cái mùi nồng sặc như khi ở Sài Gòn. Khẩu trang có đeo cũng chỉ để tránh nắng, chứ không khí miền biển đâu cần lọc bằng than hoạt tính.
Chỉ cần ra khỏi Sài Gòn ở bất cứ hướng nào, khi dòng người đã vợi đi chỉ còn vài phần là có thể cảm nhận được ngay sự thênh thang của những hàng cây lá không bị bám đầy bụi ở bên đường.
Cảm nhận được sự mát lành của những dòng kênh trong xanh lăn tăn viền bên đồng lúa bát ngát, những cánh rừng cao su tăm tắp ở Tây Ninh, nói gì đến làn không khí mát rượi của Đà Lạt, Sa Pa...
Chỉ cần ra khỏi Sài Gòn chừng 50 cây số, trời ơi, đều nên đi thật chậm để tận hưởng làn gió lồng lộng thổi đầy lồng ngực. Hít thở mới dễ dàng làm sao, không khí ngon quá. Thở. Thở. Thở.
Thấy rõ mọi tế bào trong thân thể đều cười toác ra uống ừng ực thứ dưỡng khí ngọt lành rồi nở bung như đóa hoa, căng no, đẫy tễ, thỏa thuê, sung sướng.
Ở Sài Gòn, những tế bào của chúng tôi làm sao có được làn không khí đầy dưỡng chất như thế mà hít thở hàng ngày.
Ở Hà Nội cũng vậy.
Chẳng cô gái nào muốn khi ra đường phải bưng bịt kín mít như cái xác ướp quấn vội đủ thứ khẩu trang, nhưng chỉ một ngày để mặt trần ra đường thôi, tối về cả nhà bạn sẽ cực độ an ninh vì đã có bạn ho khạc suốt đêm, góp phần cảnh báo trộm cắp.
Nhưng, có nghĩa là sự ô nhiễm không khí nghiêm trọng mà chúng ta đang kêu khóc đó, hầu như nó chỉ tập trung ở Hà Nội và Sài Gòn-hai thành phố có lượng xe máy đông nhất nước.
Theo các số liệu quan trắc mới cách đây vài tháng (do Trung tâm Quan trắc và Phân tích Môi trường – Sở TN&MT TP HCM thực hiện), chỉ số khí độc hại CO, tiếng ồn và bụi trong không khí ở thành phố đang ở mức báo động, vì đã vượt số liệu giai đoạn 2010-2014.
Nồng độ bụi trong không khí ven đường tại các trạm đo đều vượt quy chuẩn Việt Nam (QCVN) từ 1,2 - 2,2 lần. Có gần 50% giá trị quan trắc không đạt QCVN.
Cuối năm ngoái, TP HCM thường xuyên bị sương mù dày đặc bao phủ cả thành phố đến tận trưa. Không phải cảnh lãng mạn trong một bộ phim Hàn Quốc nào cả mà là hiện tượng mù khô do không khí ô nhiễm.
Đài thủy văn khu vực Nam bộ phải khuyến cáo người dân ra đường nhớ mang khẩu trang.
Nguyên nhân là do lưu luợng xe cộ quá nhiều.
Con số mới nhất, mỗi km đường TP HCM có đến 1.800 xe máy. Chưa kể hàng chục ngàn lượt xe tải qua lại mỗi ngày. Nạn kẹt xe thường xuyên càng làm tăng thêm ô nhiễm khi hàng ngàn xe các loại đậu yên một chỗ và nổ máy phành phành.
Các chỉ số ô nhiễm cứ tăng dần qua từng năm. Đôi khi giảm vào thời điểm nào đó (có lẽ đợt nghỉ tết dài, khi hầu như Sài Gòn về quê ăn tết hết, để lại thành phố thưa thớt đến không nhận ra), sau đó lại tăng trở lại.
Vào chiều 01.4, lãnh đạo UBND TP HCM đã họp nghe báo cáo tình hình hoạt động của các trạm quan trắc môi trường. Chưa biết chỉ số ô nhiễm sẽ vượt bao nhiêu lần quy chuẩn nữa.
Tôi càng không biết có còn tính từ nào để mô tả về hiện trạng này, khi trước đây tận gần 15 năm, vào 2002, báo Người lao động thậm chí đã mở riêng một mục đặt tên là "Thảm họa" để tập trung phản ánh nạn ô nhiễm trong thành phố.
