NLĐO - Nhiều sai sót xảy ra khiến người xem chỉ trích Hội Nhà văn Việt Nam đã thiếu tôn trọng thi nhân
Ngày thơ Việt Nam năm 2017, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, diễn ra tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) với nhiều hoạt động tôn vinh, quảng bá thi ca. Điểm khác biệt, cũng là điểm nhấn của ngày thơ năm nay, chính là “Con đường thi nhân” giới thiệu các nhà thơ nổi tiếng cùng những vần thơ nổi bật. Tuy nhiên, đáng tiếc là đã để xảy ra nhiều sai sót như “tôn vinh” nhầm ảnh nhà thơ, trích dẫn thơ sai.
Lần đầu tiên xuất hiện “Con đường thi nhân” tại Ngày thơ Việt Nam 2017 nhưng người yêu thơ đã phải thất vọng vì quá nhiều ảnh sai. Cụ thể, trong pa-nô có tên và thơ Hàn Mặc Tử, ban tổ chức đã gắn nhầm ảnh nhà thơ Yến Lan.
Không chỉ nhầm ảnh, việc trích câu thơ của Hàn Mặc Tử cũng sai luôn: “Thơ tôi/bay suốt một đời khôn thấu/Hồn tôi bay/đến bao giờ mới đậu”. Nhà văn Nguyễn Quang Vinh cho biết câu đúng là: “Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu/Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu”.
Còn thơ Nguyễn Du cũng bị trích sai thành: “Đời còn để có hôm nay/Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”. Câu đúng là: “Trời còn để có hôm nay/Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”.
Nhà thơ Lê Minh Quốc bất bình: “Một sự nhầm lẫn khó có thể nghĩ ra, dù rằng đó là người giàu trí tưởng tượng nhất. Tôi nghĩ không thể có lời thanh minh nào khiến công chúng yêu thơ nguôi giận”.
Tương tự, trên “Con đường thi nhân” còn đưa sai ảnh Nguyễn Khuyến. Đó không phải Tam nguyên Nguyễn Khuyến (người Bình Lục, Hà Nam) mà là tiến sĩ Phan Thanh Giản - người Nam Bộ, từng làm quan đến chức Thượng thư Bộ Lại triều Nguyễn.
Tương tự, triển lãm ảnh “60 năm Hội Nhà văn Việt Nam đồng hành, sáng tạo cùng đất nước” do Bảo tàng Hội Nhà văn Việt Nam thực hiện trong Ngày thơ Việt Nam 2017 tại Văn Miếu cũng hết sức cẩu thả.
Đơn giản nhất là chú thích sai chính tả tên của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, tên tác phẩm kịch của nhà văn Đào Hồng Cẩm. Tấm ảnh chú thích: “Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tại Việt Bắc năm 1953. Trong ảnh, hàng ngồi, người thứ 3 từ trái sang là cụ Hồ Tùng Mậu”. Cụ Hồ Tùng Mậu hy sinh hồi năm 1951 rồi, làm sao còn ngồi chụp ảnh được ở năm 1953?
Ông Đỗ Hàn, Chánh Văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam, cho biết ông không phụ trách việc lựa chọn ảnh để tôn vinh trên “Con đường thi nhân” hay triển lãm ảnh mà do Bảo tàng Hội Nhà văn Việt Nam chịu trách nhiệm.
Còn ông Lê Quang Sinh, Giám đốc Bảo tàng Hội Nhà văn Việt Nam, cho rằng: “Chắc cũng chỉ có vài cái ảnh sai sót mà thôi”. Theo ông Sinh, không thể nhiều ảnh sai được bởi vì đây là những tấm ảnh cũ do chính gia đình các tác giả cung cấp.
Chiều cùng ngày, nhà thơ Hữu Thỉnh- Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam cho biết có “việc nhầm lẫn” và giải thích do phải làm vào ban đêm nên có sự vội vàng. Ông cũng đã yêu cầu thay tấm pa-nô in hình nhà thơ Yến Lan đã chú thích là nhà thơ Hàn Mặc Tử.