VNN - Người dân, dư luận xã hội chỉ có thể tôn trọng, nể trọng khi hành xử của người có quyền tỏ ra là người tự trọng, có liêm sỉ.
Phụ nữ xưa nay được mệnh danh phái đẹp- đã đành. Nhưng họ có phải là phái yếu? Chưa chắc.
“Lệnh ông không bằng cồng bà”
Cũng chính vì thế, ở khía cạnh xã hội, nhân gian xưa nay có câu răn dạy các “lệnh ông” (dùng với nghĩa đại từ nhân xưng- những người có vị thế): Tề gia- trị quốc-bình thiên hạ. Để nói rằng các “lệnh ông” có tề gia- biết răn dạy, bảo ban người trong nhà, ở đây là từ … “lệnh bà” trở xuống, tới con cháu, kẻ ăn người ở, thì mới có thể trị quốc và bình thiên hạ.
Đó là về lý thuyết, là đạo lý của bậc tiền nhân răn dạy hậu bối. Còn hậu bối có làm được không lại là chuyện khác.
Cũng từ xa xưa, nhân gian truyền tụng chuyện ngụ ngôn- ông quan huyện tuổi Tý, được một kẻ hối lộ tượng con chuột bằng vàng. Ngắm nghía con chuột bằng vàng- “lệnh bà” tiếc rẻ: Sao ông không nói ông tuổi Sửu (trâu).
Không biết sau này, “lệnh ông” tuổi tý có cơ hội… sửa đổi lý lịch mình thành tuổi trâu theo lệnh của “lệnh bà” không, nhưng người viết bài đã từng chứng kiến hiện tượng các đồng chí dưới quyền một “lệnh ông”, có “lệnhbà” cùng công sở, suốt ngày thậm thụt, vào ra phòng làm việc của “lệnh bà”, chị chị em em. Ngôn từ của các đồng chí dưới quyền với “lệnh bà” lúc nào cũng như được chắp cánh (?) Những lúc “lệnh bà” giận dỗi, thì anh chị em … sợ lắm.
Mới đây thôi, trong bộ phim Trung Hoa cổ xưa: Ngũ thử đại náo Đông Kinh phát trên VTV1, nhà vua nói với ái phi của mình: Ái phi an tâm. Kẻ nào đụng tới Ái phi tức là dám đụng tới Trẫm!
Chả trách ở thời kim tiền này, các “lệnh bà” của các “lệnh ông”!
Tỷ như câu chuyện của bà T. H.L (nguyên là nữ phó phòng Quản lý doanh nghiệp- Lao động thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế Trà Vinh) một tuần nay bỗng lại gây ồn ào trên các trang mạng xã hội, do báo chí nhắc lại. Năm 2013, khi tức giận, bà chạy xe Honda SH vào thẳng trụ sở UBND tỉnh, dùng gạch đập kính chiếc ô tô biển xanh 84 E- 0727 là phương tiện công vụ của ông T. K, Chủ tịch UBND tỉnh lúc đó, rồi lên phòng làm việc của ông này, dùng gạch đập vào cửa phòng, lớn tiếng đe dọa, chửi bới, thóa mạ lực lượng bảo vệ (VietNamNet, ngày 29/8)
Nhưng bà T.H. L đó thực ra chưa phải là “lệnh bà”, mà theo như bà tự nhận, chỉ là anh em làm ăn thân thiết với ông T.K, Chủ tịch tỉnh thôi đó(!)
Còn những bà thật là “lệnh bà” thì ra sao? Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương, một người có thâm niên hơn 20 năm công tác tổ chức cán bộ mới đây trả lời báo Đầu tư (ngày 2/9) cho rằng: Có một thực tế, có những cán bộ không trực tiếp nhận hối lộ, nhưng có thể vợ, con của họ lại nhận quà cáp, tiền bạc đút lót. Há miệng mắc quai nên các vị ấy nâng đỡ, giúp sức để những người đi cửa hậu thăng quan, tiến chức. Nếu anh liêm khiết mà vợ con, người thân trong gia đình nhận tiền bạc, vật chất của người khác thì anh cũng khó có thể xem xét, đánh giá, cất nhắc cán bộ một cách công tâm.
Nhưng có bao nhiêu “lệnh ông” biết tề gia, bảo ban và nghiêm khắc với “lệnh bà” trong chuyện tuổi tý hay tuổi sửu đây?
Không phải ngẫu nhiên cha ông ta xưa đã tổng kết lệnh ông không bằng cồngbà. Mặc dù câu thành ngữ này về khái niệm còn khá phân vân: “Lệnh ông” là mệnh lệnh hay là“cái lệnh”- một dụng cụ thường dùng ở các nhà thờ, hay đền chùa, thì rút cục, mọi con đường đều dẫn đến thành Roma. Ai cũng hiểu cái “cồng bà” có trọng lượng hơn hẳn “lệnh ông”. Thậm chí, có khả năng phủ nhận … sạch trơn “lệnh ông”.
