(PL) - Mấy ngày qua, dư luận chưa hết xì xầm chuyện “cả họ làm quan” xảy ra ở gia đình ông Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, thì lại tiếp tục nghe tin đồn trên mạng về việc “Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến có bồ nhí” (chuyện này ông Chiến đã chính thức phủ nhận).
Trước đó là chuyện ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nguyên tỉnh ủy viên của tỉnh này, cho xe tư nhân “đeo” biển số xanh cũng làm cho dư luận bất bình, bức xúc.
Tất nhiên ba chuyện ấy chẳng có liên can gì về mặt chủ thể, nội dung, thời gian và không gian địa lý… nhưng khi đặt chúng lại gần nhau khiến chúng ta phải suy nghĩ về mối quan hệ công - tư, đòi hỏi phải xử lý cho sòng phẳng.
Với chuyện ông Trịnh Xuân Thanh dùng biển số xanh gắn vào xe tư nhân, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc làm rõ và kết luận cụ thể “là trái quy định của pháp luật, gây phản cảm và tạo dư luận xấu, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Việc làm đó là thiếu gương mẫu, vi phạm quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp””. Cùng với các sai phạm khác, ông Thanh đã bị khai trừ khỏi Đảng. Đây là mức xử lý kỷ luật nặng nhất về mặt đảng đối với cán bộ, đảng viên.
Trở lại chuyện “cả họ làm quan” của ông Triệu Tài Vinh, mặc dù có thể việc bổ nhiệm người thân của gia đình ông Vinh vào các vị trí chính quyền là “đúng quy trình” như ông Vinh phân trần trước công luận nhưng nó không thể không đặt ra nghi vấn: Sao mà nhiều vị trí “ngon cơm” của chính quyền tỉnh này đều nằm ở người thân của ông Vinh thế?… Rõ ràng chuyện này đang gây ra nhiều thắc mắc trong dân chúng. Nếu đã như thế thì Bộ Nội vụ phải tiến hành vào cuộc làm rõ để trả lời cho công luận được rõ chuyện này có thực sự minh bạch không. Cũng cần nói thêm “cái chuyện đúng quy trình” đang dần trở thành phản cảm với xã hội trong nhiều trường hợp bổ nhiệm, nếu đã vậy thì cũng phải xem xét lại quy trình hiện nay đang có khe hở nào.
Còn chuyện tin đồn động trời về bí thư Thanh Hóa, rõ ràng nó không chỉ xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của ông Chiến và gia đình ông mà còn ảnh hưởng một cách trực diện đến hình ảnh, uy tín của ông trước người dân, cán bộ, công chức ở Thanh Hóa. Luật pháp không cho phép một ai, kể cả các cơ quan công luận chỉ dựa vào tin đồn để xúc phạm danh dự, nhân phẩm của một công dân, tổ chức. Vì vậy các cơ quan chức năng phải vào cuộc làm rõ và xử lý kẻ tung tin sai trái. Ngược lại, nếu tin đồn đó là sự thật thì ông Chiến nợ người dân một lời xin lỗi rất lớn. Đó là sòng phẳng vậy!
Cán bộ, công chức ở từng vị trí cụ thể đều đang thực hiện quyền lực công - vốn được nhân dân trao cho. Quyền lực ấy phải được sử dụng một cách đúng đắn để phục vụ cho lợi ích công chúng. Việc sử dụng quyền lực ấy vào chuyện riêng tư hoặc để chuyện riêng tư ảnh hưởng đến uy tín của nó đều mang lại những tác hại khôn lường!