Thứ Hai, 3 tháng 10, 2016

Kiểu phạt tiểu thương kỳ lạ của trật tự đô thị

HOÀNG LỘC - ĐỨC PHÚ

TTO - Không biên bản, không trình quyết định xử phạt cho người vi phạm, một nhóm nhân viên tổ quản lý trật tự đô thị (QLTTĐT) thuộc UBND P.Bình Hưng Hòa A (Q.Bình Tân, TP.HCM) ép tiểu thương đóng tiền “tươi”.

Theo tìm hiểu, việc nhân viên QLTTĐT P.Bình Hưng Hòa A đi thu tiền “tươi” của tiểu thương dọc các tuyến đường kéo dài từ đầu năm 2016 đến nay.

Thay vì lập biên bản, trình quyết định xử phạt cho người vi phạm, các nhân viên này chỉ giao cho tiểu thương một biên lai thu tiền phạt với nội dung sơ sài: “Lấn chiếm lề đường”.

Phạt hay thu tiền tháng?

Khoảng 7g30 ngày 30-9, hàng trăm tiểu thương buôn bán dọc tuyến đường Gò Xoài một phen nháo nhác bởi sự xuất hiện bất ngờ của nhóm nhân viên QLTTĐT cùng lực lượng bảo vệ khu phố P.Bình Hưng Hòa A.

Vừa tới nơi, các nhân viên này nhanh chóng chia thành hai nhóm “làm việc” với các tiểu thương dọc hai bên đường Gò Xoài, giáp ranh khu phố 2 và khu phố 3 (P.Bình Hưng Hòa A).

Một nhóm có ba nhân viên QLTTĐT, trong đó ông Huỳnh Thanh Bằng được giao phụ trách viết biên lai, thu tiền. Mỗi biên lai được xé ra, ông Bằng thu của tiểu thương 150.000 đồng rồi đút túi mà không lập biên bản hay cho tiểu thương xem quyết định xử phạt.

Sau khoảng 10 phút chạy qua chạy lại như con thoi, len lỏi qua các điểm bán trái cây, rau củ quả... thu tiền “tươi” của hàng loạt tiểu thương, ông Bằng tiếp tục xách cuốn biên lai tiến tới chỗ chị N.T.L. (ngụ Q.12) kinh doanh thịt.

Vừa bước tới, ông Bằng rút cuốn biên lai ra ghi tên, địa chỉ và mức tiền xử phạt yêu cầu chị L. đóng. Chị L. than phiền sáng ra chưa bán được gì, vả lại tháng nào cũng bị phạt 3-4 lần nên không thể chịu nổi.

Ông Bằng đáp: “Chị để hàng trên lề nên đâu phạt một lần được. Cái này do Nhà nước quy định”. Nói rồi ông Bằng đưa biên lai cho chị L. yêu cầu đưa 150.000 đồng.

Thu tiền của chị L. xong, ông Bằng tiếp tục đến chỗ bà M.T.H. (53 tuổi, quê Bắc Ninh) để thu phí. Cầm trên tay tờ biên lai màu hồng, bà H. ngồi thừ người ra nhìn mớ trứng ế ẩm. Tuy vậy, khoảng vài phút sau bà H. cũng móc túi lấy 150.000 đồng đưa cho nhân viên này.

“Buôn bán một ngày trừ mọi chi phí tui còn lời được vài trăm ngàn, vậy mà tháng nào trật tự đô thị cũng bắt phải đóng tiền phạt từ 2-4 lần, làm sao chịu thấu. Nhiều bữa buôn bán ế ẩm quá tui xin không đóng phạt thì các nhân viên này dọa tịch thu đồ nên tui phải cắn răng đóng” - bà H. nói.

Theo bà H., với tiền thuê nhà gần 2 triệu đồng/tháng, tiền mặt bằng 3 triệu đồng/tháng, rồi tiền hàng, mỗi tháng còn phải đóng thêm bốn lần tiền phạt (600.000 đồng), “cứ thế này thì khó sống nổi”.

Trong khi đó, một tiểu thương bán thịt heo vừa bị các nhân viên này thu 150.000 đồng bức xúc: “Tôi thừa nhận mình có sai và đã yêu cầu các nhân viên này lập biên bản, tôi sẽ lên phường đóng phạt. Thế nhưng họ không đồng ý và bắt phải nộp phạt trực tiếp”.

Theo tìm hiểu, chỉ trong sáng 30-9, các nhân viên QLTTĐT này còn thu tiền của hàng chục tiểu thương bán trái cây, bán cháo, bán hoa, bán cá dọc đường Gò Xoài trước khi qua đường số 16 (P.Bình Hưng Hòa A) tiếp tục ghi biên lai, thu tiền.

