Thứ Ba, 20 tháng 9, 2016

Luật cấm cha - con làm quan một chỗ

Lê Tiên Long

SOHA - Dư luận đang xôn xao vụ có tới 8 người trong gia đình Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh làm lãnh đạo. Ông Vinh khẳng định mình không chỉ đạo đề bạt, bổ nhiệm người nhà. Mọi việc diễn ra đúng quy trình. Tuy nhiên, nhân việc này, chúng tôi xin giới thiệu cách người xưa đã ngăn chặn hậu quả của việc có thể lạm quyền "gia đình trị" bằng một luật hết sức độc đáo.

Đó chính là Luật Hồi tỵ.

Luật Hồi tỵ phong kiến quy định: "Không được cai trị ở nguyên quán, trú quán, lấy vợ, kết hôn, làm thông gia nơi mình làm quan".

Khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới thành lập, chính phủ đã tìm cách ngăn chặn tâm lý "một người làm quan, cả họ được nhờ", tình trạng bè cánh, cục bộ trong cán bộ. 

Trong Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ viết ngày 1 tháng 3 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thẳng thắn phê bình, kiểm thảo "Những đồng chí còn giữ thói một người làm quan cả họ được nhờ, đem bà con, bạn hữu đặt vào chức này việc kia, làm được hay không, mặc kệ. Hỏng việc, Đoàn thể chịu, cốt cho bà con, bạn hữu có địa vị là được".

Tuy nhiên, không chỉ nhà nước cách mạng mới quan tâm đến việc chống bè cánh, ưu ái người nhà, bà con. Từ thời phong kiến, việc này cũng được thực hiện khá nghiêm ngặt thông qua luật "Hồi tỵ".

Luật Hồi tỵ được áp dụng ở nhà nước phong kiến Việt Nam trong các thời Lê, Nguyễn. "Hồi tỵ", theo Hán Việt từ điển của học giả Đào Duy Anh, giải nghĩa là "tránh đi". "Hồi" là trở về, "tỵ" là lánh đi (như trong chữ tỵ nạn). Tức là nếu được bổ nhiệm về bản quán thì phải tránh đi.

Luật Hồi tỵ được ban hành đầu tiên dưới thời vua Lê Thánh Tông. Trong bộ Lê triều Hình luật (còn gọi là Luật Hồng Đức) có quy định: 

"Quan lại không được lấy vợ, kết hôn, làm thông gia ở nơi mình cai quản; cũng như không được tậu đất, vườn, ruộng, nhà ở nơi mình làm quan lớn, không được dùng người cùng quê làm người giúp việc".

Quy định được áp dụng từ việc cắt đặt xã quan ở các làng xã. Theo Đại Việt sử ký toàn thư (Bản kỷ, thực lục nhà Lê), thì năm 1488, Vua Lê Thánh Tông xuống dụ quy định:

"Từ nay các quan phủ, huyện, châu xét đặt xã trưởng, hễ là anh em ruột, anh em con chú, con bác, bác cháu, cậu cháu với nhau thì chỉ cho một người làm xã trưởng, không được cho cả hai cùng làm để trừ mối tội bè phái hùa nhau".

Đến năm 1497, vua tiếp tục có dụ quy định bổ sung: "Các viên quan quản quân, quản dân nếu người nào có quê quán ở ngay phủ, huyện mình cai trị, có nhà ở nha môn mình làm việc, thì Bộ lại điều động đi nơi khác, chọn người khác bổ thay".

Sang đến thời Nguyễn, sau khi vua Gia Long thiết lập bộ máy nhà nước, đến thời Minh Mạng, để củng cố nền cai trị, đảm bảo nền hành chính được vận hành hiệu quả, luật hồi tỵ còn triệt để hơn, được mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng và bổ sung những quy định mới.

Năm 1831, vua Minh Mạng ban hành Luật Hồi tỵ gồm các quy định cụ thể:

Khi bố trí quan về trị nhậm tác các địa phương cần phải tránh những nơi: Quê gốc (quê cha) là nơi có quan hệ họ nội nhiều đời; Trú quán là nơi bản thân đã ở lâu, học hành, sinh hoạt; Quê ngoại (bao gồm quê mẹ, quê vợ là nơi theo học trước đây). Ai man trá các điều này sẽ bị nghiêm trị.

Ngoài các điểm chung như luật hồi tỵ thời Lê Thánh Tông, vua Minh Mạng còn có nhiều quy định tích cực và triệt để hơn, như:

Các dịch lại ở các nha môn, các bộ ở Kinh đô và các tỉnh là bố con, anh em ruột, anh em con chú con bác với nhau thì phải tách ra, đổi bổ đi nơi khác.

Các quan lại không được làm quan ở nơi cư trú (nơi ở một thời gian lâu), ở quê vợ, quê mẹ mình; thậm chí cả nơi học tập lúc nhỏ hoặc lúc trẻ tuổi. Các lại mục, thông lại cũng không được làm việc ở phủ, huyện là quê hương của mình.

Các lại mục, thông lại các nha phủ thuộc phủ huyện là người cùng làng cũng phải chuyển bổ đi nơi khác.

Các quan viên từ Tham biện trở lên ở các trấn, tỉnh về Kinh đô dự đình nghị (họp bàn để quyết định một vấn đề), song trong các cuộc họp có bàn việc liên quan đến địa phương mà mình trị nhậm thì không được vào dự.

Đến năm 1836, Luật Hồi tỵ còn được bổ sung những qui định khắt khe hơn: Các quan đầu tỉnh như Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chánh, Án sát, Lãnh binh, Đốc học đều không được cử những người cùng chung một quê. Trong từng Bộ, Nha, Sở, Cục không được bố trí những người có quan hệ cha – con, anh – em, thông gia, thầy – trò, họ hàng...

Khi thanh tra, thụ lý án, nếu trong đó có tình tiết liên quan đến người thân phải bẩm báo để triều đình cử người khác thay thế.

Quan lại không được coi thi, chấm thi ở nơi nào có những người ruột thịt, thân quen dự thi. Nếu có, phải tâu trình thay người khác coi, chấm thi. Nghiêm cấm các quan đầu tỉnh đặt quan hệ giao du, kết thân, kết hôn với phụ nữ nơi mình trị nhậm, cấm tậu nhà, tậu ruộng… trong địa hạt cai quản của mình…

Tuy nhiên, không phải lúc nào các quy định này cũng được tuân thủ triệt để.

Như tại tỉnh Thanh Hóa, do là đất "thang mộc" (quê hương phát tích của nhà Nguyễn), nên chức Tổng đốc thường do một người trong họ Tôn Thất – con cháu các chúa Nguyễn, tức là quê gốc từ Thanh Hóa – nắm giữ, thậm chí chức tri huyện Hà Trung, địa phương có quê các vua nhà Nguyễn, cũng thuộc về người họ Tôn Thất.