Thứ Năm, 11 tháng 8, 2016

Hoan Hô: Đèn vàng của Tướng Trần Thế Quân

ĐÀO TUẤN

LĐO - Nếu xử phạt vượt đèn vàng là bất hợp lý thì sẽ đề xuất bỏ quy định này - Tướng Công an Trần Thế Quân - Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách tư pháp Bộ Công an vừa bày tỏ ý kiến.

Tướng Quân cũng đính chính rằng “không phải cứ đèn vàng thì phải dừng, như thế là cách hiểu chưa đúng”. Còn Nghị định 46, trong đó có quy định xử phạt hành vi vượt đèn vàng, là “do bên Bộ GTVT soạn thảo chứ không phải bên công an”. Đính chính này rất quan trọng. Nó tránh những dư luận xấu về chuyện “vừa đá bóng vừa thổi còi”, “vừa làm luật vừa... áp dụng luật”.

Nhưng đính chính này cũng gián tiếp khẳng định dư luận xã hội suốt gần 10 ngày qua không phải là không có cơ sở. Vượt đèn vàng bị xử phạt như vượt đèn đỏ. Và “không cứ đèn vàng thì phải dừng”. Hai cái hiểu, hai cách giải thích pháp luật từ những người có thẩm quyền khiến cho những người đi đường thật sự không biết đường nào mà lần.

Nhớ một quan chức Bộ GTVT, một trong những tác giả của Nghị định 46 giải thích thế này: Trường hợp đã đi đến vạch dừng, tức là đã đè lên vạch dừng mà đèn mới chuyển từ màu xanh sang màu vàng thì không bị coi là vi phạm”. Nhưng “căn cứ vào điều kiện cụ thể, nếu dừng xe lại có thể bị các phương tiện phía sau đâm vào gây mất ATGT thì được đi tiếp’’.

Lời giải thích rất lằng nhằng, thiếu định lượng, rất dễ gây tranh cãi. Chỉ rất rõ ràng là hàm chứa trong đó khả năng: Người chấp hành luật rất có thể bị tông chết khi dừng lại trước đèn vàng.

Thực tế chuyện vượt đèn vàng một cách cố ý là rất... cơm bữa. Thực tế là ý thức một bộ phận người tham gia giao thông là “rất không có ý thức”. Nhưng không phải vì vi phạm của một thiểu số mà phải uốn cong một quy định để sinh ra một thứ quái thai: Chỉ đỏ và xanh.

Tôi đồng ý với ý kiến của Tướng Trần Thế Quân, giống như một tín hiệu đèn vàng cho quy định xử phạt đèn vàng. Và cũng như đông đảo người dân, chỉ mong ông và Bộ Công an sớm “bật đèn đỏ” với cái quy định xử phạt đèn vàng này: Đề xuất bỏ hẳn.

Cái gì không hợp lý, phản cảm, mất lòng dân thì phải bỏ. Một thứ luật lệ khó hiểu, gây tranh cãi, khó áp dụng, tiềm ẩn nguy hiểm rõ ràng là càng cần phải bỏ.

Và càng bỏ sớm chừng nào thì càng tốt chừng ấy. Bởi quản lý xã hội là phải thấy trước diễn biến để quy định cho đúng chứ không phải đợi hàng loạt tai nạn xảy ra rồi mới sửa sai! Bởi không thể lấy sự an toàn của người dân để kiểm chứng một quy định về lý thuyết là để bảo vệ dân.