Thứ Ba, 20 tháng 9, 2016

Cháy có gì vui mà xem… đông vậy?

Đoàn Bổng

VNN - Đồng chí cảnh sát từ đầu đến cuối gào đến khản cổ: “Đề nghị mọi người tránh ra”, “Mời ông đi ra” “Tránh ra, tôi bảo tránh ra ngoài”, “Khu vực này nguy hiểm không vào được” để cản hàng dài người hiếu kì đi… xem cháy. 

Đêm 17/09, ở Nguyễn Khang, Hà Nội có cháy lớn, ngọn lửa thiêu rụi quán hát cao 7 tầng. Cả căn nhà đẹp, lung linh là vậy mà trong vài giờ chỉ còn lại đống tàn tro, xác xơ, tiêu điều. Hẳn chủ quán sẽ đau lòng lắm khi biết được vụ cháy của nhà mình được cả trăm người vây quanh, xì xào tám chuyện, tay cầm điện thoại quay lại khoảnh khắc rồi ồ lên “Ôi đã quá em ơi, anh quay được ngọn lửa phụt ra to đùng này”.

Anh bạn nhân viên láng giềng ghé tai phóng viên nói: “Anh có clip quay lại toàn bộ vụ cháy, từ lúc nó cháy nhỏ như ngón tay út đến bây giờ, em mua lại không, anh bán?” Buồn quá nhưng tôi vẫn cố hỏi: “Sao thấy cháy từ bé mà anh không kêu người ta dập đi, để đến giờ cháy chẳng còn gì?” – Anh bạn nói giọng phấn khởi: “Anh biết đâu được với lại chuyện nhà người ta” rồi gặng hỏi có mua clip không?

Điều khó khăn cho việc chữa cháy là gặp những đoạn đường nhỏ, đông và tắc đường cục bộ vào giờ cao điểm. Và con đường Nguyễn Khang vốn chẳng rộng rãi gì, chắc chỉ tầm 5-6 mét. Ấy vậy mà cứ mỗi một xe cứu hỏa vào, ra là lực lượng cảnh sát lại nhọc công giải tán đám đông, hét lớn để thông thoáng đường cho xe làm nhiệm vụ. Như một tổ kiến lớn, hễ cứ “xua” ra được một chốc lại ùa vào như cũ.

Tôi tự hỏi, cháy có gì vui mà chúng ta xem đông đến vậy? Anh cảnh sát nói lớn: “Không thấy cháy lớn nguy hiểm à mà còn xấn vào?”. Chắc chiến sĩ này ngán ngẩm thay cho “lòng dũng cảm” của một số cư dân thủ đô.

Có lẽ đây không phải một hiện tượng hiếm gặp. Từng có mặt trong sự cố sập nhà phố Cửa Bắc, tôi cũng đã chứng kiến những đám đông hiếu kỳ như vậy. Họ xì xào nhau rồi “kiên nhẫn” đợi chờ từng lượt thi thể được đưa ra khỏi đống đổ nát, cho đến khi nạn nhân xấu số cuối cùng được đưa ra, khi ấy khu phố mới trở về sự bình yên vốn có.

Như một nghịch lí, hết cháy rồi nổ rồi tai họa gì đều được nhiều người tò mò, đứng trước một đám cháy có kẻ khóc, có người cười. Có người đến chỉ đơn giản chụp một cái ảnh rồi đăng lên mạng xã hội với đôi ba dòng tâm trạng, có người đến chỉ để xem chữa cháy như xem… văn công. Sự có mặt của cả trăm người này không hề khiến cho đám cháy tắt nhanh đi mà còn cản trở công tác chữa cháy.

Ngày hôm sau, tôi lên mạng và thấy tràn ngập những bình luận trên đó không phải là về thiệt hại vụ cháy ra sao, mà là về tấm ảnh cô gái dùng áo con thấm nước bịt mũi để tránh ngạt, chạy khỏi đám cháy. Không ít người chia sẻ tấm ảnh kèm những lời bình phẩm chẳng mấy hay ho về nhân cách của cô.

Lại có cả những người vui vẻ lên hỏi thông tin các con số liên quan đến vụ cháy để tính số… đánh đề.

Chỉ hai ngày cuối tuần, đã có ít nhất 3 vụ cháy lớn được báo chí đưa tin. Những ngày nghỉ không bình yên. Tôi ám ảnh mãi hình ảnh chụp đôi bàn tay lấm lem tro bụi, cời lại chỉ vàng giữa hoang tàn của đám cháy chợ ở Hương Khê, Hà Tĩnh. Và hình ảnh những đám đông hiếu kỳ ở đám cháy trên đường Nguyễn Khang, Hà Nội cũng ám ảnh tâm trí tôi không kém.

Là một người trẻ, mới rời giảng đường Đại học chưa bao lâu, những bài học được dạy về lòng bao dung, tinh thần tương trợ, lá lành đùm lá rách của người Việt vẫn in đậm trong tôi. Một vài sự kiện tôi chứng kiến thời gian qua không đủ để tôi khái quát lên điều gì mang tính bản chất. Nhưng cá nhân tôi, tôi mơ hồ lo sợ một ngày nào đó tôi hay những người trẻ như tôi cũng trở nên trơ lì cảm xúc. Và biết đâu, khi chứng kiến quá nhiều điều tương tự, rồi thấy điều vốn bất thường trở nên bình thường, người đứng xem trong một đám đông lố nhố, chụp ảnh tự sướng, mời mua clip kia lại là tôi?