Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2016

Tan tác rừng nguyên sinh!

Nhóm PV

Dân Trí - Hàng trăm héc ta rừng nguyên sinh ven Quốc lộ 28 đã bị triệt hạ để lấy gỗ, lấy đất sản xuất nhưng các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông vẫn chưa có những biện pháp quyết liệt để xử lý dứt điểm tình trạng này.

Phá rừng đang là vấn nạn vô cùng nhức nhối tại khu vực Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Nông nói riêng. Những khu rừng nguyên sinh, hàng chục ngàn héc ta rừng đã bị xóa sổ nhưng dường như, sự quan tâm vào cuộc thực sự của các lực lượng chức năng ở tỉnh này chưa đủ để kiểm chế tình hình mà đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp thêm.

Xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’long, Đắk Nông từ lâu đã là một điểm nóng về nạn phá rừng trên địa bàn tỉnh. Ở địa phương này, việc phá rừng đã và đang diễn ra vô cùng công khai, quy mô lớn và có nhiều vụ chính quyền lại… không biết! Được biết, tại Quảng Sơn không đơn thuần chỉ có người dân phá rừng để lấy đất sản xuất mà trên địa bàn này còn có nhiều công ty lâm nghiệp đóng chân, được giao quản lý và bảo vệ rừng nhưng lại để mất rừng với diện tích lên tới vài trăm héc ta!

Mới đây nhất, chúng tôi nhận được phản ánh của người dân xã này về tình trạng một diện tích rừng khổng lồ rừng ven quốc lộ 28 và tỉnh lộ 6 đã và đang bị phá đến tan tác. Qua xác minh, được biết diện tích rừng bị phá này thuộc tiểu khu 1764 do Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đắk N’Tao có trụ sở tại xã Nâm Njang (huyện Đắk Song, Đắk Nông) quản lý.

Tại hiện trường, những cây gỗ có đường kính từ 20cm đến 1m, cao hàng chục mét bị lâm tặc cưa hạ nằm ngổn ngang. Những cây gỗ quý đã bị chúng rọc phách lấy đi phần nạc, cành lá nằm lại chỏng chơ. Lâm tặc đã mở một con đường tạm (khu vực đối diện xưởng gỗ Cầu 25) để dùng xe cơ giới vận chuyển gỗ từ trong rừng ra Quốc lộ 28 đưa đi tiêu thụ. Mặc dù nằm ven quốc lộ nhưng các đối tượng ngang nhiên dựng lán trại để phá rừng. Sau khi tận thu rừng để lấy gỗ, lấy củi, lâm tặc đã dọn đốt để lấy đất sản xuất. Những cây gỗ rừng hàng trăm năm tuổi bị hạ xuống thay vào đó là cây sắn, các cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu.

Ngay sát chốt bảo vệ rừng số 2 của công ty lâm nghiệp Đắk N’Tao dựng nên trên địa bàn thông Quảng Tiến, xã Quảng Sơn, hàng trăm trụ tiêu mọc lên xanh tốt sau khi khoảng rừng tại đây bị đốn hạ. Và cách đó khoảng vài trăm mét, hàng chục héc ta rừng đã ngã xuống, phía dưới cây công nghiệp đã mọc lên, còn phía trên, những gốc cây gỗ lớn vẫn đang âm ỉ cháy!

Theo người dân địa phương, tình trạng phá rừng ở đây diễn ra ngang nhiên, kéo dài trong nhiều năm qua gây bức xức trong dư luận. Thế nhưng chủ rừng và các cơ quan chức năng vẫn không có biện pháp hữu hiệu để giải quyết dứt điểm mà để tình trạng phá rừng, xâm lấn và mua bán đất lâm nghiệp trái phép ngày càng diễn biến phức tạp hơn.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Ngô Anh Sáng, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn thừa nhận, trong thời gian qua, tình trạng phá rừng trên địa bàn xã Quảng Sơn diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là tại tiểu khu 1674 do Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đắk N’Tao quản lý. Đây đã trở thành điểm nóng về khai thác lâm sản, mua bán đất rừng. Về phía chính quyền địa phương cũng đã triển khai cho Ban lâm nghiệp, cũng như lực lượng dân quân, công an, kiểm lâm địa bàn tăng cường tuần tra, kiểm tra trên địa bàn trên. Lực lượng chức năng cũng đã tổ chức tuần tra, kiểm tra, lập 18 biên bản về lấn chiếm đất đai.

Ông Ngô Anh Sáng cũng cho rằng do khu vực này nằm cách xa UBND xã Quảng Sơn, các đối tượng phá rừng thường xuyên sử dụng điện thoại di động để thông báo cho nhau nên lực lượng liên ngành của xã rất khó phát hiện, bắt quả tang để xử lý. Tuy nhiên, ông Sáng cho rằng lực lượng chức năng của xã cũng đã làm hết chức năng. Đồng thời UBND xã cũng đã ban hành các văn bản yêu cầu đơn vị chủ rừng là Công ty Đắk N’Tao phải tăng cường lực lượng chốt chặn tại tiểu khu 1674 để hạn chế tình trạng phá rừng cũng như lấn chiếm đất lâm nghiệp.

Còn ông Lê Quang Dần – Phó Chủ tịch UBND huyện huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông cho hay, theo kiểm tra của Kiểm lâm, từ cuối năm 2014 đến nay đã có 31,8 ha rừng ở khu vực này bị đốn hạ. Mục đích của các đối tượng là để lấy đất sản xuất. Về hướng xử lý, huyện đã chỉ đạo chủ rừng và kiểm lâm địa bàn lập chốt chặn 24/24 ở khu vực này để không cho các đối tượng vào đốt dọn, lấy đất để canh tác. Đồng thời chỉ đạo cơ quan công an vào cuộc điều tra để xử lý nghiêm các đối tượng phá rừng theo quy định của pháp luật.

Được biết, tiểu khu 1674 có diện tích gần 200 ha và gần như đã bị xóa sổ toàn bộ rừng. Diện tích này trải dài theo Quốc lộ 28 với tổng chiều dài nhiều km. Tình trạng rừng bị xâm hại, chặt phá, đốt trụi diễn ra tại đây nhiều năm liền, đặc biệt là từ đầu năm 2015. Người dân địa phương và những người lưu thông trên tuyến đường này đều chứng kiến hàng ngày, hàng giờ việc phá rừng kéo dài. Liệu có hay không việc “ngó lơ” của chủ rừng và các đơn vị liên quan để cho các đối tượng phá rừng ven Quốc lộ 28. Dư luận đang chờ câu trả lời thỏa đáng từ phía các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông.