(Dân trí) - Một phụ nữ nhỏ bé ngồi thất thần trước một phản thịt loang lổ những vết nước đen, thậm chí, trên người phụ nữ này, chất bẩn cũng lấm lem từ đầu đến chân. Người phụ nữ chỉ lặng lẽ chịu trận đầy bất lực trước gánh hàng bẩn thỉu gần như không thể nào tiêu thụ nổi. Xung quanh là những lời cay độc, xỉa xói của tiểu thương cũng bán thịt trong cùng khu chợ.
Nguyên nhân là do 1 tạ thịt có giá trị khoảng gần 6 triệu đồng của người phụ nữ được đưa từ quê lên, bán tại chợ Lương Văn Can, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng với giá rẻ, chỉ khoảng 40.000-50.000 đồng/kg. Mức giá này rẻ hơn nhiều so với mặt bằng giá thịt lợn đang được bán trong chợ. Hậu quả là, người bán liên tục bị đe dọa, đến đầu giờ ngày 11/5 thì nguyên phản thịt bị hắt chất bẩn từ phía sau, hôi thối nồng nặc.
Sau khi câu chuyện được chia sẻ lên mạng xã hội và báo chí, không ít người đã phải lên tiếng cảm thán về hành động “độc ác, dã man, phi nhân tính”. Đáng nói là sự việc này lại diễn ra trong bối cảnh cả nước đang chung tay “giải cứu” thịt lợn, tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi. Thế mới thấy chua chát làm sao: Cùng là đồng bào, đã không giúp đỡ, hỗ trợ được gì lại hại nhau, triệt tiêu nhau như thế!
Đó là nói là góc độ tình người. Còn nhìn góc độ thị trường, thì đây có lẽ là một ví dụ điển hình cho tính phi cạnh tranh, “cá lớn nuốt cá bé”, “ma cũ bắt nạt ma mới” phổ biến ở hầu hết các thị trường từ quy mô nhỏ như một góc chợ đến những thị trường quy mô lớn hơn ở nước ta.
Mới hơn một tuần trước, các title báo vẫn còn đặt câu hỏi: “Vì sao giá lợn hơi giảm sâu kỷ lục, người tiêu dùng vẫn phải chịu giá cao?”, thì sự việc nêu trên có lẽ đã lý giải phần nào nguyên nhân đó. Thực tế, giữa lúc người chăn nuôi chỉ bán giá hòa vốn, thậm chí chấp nhận thua lỗ thì phần lớn lợi nhuận lại rơi vào khâu trung gian, trong đó giá cả trên thị trường lại do tiểu thương tại chợ quyết định.
Điều đáng nói là những người bán trong một khu vực thường có một thỏa thuận ngầm về mức giá sẽ bán ra trong ngày, ai dám “phá giá” thì sẽ lãnh đủ hậu quả. Tình trạng này không chỉ diễn ra với giá thịt lợn mà tới cả những gánh hàng rong, những xe hoa quả bán dọc đường cũng vậy, rất ít khi ta mua được ở một hàng nào đó với giá thấp hơn.
Xét về luật, đây thực tế là hành vi phạm luật cạnh tranh nghiêm trọng, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, nhưng chẳng cần nói cũng thấy rằng, cơ quan quản lý cạnh tranh hầu như đứng ngoài cuộc và chẳng có tiếng nói, vai trò gì. Ngay như vụ việc ở Hải Phòng kể trên, rốt cuộc cơ quan đầu tiên xử lý cũng là công an phường (sau khi nạn nhân đến báo cáo, tường trình sự việc) chứ không phải là quản lý thị trường.
Vai trò của quản lý thị trường trong việc thực hiện chức năng kiểm định chất lượng sản phẩm thịt lợn tự giết mổ ở quê đưa lên có đủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm hay không cũng không được nhắc tới.
Có lẽ phần nào đó, chị bán thịt “gặp may”: May vì những hình ảnh phản cảm trên được ghi lại và đăng tải lên mạng xã hội và báo chí; may vì sau đó chị được người dân ủng hộ và bán được thịt. Nhưng những “nạn nhân gặp may” như chị không nhiều trong một nền kinh tế với nền tảng thị trường “lệch lạc”, “méo mó”, đầy tính chụp giật và đầy thô bạo hiện nay.
Cuối năm 2016, mạng xã hội lan truyền đoạn video ghi cảnh nam thanh niên chạy dịch vụ xe ôm GrabBike bị hai người đàn ông đi xe ôm chặn đầu, liên tục chửi bới vì cho rằng cướp khách. Anh này thậm chí còn bị lấy dao dọa đâm chết.
Đến tầm doanh nghiệp, thậm chí do không cạnh tranh nổi, gần đây một doanh nghiệp taxi truyền thống còn tuyên bố trước đại hội đồng cổ đông rằng sẽ khởi kiện đối thủ. Không đến nỗi trả đũa một cách thô thiển như tiểu thương bán thịt lợn hay mấy ông xe ôm truyền thống, ở mức độ doanh nghiệp, trước áp lực thị trường, thay vì cải thiện chất lượng dịch vụ, giảm giá sản phẩm… thì không ít “ông lớn” sẵn sàng tìm đủ mọi cách như bôi nhọ hình ảnh đối thủ, vu cáo hoặc thâu tóm cổ phần, chia rẽ nội bộ v.v.
Người kinh doanh xưa nay có câu “buôn có bạn, bán có phường”, trong khi hàng ngoại nhập xâm lấn thị trường nội, người tiêu dùng hoang mang vì thực phẩm bẩn, hàng nhái, hàng giả độc hại… thì doanh nghiệp, bà con tiểu thương của ta lại dùng thủ đoạn chèn ép lẫn nhau.
Có lẽ, trước khi chờ người kinh doanh rũ bỏ được tư tưởng chộp giật và thói “cạnh tranh bẩn” để xây dựng văn hóa “doanh nhân” đúng nghĩa với uy tín và sự tự tôn, thì pháp luật cần phải thể hiện được vai trò của mình với sự nghiêm minh cần thiết, bảo vệ được doanh nghiệp yếu thế, những người làm ăn lương thiện, khi đó chúng ta mới có thể hy vọng về một nền kinh tế thị trường văn minh, thôi lệch lạc!