Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2016

Những 'ông vua con' đang kết bè kéo cánh

VNN - Càng thấy trăn trở của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về sự lộng quyền, về những “ông vua con” đang kết bè kéo cánh trong mối quan hệ chằng chịt, dọc ngang trên dưới là nỗi lo lớn mà Đảng ta đau đáu đặt lên trên hết mọi sự phải lo.

Ngỡ tưởng oan sai trong tố tụng xét xử chỉ có vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Lương Ngọc Phi đã giật mình rồi. Ai hay giờ lại vụ ông già tuổi 80 Trần Văn Thêm ở Yên Phong, Bắc Ninh gánh nỗi oan tử tù với tội giết người suốt 43 năm. Lãnh đạo tòa án tối cao vừa phải thừa nhận các cơ quan tố tụng đã gây ra vụ oan sai này.

Không thể không suy nghĩ về những yếu kém trong công tác tố tụng khi đó đây còn có những thẩm phán bóp méo vụ án để ăn tiền. Không buồn sao được, khi còn có thư ký tòa liều lĩnh sửa cả hồ sơ vụ án. Càng nao lòng khi mà nhiều vụ việc còn bị “hình sự hóa” như quán cà phê “Xin Chào”! Tưởng cái chuyện lộng quyền tự cho mình như “ông vua con” chỉ ở vị Đại tá Công an Nguyễn Văn Quý, Trưởng Công an huyện Bình Chánh đã đủ thức tỉnh cách hành xử chưa đúng với người dân. Ai hay cũng lại TP Hồ Chí Minh, Công an Quận 10 lại trò “hình sự hóa” sa vào “vết chân” quán cà phê “Xin Chào” khi định khởi tố anh Dương Trọng Tiến bán “điện thoại cùi bắp”. May mà báo chí vào cuộc lên tiếng, nên kịp dừng lại.

Quyền uy phải chăng trao quá lớn, hay cái sự lộng quyền quá ghê trong một số công chức có quyền, mà còn có vụ bắt người trái luật giữa đêm ở huyện Phú Hòa, Phú Yên dư luận đang bất bình kia!

Mới hay: Bệnh lộng quyền, thao túng quyền uy, coi mình như những “ông vua con” đang làm méo mó kỷ cương, làm cho lòng dân bất bình, bức xúc. Phải chỉ thẳng vẫn còn đó những vụ điều tra viên chưa làm tốt bổn phận, những vụ án xét xử thiếu công tâm, bỏ lọt tình tiết trong các cơ quan tố tụng. Cũng bởi còn để những vụ án điều tra, khởi tố, xét xử chưa “tâm phục khẩu phục”, nên mới có những oan sai như ông Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Lương Ngọc Phi, Trần Văn Thêm…

Vẫn hay: Oan được giải, được Nhà nước đền bù. Nhưng tiền bạc nào đắp bù cho đủ nỗi đắng cay của cả gia đình và dòng tộc người bị oan sai.

Đất nước dài rộng, hơn 90 triệu dân với bao nóng bỏng, đủ cả vui buồn diễn ra hàng ngày, Chính phủ sẽ quản trị điều hành thế nào đây? Đổi mới là không thể khác. Gần dân, lắng nghe dân, trọng dân để hành động là không thể khác. Nhưng muốn lắng nghe, muốn thấu tỏ lòng dân, không thể cứ ngồi nơi công sở để đọc báo cáo, nghe quân quyền báo cáo. Người lãnh đạo các bộ, ngành phải lăn xả vào thực tế, mới biết thực tế hay dở thế nào, mới biết mình phải làm gì cho đúng, cho trúng lòng dân.

Nhìn thẳng mới thấy cứ rút kinh nghiệm vụ này, vụ khác lại xì ra na ná, y chang, rồi cũng lại rút kinh nghiệm hoài, sao “lọt tai” dân? Rút kinh nghiệm mà không quy nổi trách nhiệm, có khác gì bệnh trọng nhờn thuốc? Cứ nể nang, che chắn nhau trong những sai phạm rồi “cho qua”, thì sao đất nước có kỷ cương, sao nói “thượng tôn pháp luật”?

U nhọt đã nhìn ra, đừng ngần ngại gì mà không chọc thẳng mũi dao để cắt bỏ. Càng thấy trăn trở của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về sự lộng quyền, về những “ông vua con” đang kết bè kéo cánh trong mối quan hệ chằng chịt, dọc ngang trên dưới là nỗi lo lớn mà Đảng ta đau đáu đặt lên trên hết mọi sự phải lo.

Cả hệ thống chính trị đang vào cuộc mạnh mẽ, tuyên chiến với tham nhũng, tiêu cực của một bộ phận cán bộ đảng viên là điều người dân cả nước nhìn thấy rõ. QH ra tay, Chính phủ các bộ, ngành, địa phương cùng vào cuộc, đang tạo ra sức mạnh lòng dân như sóng dâng, gió cuốn.

Các cơ quan tố tụng hãy dũng cảm mổ xẻ từ những vụ làm oan dân lành xem có mắc bệnh vô cảm? Nếu không, thì phải nhìn vào tinh thần trách nhiệm, khả năng nghiệp vụ với những phận người còn đang bị những chiếc vòng kim cô vô lý của quyền uy bủa vây phong tỏa. 

Rõ ràng các cơ quan tố tụng, thực thi pháp luật phải chịu lắng nghe, và biết nghe mới tỏ gan ruột lòng dân. Như nghe cô con gái ông Trần Văn Thêm mang tiếng oan kẻ giết người gần nửa thế kỷ. Kêu oan cho bố, mà chữ nghĩa cô không đủ để diễn đạt đơn từ. Lá đơn kêu cứu nào cũng chỉ viết đi viết lại “bố cháu bị oan, bố cháu bị oan” gửi đến đủ các cơ quan chức năng các cấp. Như vụ ông Trần Văn Vót ở Lý Nhân, Hà Nam, các cơ quan tố tụng có hay chính ông cụ thân sinh ra nạn nhân đã viết cả trăm lá đơn kêu oan cho nghi phạm giết con mình, thì sao người thực thi pháp luật lại có thể vô cảm đến lạnh lùng cho được?

Pháp luật không có “vùng cấm” cho bất cứ ai? “Thượng tôn pháp luật”, dù chức cao quyền trọng đến mấy vi phạm cũng phải nghiêm trị. Dân lành mà cứ đổ xuống đầu những oan khiên, thì rõ ràng người làm pháp luật, thực thi pháp luật không thể không suy nghĩ?

Chống oan sai, không lặp lại oan sai! Không thể cứ vụ oan sai nào cũng lại kéo dài sợi dây rút kinh nghiệm bảo đó là bài học đắt giá, bài học sâu sắc, mà phải quy cho được trách nhiệm tổ chức và cá nhân trong căn nguyên gốc rễ gây ra oan sai ấy! Chỉ có thế thì lòng dân mới tin vào công lý, tin vào kỷ cương của nước non này!

TheoMinh Quân/ Đại biểu Nhân dân

*Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt