MTG - Có 2 câu chuyện xảy ra ở Cần Thơ và ở TP.HCM tuần qua làm người ta thấy đắng nghẹn trong lòng. Chúng ta thấy lo cho xã hội khi có người đã bất chấp đạo lý để bảo kê trong làm ăn, từ chuyện vui của lớp trẻ ngày ra trường cũng biến thành nơi để kiếm chác mấy nghìn bạc lẻ đến chuyện buồn của gia quyến có người xấu số qua đời bị bắt chẹt, buộc phải dùng dịch vụ giá đắt.
Tại sao có thể xảy ra chuyện tệ hại đến mức này mà các đơn vị chủ quản lại bảo "không rõ!" (mà nói đúng ra thì nếu để mắt một chút đều đủ và thừa biết là đang có chuyện, bởi nó diễn ra thường xuyên ở địa bàn họ quản lý).
Chuyện thứ nhất: tại Đại học Cần Thơ hôm mới đây, trong buổi lễ tốt nghiệp của trường, khi một sinh viên chụp ảnh bạn mình nhận bằng thì bị cánh thợ ảnh ở ngoài vào hùng hổ gây sự, yêu cầu không được tự chụp mà phải qua tay họ chụp, nộp tiền mà lấy ảnh nếu không muốn bị họ quậy phá. Sự việc dẫn đến xô xát.
Không khó khăn gì để làm sáng tỏ sự việc. Nguyên nhân là ở phòng Công tác chính trị của nhà trường đã ngầm bảo kê, thu tiền mỗi tấm hình mà cánh thợ nọ chụp được là 3.000 đồng, do đó đã bật đèn xanh cho cánh thợ bên ngoài vào hội trường tác oai tác quái. Khi công an vào cuộc mới vỡ lẽ là thế. Họ còn chỉ mặt vị cán bộ thay mặt phòng Công tác chính trị đứng ra "thu tô" là ai....
Vậy là từ chuyện vui của lớp trẻ nhân ngày nhận bằng tốt nghiệp đại học, nay làm sao các em có thể cười tươi hết cỡ chỉ vì ấm ức không được chụp hình cho đã bằng điện thoại. Sự lộng hành của đám thợ ảnh dạo này đã cho thấy cán bộ có trách nhiệm của ngôi trường đại học này đã nhẫn tâm, cố tình "chặt chém" gián tiếp, tìm mọi cách để làm ăn bất chấp đối tượng đó là ai. Tôi nghĩ, trong ngày vui ấy, chắc các sinh viên ai cũng muốn có được dăm bảy tấm hình kỷ niệm riêng, chung với bè bạn, cô, thầy trong trường. Nhưng vì túi tiền sinh viên có hạn, các em đâu có thể nhận lời cho thợ ảnh chụp ào ào...
Sau sự cố nói trên, trường Đại học Cần Thơ đã phê bình phòng Công tác chính trị đã để cho các thợ chụp hình lợi dụng sự quen biết với cán bộ của phòng lộng quyền gây mất trật tự và gây khó khăn cho sinh viên trong buổi lễ trao bằng tốt nghiệp; phê bình tổ bảo vệ đã không tích cực thực hiện nhiệm vụ dẫn đến sự cố đáng tiếc; những thợ chụp hình gây rối trật tự có mặt trong các tấm hình và video clip do sinh viên cung cấp sẽ bị cấm vào trường hoạt động.
Trách nhiệm này, trước tiên phải thuộc về phòng Công tác chính trị và người đứng đầu đơn vị. Và một phần cũng thuộc ban giám hiệu nhà trường. Họ đã buông lỏng quản lý cơ sở nên để xảy ra sự việc đáng tiếc nói trên. Nó vô tình tạo ra một hình ảnh không đẹp trong con mắt các bạn trẻ vào đúng ngày họ rời khỏi ghế nhà trường toả đi muôn phương với hy vọng làm những công dân có ích cho xã hội....
Chuyện thứ hai, lại là câu chuyện gây phẫn uất đến cao độ. Không lẽ ban lãnh đạo bệnh viện Nguyễn Trãi, quận 5 (và rất có thể đây không phải là địa chỉ duy nhất như vậy) lại không hề hay biết hoặc biết mà làm ngơ để nói tưng tửng rằng các cửa hàng lo hậu sự kia không phải là đối tượng chịu sự quản lý của bệnh viện? Đó là hiện tượng phía sau của nhà xác, nhà tang lễ các bệnh viện ở TP.HCM có nhiều người đứng ra độc chiếm để lo từ A đến Z thủ tục đưa xác ra khỏi bệnh viện bằng giá cắt cổ.
Cách làm của các cửa hàng hậu sự này là thường cố tình gây khó (có thể họ đã móc ngoặc với ai đó có trách nhiệm) để người nhà phải chờ đợi mệt mỏi, căng thẳng khi giải quyết các thủ tục đưa người qua đời rời nhà xác. Họ làm vậy để o ép, bắt người nhà nạn nhân phải dùng các dịch vụ mai táng, vận chuyển với giá “trên trời", đắt gấp 2-3 lần so với thực giá.
Trong cuộc sống hôm nay, người nghèo, không có tiền lo mai táng cho người thân đâu phải ít. Cuộc sống hôm nay còn rất, rất nhiều gia đình có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, tuy rằng ở TP.HCM thì cũng không khó đến mức như mấy vụ thương tâm mà báo chí gần đây phản ánh ở mấy tỉnh miền núi phía Bắc: người nhà không có nổi tiền lo xe ô tô vận chuyển người đã mất từ bệnh viện về mà phải bó chiếu rồi buộc sau xe máy hoặc có trường hợp phải oằn lưng gánh xác mang về. Thật xót xa vô cùng khi phải nhìn những tấm hình đau lòng như thế trong xã hội hôm nay.
Sự việc như báo Thanh Niên đã nêu qua loạt bài điều tra về hiện tượng "chủ trại hòm" (cửa hàng bán đồ hậu sự) bắt chẹt tang gia ở TP.HCM đã gióng lên hồi chuông báo động, đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan pháp luật và các đơn vị liên quan. Nếu nói họ "không biết, vô can", tôi e rằng thật vô lý khi bất kể nhà xác hoặc nhà tang lễ nào cũng đều thuộc quyền quản lý của bệnh viện. Những nơi này thừa biết ai đang lũng đoạn và bảo kê bán đồ hậu sự cho người chết tại đây. Tại sao người của 2 nơi này không báo cáo hiện tượng trên cho lãnh đạo bệnh viện để ngăn chặn, tránh mang tiếng cho bệnh viện và giảm bớt nỗi đau cho gia quyến người đã khuất?
Cần tạo dư luận xã hội để mọi người biết và lên án những hành vi thiếu tình người và vô đạo đức đến vậy trong đời sống hôm nay. Nếu không mạnh mẽ đầy lùi tình trạng này, lâu dần việc bảo kê sẽ lây lan sang nhiều nơi khác và khiến cái xấu sẽ lấn át trong đời sống vốn đang có nhiều điều chướng tai, gai mắt đến khó tưởng tượng. Và người chịu đựng nó, tôi nghĩ, có lúc sẽ là tất cả chúng ta, không trừ ai.