Thứ Hai, 19 tháng 9, 2016

Mỗi nhà nên có mấy quan là...vừa ?!!

Trần Tuấn

VĐHN - Không phải đúng/sai quy trình, mà là ai được lọt vào quy trình đó. Như Bộ Công thương, ông bố ngồi lù lù ra đấy, thì ông con, ông cháu dù có tí tuổi đầu vẫn được “đẩy” lên ngồi ghế đầu trên cỗ xe…quy trình. Như ông giám đốc Sở trẻ nhất nước ở Quảng Nam là con của ông to nhất tỉnh, thì mời ông đặt chân lên vị trí đó. Nhiệm vụ của tổ chức là gọt đôi giày quy trình cho vừa với chân ông nhé, xong !

Tám người trong một gia đình cùng làm “quan” ở Hà Giang đang gây sốc trên mạng xã hội mấy ngày nay. Trả lời báo chí hôm qua, ông Bí thư tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh - nhân vật chính của gia đình trên, trần tình rằng ông “không cảm thấy vui khi những người trong gia đình mình được bầu, bổ nhiệm làm lãnh đạo” !

Vui sao được, khi câu chuyện nhà ông đang đang chủ đề còn “hot” hơn cả vụ Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn. Ít ra từ sau vụ Nguyễn Trường Tô, Hà Giang lại được “hâm nóng” ngoài ý muốn thế này 

Dù rằng ông Bí thư khẳng định cả 8 người thân của ông đều được “bổ nhiệm đúng quy trình” !

Cụ thể: 2 người em ruột của ông Vinh giữ các chức Bí thư huyện ủy, Phó chủ tịch huyện (ở hai huyện khác nhau); vợ ông làm Phó giám đốc Sở NN&PTNT, em rể làm Phó Công an thành phố Hà Giang, hai người anh họ và em họ giữ chức Phó ban Nội chính tỉnh ủy và Phó giám đốc phụ trách Sở VH-TT&DL tỉnh. Ngoài ra còn 2 người em ruột của ông dư luận cho rằng đang là Phó giám đốc Viễn thông Hà Giang, và Phó giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư. Nhưng ông Vinh phủ nhận, nói hai đứa em này chỉ làm lãnh đạo cấp Phòng.

Cũng không thể không kể thêm một người nữa, đó là cụ thân sinh ra  ông Bí thư  Hà Giang. Cụ nguyên là… Chủ tịch tỉnh này !

Có lẽ cũng nên thông cảm cho nỗi khổ tâm của ông Bí thư. Như ông nói, bản thân ông muốn “kìm hãm” (sự đề bạt đó) lại mà không được. Bởi do điều kiện năng lực của những người thân của ông, và do yêu cầu của tình hình thực tế, thì biết làm sao bây giờ ?!. Ông bảo người thân ông có người đã làm cán bộ tỉnh khi ông còn làm cán bộ huyện ! Và khi bàn về quy hoạch cán bộ, cá nhân ông “cũng chỉ là một ý kiến” ! Không muốn đề bạt cũng không được, nên ông đành phó thác, để mặc cho “tình cảm thua nguyên tắc”.

Đúng là về nguyên tắc, trồng một cái cây là để đợi đến kỳ thu hoạch. Cũng như một cán bộ đủ trình độ chuyên môn, uy tín, năng lực quản lý, kinh nghiệm công tác, thì phải bổ nhiệm. Chứ không lẽ thấy trong nhà có một người làm quan rồi, thì những người khác… nghỉ phấn đấu hay sao ?!!

Cũng như bà Chủ tịch tỉnh Yên Bái vừa ký quyết định bổ nhiệm em trai làm Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường. Như ông Cục trưởng Cục thuế Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị quy hoạch vợ mình làm …Cục phó.  

Nhưng búa rìu dư luận vẫn không ngừng giáng xuống những vụ “bổ nhiệm đúng quy trình” kiểu này.

Bởi hầu như không có ba-rem, bảng điểm nào minh chứng công khai rõ ràng cho sự phấn đấu và tín nhiệm của những người sẽ được bổ làm quan. Cũng chẳng có một cơ chế thi tuyển/tranh cử quan chức nào đáng tin cậy, ngoài việc “nhìn mặt đặt chỗ ngồi”.

Và đây mới là điều hóc búa nhất: Không phải đúng/sai quy trình, mà là ai được lọt vào quy trình đó. Như Bộ Công thương, ông bố ngồi lù lù ra đấy, thì ông con, ông cháu dù có tí tuổi đầu vẫn được “đẩy” lên ngồi ghế đầu trên cỗ xe…quy trình. Như ông giám đốc Sở trẻ nhất nước ở Quảng Nam là con của ông to nhất tỉnh, thì mời ông đặt chân lên vị trí đó. Nhiệm vụ của tổ chức là gọt đôi giày quy trình cho vừa với chân ông nhé, xong !

Còn những ông tự tin tuyên bố “đến 40 tuổi sẽ làm Thủ tướng”, dù tài giỏi đấy, nhưng không được chọn vào quy trình, thì chức Trưởng phòng cũng… còn lâu !

Nhớ lại câu chuyện “Một trăm hạt giống đỏ” hơn nửa thế kỷ trước. Đó là con của các vị lãnh đạo tiền bối, tướng lĩnh quân đội tài ba, những trí thức, nhà khoa học lừng lẫy…, được tuyển chọn đưa ra nước ngoài học tập, rèn luyện để trở thành những nhà lãnh đạo tương lai. Thế nhưng hầu hết 100 “hạt giống đỏ” ấy sau này rất ít người ra làm quan. Mà hầu hết trở thành những nhà khoa học, nhà giáo, nghệ sĩ… đóng góp rất lớn cho công cuộc xây dựng và thống nhất đất nước.

Không thể nói những người con ưu tú mang dòng dõi xuất xuất chúng ấy không có đủ tố chất để làm “quan”. Nhưng bản thân họ không mảy may toan tính về điều ấy.

Và thân sinh của họ - các vị lãnh đạo tiền bối, cũng chưa bao giờ phải day dứt về chuyện “tình cảm thua nguyên tắc”  trong việc lo lắng ghế quan trường cho con cái, người thân, như ông Bí thư Hà Giang.

Ngược lại, nhiều vị lãnh đạo cấp cao còn đưa con mình vào chiến trường khốc liệt, và nhiều người trong số đó đã anh dũng hy sinh.
Trở lại với quy trình làm quan.  

Nạn tham nhũng chức vụ sẽ khó lòng kiểm soát, và ngày càng gây bức xúc dư luận, nếu không mạnh tay cải tổ cái quy trình bổ nhiệm, đề bạt rất hình thức, chiếu lệ kia. Để khỏi cứ sau mỗi cú bổ nhiệm đúng quy trình lại là những ngàn tỷ đắp chiếu hoặc đội nón ra đi, còn người thì bị bắt, bị truy nã.

Còn nếu không, để tránh sốc cho dư luận, thì nên tìm cách tính toán, phân bổ xem “MỖI NHÀ NÊN CÓ MẤY…QUAN LÀ VỪA”?!!

Để bớt đi "nỗi buồn” khó nói như của ông Bí thư Triệu Tài Vinh.