Từ đó đến nay mức độ ô nhiễm chỉ tăng lên, tăng liên tục.
Sau thảm họa, là đại thảm họa, siêu thảm họa chăng? Mức chịu đựng của con người còn được đến bao lâu nữa?
Dân thành phố tận dụng mọi cơ hội trốn chạy ô nhiễm, đi thở không khí sạch. Bất kỳ dịp nghỉ nào cũng bỏ thành phố lũ lượt lên rừng xuống biển. Cha mẹ tận dụng kỳ hè dài gởi con cái về quê. Khi đón nó lên thì sướng quá vì nó hồng hào, chắc nịch, lanh lợi.
Sự khác biệt rõ đến mức còn có cả cụm từ chắc không nước nào có- “da Việt Kiều”: Dân ở những nước văn minh về biết ngay vì làn da hồng hào, khỏe mạnh khác hẳn với làn da tái sạm “nội địa”, được nuôi dưỡng bằng không khí bẩn, thực phẩm dơ.
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra các chất độc trong khí thải xe cộ đặc biệt nguy hại với thai nhi và người mắc bệnh tim, gây suy giảm hệ miễn dịch, đau ngực và thở ngắn, gây ra các vấn đề hô hấp cấp tính.
Các chất độc này nhất thời làm giảm chức năng phổi từ 15%-20% ở một số người khỏe mạnh, về lâu dài có thể gây ung thư phổi.
Ở khía cạnh khó nhận ra, nó gây căng thẳng quá mức, suy giảm thị lực, năng lực làm việc, sự khéo léo, khả năng học tập, hiệu suất công việc... tóm lại, như dân thành phố vẫn gói gọn vào một từ chung chung: stress.
Thế nhưng mỗi lần chính quyền muốn giảm xe máy đều bị phản đối dữ dội.
Tôi xấu hổ vô cùng vì mười mấy năm trước cũng hùng hổ phản đối chủ trương này.
Hồi ấy UBND TP HCM muốn hạn chế xe gắn máy bằng cách làm khó người dùng: Xe biển số chẵn chỉ được đi ngày chẵn, biển số lẻ đi ngày lẻ. Nếu làm được lập tức mỗi ngày thành phố đều giảm được ít nhất 1/3 số xe máy phun khói ra đường.
Như những kẻ tầm nhìn chưa qua cái mũi khác, chúng tôi đã nhất quyết phản đối. Mọi lý lẽ đều lấy người nghèo làm điểm tựa.
“Người nghèo sẽ lấy gi chở rau, chở cá, chở gà”, “người nghèo sẽ lấy gì để mưu sinh và di chuyển, có phải ai cũng có tiền đi xe hơi đâu” “xe bus chậm, đông nghẹt và bị móc túi”... vân vân.
Buồn hơn, thậm chí có cả những nhà chuyên môn cũng vẫn ủng hộ xe máy với những lý luận tương tự.
Thế nhưng, cùng hít thở một bầu không khí ô nhiễm, cùng một khả năng mắc bệnh ung thư vì nhiễm khói thải xe thì người nghèo vẫn chịu khổ hơn vì không đủ tiền chạy chữa và bồi bổ.
Cho nên những lý lẽ bênh vực người nghèo trong cái nhìn xót xa thương cảm đều không thể đứng vững.
Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và UBND các thành phố Hà Nội, HCM từ nhiều năm nay đều nhắc đi nhắc lại chủ trương giảm xe máy.
Cách đây năm năm, tại buổi làm việc với TP HCM, ông Đinh La Thăng Bí thư thành ủy TP HCM hiện nay, lúc ấy còn là Bộ trưởng GTVT- đã đề nghị thành phố phải sớm có lộ trình hạn chế xe máy, trước hết cấm ở một số tuyến phố, sau đó mở rộng ra đường vành đai 1, 2.
Thời điểm đó TP HCM có khoảng 4,9 triệu xe gắn máy.
Nay: 8,5 triệu.
Tôi mong lắm bí thư thành ủy TP HCM sẽ thật sớm hạn chế được xe máy như ông vẫn luôn kiên quyết chứng tỏ điều này.
Ai cũng có thể đi bộ, đi xe đạp, đi xe bus, đi taxi. Kkhông ai muốn chết vì ung thư hết.