“Họ làm bậy quá rồi”

Đó là khẳng định của ông Ngô Xuân Thông - phó chủ tịch UBND P.Bình Hưng Hòa A - khi Tuổi Trẻ đề cập đến việc nhân viên QLTTĐT phường thu tiền của dân sai quy định.

Xem qua một loạt hình ảnh do phóng viên Tuổi Trẻ cung cấp, ông Thông nói ngay: “Họ làm vậy là sai hoàn toàn, làm bậy quá rồi”. Ông Thông cho biết tổ QLTTĐT do phường quản lý hiện có 12 nhân viên phụ trách công tác quản lý trật tự xây dựng, đô thị ở 27 khu phố thuộc P.Bình Hưng Hòa A.

Quá trình hoạt động, tổ thường xuyên có sự phối hợp của lực lượng công an, dân phòng, cựu chiến binh và mỗi lần xuất quân làm nhiệm vụ đều có lịch, báo cáo cụ thể.

Về vấn đề báo nêu, ông Thông cho biết trước giờ chưa nghe người dân nào phản ảnh và khẳng định: “Trước đây cũng có một trường hợp sai phạm tương tự, tôi phát hiện và đã xử lý rồi. Để ngăn ngừa tình trạng này, tôi đã gửi văn bản tới các khu phố đề nghị thông tin rộng rãi số điện thoại cá nhân, khi có anh em làm bậy tôi sẽ trực tiếp xử lý, nhưng quả thật không ngờ lần này lại xảy ra hiện tượng như báo phát hiện”.

Theo ông Thông, hiện nay P.Bình Hưng Hòa A có đến ba điểm chợ tự phát lớn trên các đường Lê Văn Quới, Bình Long và Gò Xoài. Do đó, việc tăng cường kiểm tra, xử lý là cần thiết.

Trong quá trình thực hiện, phường có nguyên tắc xử lý: với tiểu thương buôn bán nếu vi phạm lấn chiếm lòng lề đường lần đầu thì nhân viên QLTTĐT có trách nhiệm lập biên bản làm việc để nhắc nhở; với tiểu thương vi phạm nhiều lần sẽ bị xử lý bằng hình thức phạt tiền hoặc tịch thu phương tiện.

Trong trường hợp này, nhân viên QLTTĐT phải lập biên bản và giao quyết định xử phạt cho tiểu thương, sau đó mới được thu tiền trực tiếp hoặc tiểu thương tự đóng phạt tại phường.

“Lý thuyết là vậy nhưng thực tế cách hành xử của anh em QLTTĐT như trên là sai nghiêm trọng rồi. Đúng ra họ phải ban hành quyết định trước, sau đó mới thu tiền chứ không có kiểu đi xé biên lai thu tiền như đi “thu hụi” coi sao được, phản cảm lắm. Tôi sẽ cho xác minh cụ thể, đồng thời yêu cầu các nhân viên này viết kiểm điểm để xử lý nghiêm theo quy định” - ông Thông khẳng định.
***

Phạt trước, về ghi quyết định sau?

Quá trình tìm hiểu, chúng tôi phát hiện có nhiều sai phạm trong quy trình xử phạt lấn chiếm lề đường của nhân viên QLTTĐT.

Cụ thể, tất cả tiểu thương khẳng định chưa một lần bị lập biên bản xử phạt và chưa bao giờ được cầm quyết định xử phạt. Tuy nhiên, ông Ngô Xuân Thông - phó chủ tịch UBND phường - lại khẳng định: “Tất cả đều có biên bản và quyết định xử phạt”.

Khi chúng tôi đề nghị cho xem các quyết định xử phạt ngày 30-9, ông Thông gọi cho tổ QLTTĐT nhưng một nhân viên nói: “Đã khóa tủ”.

Ông Thông cho chúng tôi xem một cuốn “quyết định xử phạt hành chính”. Điều đặc biệt, toàn bộ cuốn này đều được ông Thông ký tên, đóng dấu từ trước, phần ghi các thông tin về đối tượng, ngày tháng xử phạt... đều bỏ trống.

Ông Thông lý giải: “Tôi ký sẵn các quyết định xử phạt rồi giao anh em QLTTĐT, quá trình kiểm tra xử phạt anh em chỉ cần điền thông tin vào thôi”.

Về việc tất cả tiểu thương khẳng định không có nhân viên nào lập biên bản cũng như đưa quyết định xử phạt mặc dù tiểu thương yêu cầu, vậy quyết định trên là quyết định “khống” hay thu tiền phạt trước rồi về ghi quyết định sau, ông Thông trả lời:

“Người dân cứ gọi số điện thoại của tôi để phản ảnh thêm những trường hợp nhân viên khác nữa, có thể còn rất nhiều. Tôi sẽ xử lý nghiêm”.