(GDVN) - Gần đây, nhiều chiến sĩ đã phạm vào điều cấm kỵ, làm xấu đi hình ảnh người chiến sĩ công an nhân dân.
Sau 71 năm thành lập, phải khẳng định rằng lực lượng công an đã góp công rất lớn để đảm bảo bình yên cho cuộc sống của nhân dân.
Nhiều chiến sĩ đã hy sinh, nhiều chiến sĩ bị thương tật nặng trong khi làm nhiệm vụ... nếu không có những chiến sĩ dũng cảm như vậy thì chẳng biết xã hội sẽ ra sao?
Nhưng cũng thật đáng tiếc, những năm gần đây lại xảy ra nhiều vụ việc làm méo mó hình ảnh của người chiến sĩ công an nhân dân.
Đó là chuyện lạm dụng vị trí công tác để kiếm lợi riêng cho bản thân, như tường hợp Trung tá Trần Hoàng Tấn, Đội trưởng đội 2, Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an tỉnh Kiên Giang bị kỷ luật cảnh cáo, điều chuyển công tác.
Nhưng cái mà người dân đang bức xúc cho đến tận bây giờ là vấn đề bức cung, nhục hình làm chết người; bức cung, nhục hình dẫn tới oan sai như vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn là một điển hình.
Ở vụ án đó, một số cán bộ trong ngành công an đã phải chịu án kỷ luật nghiêm khắc.
Năm 2013, TAND TP. Hà Nội đã xét xử và tuyên án tù với 7 người từng là công an, đánh chết người.
Năm 2015, TAND Phú Yên đã đưa ra xét xử 5 cựu công an dùng nhục hình làm chết người.
Người bị tuyên án thấp nhất là 9 tháng tù treo.
Người bị án cao nhất là 8 năm tù.
Đáng tiếc là trong số những người bị đưa ra xét xử có cả Lê Đức Hoàn - nguyên thượng tá, Phó Công an TP Tuy Hòa; Nguyễn Minh Quyền - nguyên thiếu tá Công an tỉnh Phú Yên; Nguyễn Tấn Quang - nguyên thiếu tá.
Những bản án nghiêm khắc được đưa ra cho thấy ngành công an không dung túng, bao che cho những người cố tình vi phạm vào những điều cấm kỵ của ngành, đặc biệt là chuyện dùng nhục hình, đánh đập những người bị tạm giữ, tạm giam.
Cũng có cả những vụ việc dù không bức cung, nhục hình, nhưng cũng bị xử lý nghiêm minh.
Đó là trường hợp chủ quán cà phê Xin chào – ông Nguyễn Văn Tấn bị khởi tố.
Trong vụ việc này, Đại tá Nguyễn Văn Quý – Trưởng Công an huyện Bình Chánh tại thời điểm đó đã bị cách chức.
Dù có nhiều người bị tống khứ ra khỏi ngành, bị xử lý nghiêm minh, nhưng đâu đó vẫn cứ xảy ra những vụ việc cán bộ, chiến sĩ của ngành công an hành xử hung hãn.
Chỉ mới từ 4/9 đến 23/9 đã xảy ra hai vụ việc những sĩ quan công an có hành động “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với chính người trong ngành (tại Quảng Ninh), đuổi đánh và đập thiết bị tác nghiệp của phóng viên khi đang tác nghiệp (tại Đông Anh, Hà Nội).
Đầu tiên là vụ Thiếu tá Nguyễn Hùng Cường (Đội trưởng Đội Tham mưu Phòng Cảnh sát Điều tra Tội phạm về Kinh tế và Tham nhũng - Công an tỉnh Quảng Ninh) bị hai anh em là Phạm Bảo Linh và Phạm Bảo Duy hành hung tại khu vực cây xăng Cái Lân (TP. Hạ Long, Quảng Ninh).
Đáng tiếc là hai người có hành vi hung hãn đánh Thiếu tá Cường gục ngã tại chỗ, mê man bất tỉnh và phải điều trị trong bệnh viện nhiều ngày lại đang công tác trong chính lực lượng công an TP. Hạ Long.
Phạm Bảo Linh (Cán bộ Đội Cảnh sát kinh tế Công an TP. Hạ Long) và Phạm Bảo Duy (Cán bộ Đội Cảnh sát Môi trường Công an TP. Hạ Long) và đều là con trai ruột của Thượng tá Phạm Hồng Sinh - Phó Trưởng Công an TP Hạ Long.
Ban đầu, Đại tá Lê Duy Tấn - Trưởng công an TP. Hạ Long xác nhận thông tin về vụ xô xát và cho biết đã có tường trình về sự việc rằng đó chỉ là xô xát và xích mích cá nhân, không có thương tích.
Nhưng tới ngày 17/9, Đại tá Đỗ Văn Lực, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, đã chỉ đạo đình chỉ công tác hai cán bộ Công an TP. Hạ Long là Phạm Bảo Linh và Phạm Bảo Duy, tiếp tục làm rõ vụ việc.
Điều đó cho thấy Công an tỉnh Quảng Ninh đang sẵn sàng xử lý nghiêm minh với những hành vi sai trái của hai chiến sĩ Linh và Duy.
Khi vụ việc xảy ra, nhiều người đã đặt ra câu hỏi: Phải chẳng Linh và Duy ỷ vào vị trí của bố là Phó Trưởng Công an TP Hạ Long nên coi người khác chẳng ra gì?
Cũng có người bày tỏ sự nuối tiếc và đặt ra câu hỏi, phải chăng hai chiến sĩ này đã được gia đình nuông chiều quá chăng?