Cũng tại ngày 2/9, kỷ niệm hơn 70 năm thành lập nước, chưa bao giờ, vị cựu Chủ tịch nước lại có nhiều tâm tư đến thế: Chưa bao giờ trong lịch sử hơn 70 năm Nhà nước ta “của dân, do dân và vì dân” lại xuất hiện những biểu hiện tiêu cực như: “Tư bản thân hữu”, “lợi ích nhóm”, “sân sau của gia đình”; xuất hiện sự cấu kết quyền lực với lợi ích kinh tế, lèo lái chính sách, dàn dựng để tạo ra các cú “áp-phe” lớn mang lại lợi ích khủng cho một số cá nhân và phe nhóm, gây thiệt hại khôn lường cho ngân sách Nhà nước, làm chao đảo nền kinh tế. Các vụ án tham nhũng lớn, đặc biệt nghiêm trọng được đem ra xét xử hay chưa xét xử, thấy thấp thoáng "bóng dáng" của những cán bộ nắm giữ vị trí quản lý, thậm chí cả cán bộ quản lý ở cấp cao (Vietimes, ngày 2/9)
Nhưng trong cái vấn nạn tham nhũng đang nghiễm nhiên ngự trị ở xã hội, làm mất sạch niềm tin của dân chúng, có bao nhiêu % … bóng dáng các “lệnh bà”?
Đồng chí chồng- đồng chí vợ
Có một chủ đề vô cùng xưa cũ, nhưng có những vị quan chức rất nghiện thể loại này, và thích thể nghiệm trong đời sống của mình nên thường khiến dư luận xã hội ồn ào đóng vai trò những nhà “phê bình” bất đắc dĩ.
Đó là vụ việc mới đây, ông Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu “quy hoạch”… vợ mình lên làm cục phó cục này, và đã được Tổng cục Thuế đồng thuận. Không chỉ vậy, trước đó, đã có vài vị quan chức cấp chi cục, phòng là người nhà của ông, hoặc ruột thịt với vợ ông, tạo thành chi cục… “họ ta”
Không rõ Tổng cục Thuế có biết đồng chí (đ/c) tân cục phó cục thuế là “lệnh bà” của đ/c cục trưởng không, vì đến nay Tổng cục Thuế vẫn im lặng là vàng. Dư luận xã hội- như trong Tam quốc diễn nghĩa- đành xin chờ hồi sau sẽ rõ vậy.
Chủ đề xưa cũ, vì hiện tượng gia đình trị, một người làm quan bồng bế đặt nhau lên chiếc ghế quyền lực, cho cả họ được nhờ; quan to chiếm ghế to, quan nhỏ chiếm ghế nhỏ, đã chẳng còn là chuyện mới mẻ. Nó xưa cũ như… nỗi thất vọng và cả sự coi thường, đàm tiếu của người dân, trước sự bổ nhiệm đầy tư lợi, nhưng cứ nhân danh đúng quy trình- là xong om.
Và lần này cũng thế. Xong om!
Vìsao? Vì theo lý lẽ của đ/c cục trưởng, đ/c đã làm đúng quy trình. Thứ nhất, Cục của đ/c đã có văn bản xin ý kiến ngành dọc (Tổng cục Thuế ) và đã được đồng thuận. Thứ hai, vẫn còn qua một cửa ải nữa ký bổ nhiệm, là lãnh đạo tỉnh, đâu phải Cục đ/c xin mà được ngay (!) Thứ ba, đ/c cục trưởng đã nghiên cứu kỹ, rồi viện dẫn văn bản của trên quy định, đối chiếu vào trường hợp như vợ đ/c thì đâu có vi phạm? (VietNamNet, ngày 06/9)
Đúng vậy, chính vì đúng quy trình nó đúng đến …. "tinh vi", như Ts Nguyễn Đình Cung từng nói thẳng, mà đ/c cục trưởng mới vận dụng kiểu cái lý người Kinh.
Có điều, ở đời này, đâu cứ phải đúng quy trình là người dưới quyền, hay xã hội đã tôn trọng, nhất là đúng quy trình đang bị hành xử- lợi dụng không thương tiếc. Ngay người đứng đầu CP đã từng phải nhấn mạnh về công tác cán bộ: Tìm người tài chứ không tìm người nhà!
Hơn nữa, đây còn là người… cùng nhà!
Người dân, dư luận xã hội chỉ có thể tôn trọng, nể trọng khi hành xử của người có quyền tỏ ra là người tự trọng, có liêm sỉ.
Luật pháp luôn đi sau thực tiễn cuộc sống. Từ chuyện lệnh ông không bằng cồng bà đến chuyện “đồng chí chồng, đồng chí vợ”, những lỗ hổng của chế tài pháp luật hình như đang… sơ sểnh?