NLĐO - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng bị quá tải vì họp và việc khó nhất là bố trí cấp dưới đi dự các cuộc họp, trong khi những nhiệm vụ được Chính phủ giao thì chưa thể hoàn thành
Ngày 25-8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng dẫn đầu Tổ Công tác của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT).
Mỗi tuần có 40 cuộc họp
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho đây là cuộc làm việc, đôn đốc chỉ đạo của Thủ tướng chứ nói là đoàn kiểm tra thì nặng nề, nghiêm trọng quá vì kiểm tra có nghĩa là có sai phạm.
Đáp lại phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Tổ trưởng Tổ Công tác - Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: “Đoàn công tác của Thủ tướng là kiểm tra, đừng có hiểu khác. Đây là công việc thường xuyên và là nhiệm vụ Thủ tướng giao phó”. Theo tinh thần “không thể tiếp tục bắn chỉ thiên” mà phải “bắn” có mục tiêu, làm là phải có kiểm tra, đó chính là tư tưởng chủ đạo khi thành lập Tổ Công tác. Vì vậy, trong tháng 8, Bộ KH-ĐT cùng Bộ Tài chính được chọn để thực hiện việc kiểm tra, đôn đốc đầu tiên để báo cáo Chính phủ trong phiên họp thường kỳ tháng 8, dự kiến diễn ra vào đầu tuần tới.
Chủ nhiệm VPCP nhắc đến một số nhiệm vụ mà Bộ KH-ĐT chưa hoàn thành, như việc giao kế hoạch vốn 2016. Phân trần, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Bộ KH-ĐT đang bị quá tải họp và khó nhất là việc bố trí cấp dưới đi dự các cuộc họp. “Trung bình mỗi tuần có 40 cuộc họp. Chỉ riêng việc phân công họp cho lãnh đạo bộ cũng rất mệt mỏi và nếu có ai đi công tác đột xuất là đảo lộn tất cả” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Chia sẻ với sự “họp quá nhiều”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa thẳng thắn: “Nhiều khi cả bộ không đủ thứ trưởng để đi họp. Có những cuộc họp nếu không phải thứ trưởng dự sẽ bị khiển trách, mời về. Họp Ban Bí thư, Quốc hội... không thể không có lãnh đạo dự. Thậm chí họp ở Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội còn yêu cầu cả bộ trưởng có mặt”. Theo ông Thừa, do tần suất họp quá nhiều mà có cùng vấn đề, mỗi lần đi họp là cán bộ khác nhau nên báo cáo cũng khác nhau, dẫn đến chậm trễ trong thực hiện chỉ đạo và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Xử lý đến nơi đến chốn
Theo số liệu thống kê của VPCP, từ ngày 1-1 đến 22-8, số nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao cho Bộ KH-ĐT là 241. Có 74 nhiệm vụ đã hoàn thành nhưng 58 nhiệm vụ trong số này hoàn thành quá hạn. Còn 167 nhiệm vụ chưa thực hiện, trong đó có 15 nhiệm vụ đã quá hạn.
“Đối với 15 nhiệm vụ quá hạn thì Bộ KH-ĐT phải làm rõ, chứ báo cáo kiểu bao biện thế này thì sẽ không làm rõ được trách nhiệm để cải thiện tình hình. Không thể ngồi trên mây gió rồi phân việc. Việc gì VPCP chậm, chưa tốt cũng phải sòng phẳng đặt ra và chịu trách nhiệm” - Tổ trưởng Tổ Công tác nhấn mạnh.
Minh họa cho việc vào cuộc quyết liệt của Thủ tướng và Chính phủ, ông Mai Tiến Dũng kể: “Vụ quán cà phê Xin Chào, Thủ tướng phải trực tiếp chỉ đạo thì mọi việc mới thông suốt nhưng có người nói Thủ tướng làm cả việc nhỏ quá. Thủ tướng hỏi lại, nếu chủ quán cà phê là người thân mình thì chuyện đó có nhỏ không? Việc gì ảnh hưởng đến dân, sai với dân, làm khó dân thì không thể là nhỏ”.
Chủ nhiệm VPCP đề nghị Bộ KH-ĐT phải quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp (DN), không để DN phải xếp hàng. “Nhất là co kéo quyền về bộ mình để đẻ ra giấy phép con, tạo cơ chế xin - cho. Nhiều DN phản ánh phải xếp hàng dài ở Bộ Xây dựng để xin giấy phép xây dựng” - ông Dũng nhắc nhở.
Đồng tình, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhắc nhở cấp dưới việc gì chậm do quy định thì phải báo cáo lãnh đạo bộ, báo cáo Chính phủ xin lùi thời hạn, chứ không thể “ôm” mãi được. “Chậm do có động cơ cá nhân, tôi hứa sẽ xử lý đến nơi đến chốn” - ông Dũng khẳng định.
***
Chia tiền hỗ trợ mà bàn mãi chưa xong
Trong số 15 nhiệm vụ Bộ KH-ĐT được giao mà VPCP xếp loại chưa hoàn thành, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng truy vấn việc phân bổ 2.000 tỉ đồng khắc phục hạn mặn cho các địa phương ĐBSCL từ đầu năm 2016 đến nay vẫn giậm chân tại chỗ. Đây là một việc cấp bách được lấy từ nguồn vốn dư hơn 10.000 tỉ đồng mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.
Giải thích việc này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết bản thân cũng sốt ruột vì họp về vấn đề chống hạn mặn rất nhiều lần mà nay sắp đến một chu kỳ mới rồi nhưng vẫn chưa có địa phương nào rút được tiền hỗ trợ. Nguyên nhân là do Bộ KH-ĐT và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “trái kèo” nhau. Bộ KH-ĐT muốn phân bổ đều, mỗi địa phương bị hạn mặn được khoảng 80 tỉ đồng để giải quyết ngay việc bức thiết như nạo vét hồ chứa nước, khơi kênh rạch… nhưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại muốn đưa về một số dự án dang dở của ngành.
Theo ông Mai Tiến Dũng, đáng ra khi 2 bộ vênh quan điểm thì Bộ KH-ĐT phải chủ động báo cáo Chính phủ ngay chứ cứ ngồi đấu lý với nhau thì “cây trồng chết khát lâu rồi”.