May mà án mạng nghiêm trọng chưa xảy ra, song những người chứng kiến thì cho biết Thiếu tá Cường đã bỏ chạy, nhưng Linh và Duy vẫn truy đuổi và đánh Thiếu tá Cường đến gục tại chỗ.
Nếu người bị đánh không phải Thiếu tá Công an mà là dân thường thì liệu rằng vụ việc có bị phanh phui, đưa ra xử lý hay không?
Dư luận có quyền đặt ra nghi ngờ ấy, bởi ngay khi vụ việc xảy ra thì một số cán bộ có trách nhiệm tại Công an Quảng Ninh trả lời báo chí đã có ý để cho hai bên tự thỏa thuận giải quyết.
Xuất hiện trên báo chí, Thượng tá Phạm Hồng Sinh cũng đã phân trần về hành vi nóng nảy của hai con trai mình, nhưng đồng thời ông Sinh cũng rất thẳng thắn khẳng định các con ông làm như vậy là sai.
Một người ở tuổi 26, một người ở tuổi 30, cũng chẳng phải trẻ người non dạ đến bức hành động bồng bột.
Nếu vin vào lý do họ còn trẻ tuổi, hành động nông nổi để giảm nhẹ hình phạt thì có khác nào thách thức dư luận?
Nói như vậy không phải để mong rằng hai chiến sĩ này sẽ bị kỷ luật nặng đến mức phải ra khỏi ngành. Nhưng nếu mức kỷ luật quá nhẹ thì ngành công an không tránh khỏi điều tiếng bao che cho con cán bộ.
Đó là cái khó của Đại tá Đỗ Văn Lực – Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh lúc này.
Vụ việc về hai chiến sĩ công an tỉnh Quảng Ninh chưa kịp lắng xuống thì vào ngày 23/9 khi tác nghiệp đưa tin một tài xế taxi tử vong dưới chân cầu Nhật Tân, phóng viên Quang Thế (Báo Tuổi trẻ) đã bị một nhóm người cản trở, đánh và đập phá thiết bị tác nghiệp.
Trong số những người đánh phóng viên Quang Thế có cả cán bộ Công an huyện Đông Anh (mặc thường phục).
Hãy xem những người ỷ thế mình là công an nói: “Mày thích quay không? Mày muốn gì? Tôi yêu cầu ông ra ngoài…Tôi yêu cầu ông ra khỏi khu vực này, kể cả ông quay, đập luôn đi….”.
Những người này liên tục “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với phóng viên, thẳng tay như quân thù, khiến rất nhiều người xem những hình ảnh và clip ghi lại sự việc cũng phải thốt lên rằng: Họ là công an hay côn đồ?
Công an luôn bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân và phối hợp với nhà báo vì công việc chung.
Chỉ có những kẻ côn đồ (theo nghĩa đen) và cả những kẻ có “máu côn đồ” mới hành xử bất chấp luật pháp như vậy.
Thượng tá Phạm Nam Thắng – Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự Công an huyện Đông Anh cho biết: “Đây là những cán bộ trẻ, có thể do bị áp lực vì lúc đang làm ở hiện trường rất đông người hiếu kỳ tụ tập xem nên hành xử không đúng"; đồng thời cũng gửi lời xin lỗi tới Nhà báo Trần Quang Thế và Báo Tuổi trẻ.
Trong khi đó, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương - Giám đốc Công an TP.Hà Nội cho biết ông đã nắm được thông tin vụ việc và đã giao cho PC 44 - Văn phòng Cơ quan điều tra Công an TP.Hà Nội xác minh, khẳng định: "Nếu là cán bộ Công an vi phạm thì dứt khoát sẽ xử lý nghiêm. Còn nếu không phải cán bộ công an thì cũng phải xử lý chứ không thể để tình trạng như thế".
Khẳng định của Tướng Khương khiến cho dư luận tạm thời yên tâm phần nào, bởi vì nếu không xử lý nghiêm minh, công khai thì dù có nói gì đi chăng nữa hình ảnh tốt đẹp mà lực lượng Công an Thủ đô gây dựng bao năm qua chẳng lẽ đổ xuống sông, xuống biển?
Bất cứ một chiến sĩ Công an nào ngay từ khi vào ngày đã phải ghi nhớ 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân:
Đối với tự mình phải: Cần, Kiệm, Liêm, Chính/
Đối với đồng sự phải: Thân Ái Giúp Đỡ/
Đối với Chính phủ phải: Tuyệt Đối Trung Thành/
Đối với nhân dân phải : Kính Trọng Lễ Phép/
Đối với công việc phải: Tận Tụy/
Đối với địch phải: Cương Quyết, Khôn Khéo".
Chẳng những thế, các chiến sĩ còn phải thuộc nằm lòng 5 lời thề danh dự của Công an nhân dân Việt Nam, trong đó đã nói rõ “Kính trọng, lễ phép với nhân dân.
Sẵn sàng bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Suốt đời tận tuỵ phục vụ nhân dân, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân”;
“Ra sức học tập, thực hiện nghiêm túc 6 điều Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy Công an nhân dân, luôn xứng đáng với danh dự và truyền thống của Công an nhân dân Việt Nam”.
Thế nhưng bây giờ dường như đang có chiễn sĩ đã lãng quên những lời dạy của Bác, quên luôn cả lời thề danh dự thiêng liêng của lực lượng Công an nhân dân.
Hung hãn, hành xử như côn đồ như vậy, liệu họ có còn xứng đáng đứng trong hàng ngũ Công an nhân dân nữa không?