(TBKTSG Online) – "Thư gửi quý nhà giàu Việt Nam" là một tập sách mỏng vừa được phát hành mà tác giả, tiến sĩ Toán học Nguyễn Xuân Xanh, dành nhiều tâm huyết để viết, gửi đến những người giàu và cả những người chưa giàu Việt Nam. Qua đó, tác giả hi vọng mọi người cùng nhau hiến tặng một phần tài sản của mình cho hoạt động nhân ái như một động lực mới giúp xã hội phát triển.
Những hoạt động nhân ái mà tác giả đề cập ở đây là những hoạt động đầu tư vào giáo dục, khoa học, công nghệ, y tế … để cải thiện xã hội và đem lại cơ hội bình đẳng cho mọi người.
Ngay trong những trang đầu tập sách, tác giả mượn lời Daniel C. Gilman, vị chủ tịch nổi tiếng đầu tiên của Đại học Johns Hopkins, để phân biệt từ thiện và nhân ái với câu nói “Từ thiện (charity) dành cho người nghèo túng, trong khi nhân ái (philanthropy) dành cho sự cải thiện nhân loại”.
Nói cách khác, từ thiện giống như cho ai đó con cá để nuôi người đó một ngày thì hoạt động nhân ái muốn dạy họ câu cá để người đó tự nuôi cả đời. Từ thiện thường không có ý định giúp con người vươn lên, trong khi nhân ái lại muốn làm điều đó, và chỉ có như thế mới góp sức thay đổi được nguồn gốc của sự nghèo khó. Đồng tiền chi cho từ thiện sẽ hết, chỉ xoa dịu nhất thời, nhưng chi cho mục tiêu nhân ái sẽ không hết. Đó là đồng tiền đầu tư khôn ngoan nhằm giải quyết những vấn đề gốc rễ mà thế giới đối mặt.
Với mục đích khơi dậy lòng hào hiệp, nhân ái của mọi người, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh chủ động đưa vào tập sách nhiều tấm gương hiến tặng từ những người giàu có như vua thép Andrew Carnergie – ông vua thép của Hoa Kỳ, người đã hiến tặng phần lớn tài sản của ông cho xã hội; vợ chồng Leland Stanford với trường đại học danh tiếng Standford; vợ chồng Bill Gates với Quỹ Bill & Melinda Gates … cho đến ngay cả Oseola McCarty, một người phụ nữ độc thân, nghỉ học năm lớp 6, sống bằng nghề giặt đồ, cả đời cần kiệm để rồi năm 1995, ở tuổi 87, bà tuyên bố hiến tặng số tiền 150.000 đô la Mỹ dành dụm cho đại học Nam Mississippi để làm quỹ học bổng cho sinh viên da đen nghèo học giỏi.
Không dừng lại ở việc kể những câu chuyện nhân ái, tác giả cố gắng lý giải tại sao hoạt động nhân ái, hiến tặng cho xã hội lại phát triển mạnh mẽ ở phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ - nơi thường bị cho là có chủ nghĩa cá nhân, trái ngược với phương Đông - châu Á, nơi được cho là thấm nhuần tôn giáo với triết lý hài hòa và bác ái nhưng đa phần người giàu có lại có xu hướng để dành cho con cái nhiều hơn là hiến tặng cộng đồng.
Cụ thể như thế nào?
Andrew Carnegie, một trong số những người tiên phong trong phòng trào hiến tặng nổi tiếng tại Hoa Kỳ, trăn trở trong tác phẩm Phúc âm của sự giàu có (The Gospel of Wealth) do chính ông viết: “Câu hỏi lớn với những người ưu tư là: Tại sao người ta lại để lại tài sản cho con cái của họ? Nếu làm điều này vì tình cảm thì đó chẳng phải là tình cảm sai lạc hay sao? Với tài sản khổng lồ để lại cho con, tôi có thể cùng lúc để lại lời nguyền cho chúng.”
Với Carnegie, “ai chết giàu có, chết hổ thẹn”, và ông dành phần lớn tài sản của mình cho các mục tiêu nhân ái như là cách hóa giải sự phân phối nhất thời của sự phồn vinh, là sự hòa hợp giữa người nghèo và người giàu.
