(Dân Việt) Hành động tắm biển trước sự chứng kiến của truyền thông có phần khiên cưỡng. Song, đó là một nỗ lực thể hiện thái độ chịu trách nhiệm của người đứng đầu ngành Tài nguyên Môi trường.
Trưa 22.8, sau khi kết thúc hội nghị công bố chất lượng nước biển miền Trung tại Quảng Trị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên, Môi trường đã cùng các lãnh đạo tỉnh Quảng Trị tắm biển để phát đi thông điệp nước biển đã an toàn. Đây là lần thứ hai các yếu nhân tắm biển miền Trung kể từ sau sự cố Formosa, thêm một lần “phẩm giá” của biển được đặt lên tấm lưng trần của các quan chức.
Lần đầu tiên quan chức tắm biển để bảo vệ uy tín cho môi trường biển miền Trung sau sự cố Formosa là vào 4 tháng trước, ngày 30.4, khi Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường và một số quan chức Hà Tĩnh đã tắm biển trước ống kính của phóng viên tại Thiên Cầm. Nhiều người gọi đó là một thảm họa truyền thông! Bởi, thời điểm đó chưa có bất cứ một bằng chứng nào cho thấy nước biển miền Trung là an toàn. Hành động tắm biển của các quan chức Hà Tĩnh được nhìn nhận là một sự “cố đấm ăn xôi”, thậm chí là… dại dột khi coi thường dư luận, cố gắng coi nhẹ mức độ nguy hiểm của một sự cố môi trường mà ngay lúc đó chưa ai lường hết chiều kích của nó.
Trưa ngày 22.8, khi Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng quan chức Quảng Trị bước xuống biển Cửa Việt trong cơn mưa, bối cảnh đã khác. Đó là sau khi các nhà khoa học đã công bố nước biển miền Trung “đạt chuẩn” để bơi lội. Trong cơn mưa, hành động tắm biển trước sự chứng kiến của truyền thông có phần khiên cưỡng. Song, đó là một nỗ lực thể hiện thái độ chịu trách nhiệm của người đứng đầu ngành Tài nguyên Môi trường.
Hai lần các quan chức của ngành môi trường xuống biển, dùng tấm lưng trần của mình để cứu vớt “phẩm giá” của biển, đó là hai lần họ đối mặt với những rủi ro về truyền thông. Lần tắm biển sau của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, dẫu có cơ sở khoa học nhất định, song hơi thô về ý tưởng trong một bối cảnh không phù hợp, giữa cơn mưa. Nhưng, cả hai lần tắm biển của họ đều là những nỗ lực thể hiện tinh thần chịu trách nhiệm với công việc của mình, và sẵn sàng đối thoại với công chúng. Tinh thần đó, dẫu được thể hiện chưa khéo, song là một chỉ dấu đáng ghi nhận về sự chuyển biến về thái độ của quan chức hôm nay.
Một quốc gia trong quá trình phát triển, còn loay hoay với những con đường, những mô hình, việc trả giá cho những sai lầm, vấp váp là điều khó tránh khỏi. Điều quan trọng tạo nên thành công hay thất bại trên con đường phát triển đó, chính là những người có trách nhiệm đối mặt với những sai lầm, đứng lên sau vấp váp ra sao? Khi người đứng đầu ngành các cấp quyết định không lựa chọn sự im lặng giấu mình, người dân có thể tin tưởng những sai lầm đó sẽ không bị lặp lại.
Khi Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường tắm biển sau ô nhiễm, Bộ trưởng Y tế dùng thức ăn địa phương sau nghi án thực phẩm bẩn, Bộ trưởng Công thương dùng hàng nội địa hàng ngày, Bộ trưởng Giao thông đi xe bus công cộng… dẫu đó chỉ là những động tác truyền thông nhưng ít nhất, đó là khi ý thức chia sẻ hậu quả cùng nhân dân về những vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm của cá nhân họ.
Việc Bộ trưởng tắm biển sau thảm họa môi trường có thể chưa thể ngay lập tức mang lại niềm tin của dân chúng về sự an toàn của nước biển. Nhưng đó là hành động xứng đáng được ghi nhận. Bởi ít ra, ông đã sẵn sàng đưa tấm lưng trần của mình ra trước công luận. Và minh bạch thông tin, đôi khi được cụ thể hóa bởi những tấm lưng trần.