Vợ chồng Bill Gates thì sao? Xin trích một đoạn trong thư Cam kết hiến tặng của cặp vợ chồng này: “Chúng tôi được ban cho một tài sản lớn vượt khỏi sự mong đợi nhất của chúng tôi, chúng tôi biết ơn sâu sắc. Nhưng với những ban tặng lớn này, chúng tôi cảm nhận một trách nhiệm to lớn để sử dụng chúng cho tốt. Đó là lý do tại sao chúng tôi vô cùng vui mừng khi kết nối để dấn thân thực hiện chương trình cụ thể Cam Kết Hiến Tặng.”
Với tài sản khổng lồ của mình, nhiều tỉ phú Mỹ quyết định hiến tặng tái đầu tư lại cho xã hội nhằm tạo cơ hội tốt hơn cho thế hệ sau phát triển. Và điều này góp phần hình thành nên một vòng tròn thịnh vượng cho xã hội như chính tác giả nhận xét: lòng nhân ái là một trụ cột quan trọng không thể thiếu của nền kinh tế Hoa Kỳ. Đổi mới sáng tạo tạo ra phồn vinh; phồn vinh, quay ngược lại xã hội qua hoạt động nhân ái tạo ra cơ hội để tiếp sức cho đổi mới sáng tạo. Đó là chuỗi logic liên hoàn mà nền kinh tế Mỹ muốn giữ tính bền vững của nó.
Liên quan đến logic này, câu phát biểu ngắn gọn thâm trầm của William Henry Gates, bố của Bill Gates, rất đáng để chúng ta suy ngẫm: "Sự thịnh vượng không phải là điều gì để hãnh diện - đó là điều đã đến với bạn như kết quả của những tình huống bạn không thể kiểm soát được, mà trong đó một nhân tố quan trọng là đất nước mà bạn đã được sinh ra."
Vậy tại sao phong trào hiến tặng lại chưa thật sự phát triển mạnh mẽ ở châu Á?
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh dẫn lại bài phát biểu của ông Lý Gia Thành, một tỷ phú Hồng Kông, khi nói về điểm khác biệt giữa phương Tây và châu Á như sau: “Ở châu Á, các giá trị truyền thống của chúng ta khuyến khích và đòi hỏi tài sản được chuyển tiếp cho dòng họ … Tôi muốn thúc giục và hy vọng thuyết phục được quý vị rằng nếu chúng ta có thể làm thế (nhân ái), chúng ta sẽ vượt qua niềm tin truyền thống … Ngay cả khi cấu trúc của thể chế chưa chuyển động về hướng hỗ trợ một văn hóa hiến tặng, chúng ta cũng phải từ trái tim xem việc xây dựng xã hội như một nhiệm vụ đồng nghĩa với hỗ trợ con em chúng ta.”
Ngay như Hoa Kỳ, như tác giả viết, các nhà làm luật Hoa Kỳ mở cửa chào đón các loại hình hoạt động nhân ái và từ thiện bằng nhiều cách hữu hiệu, vừa khuyến khích người giàu hiến tặng bớt của cải cho công ích, không đánh thuế tài sản được làm công ích, cũng như bằng biện pháp đánh thuế mạnh lên những người giàu để họ tự chọn lựa giữa bị đánh thuế hay hiến tặng cho những mục đích công ích.
Chờ sự thay đổi từ luật pháp xã hội, mong tinh thần tự hào dân tộc tiềm tàng của mỗi người, đau đáu với vận mệnh dân tộc, vị tiến sĩ hi vọng “dân tộc này phải làm một cuộc hồi sinh bằng tri thức và đức hạnh” và trong công cuộc hồi sinh này, ông kỳ vọng vào những hiệp sĩ thời hiện đại của Việt Nam – những người giàu có thuộc tầng lớp có nội lực mạnh, hãy đóng góp thật lớn cùng với nghìn bàn tay nhân ái bình dị khác xuất hiện để làm hồi sinh sức sống hơn bốn nghìn năm của Việt Nam.